Dù huyện đã trình lên tỉnh kết quả xác minh là không có hổ, nhưng những người dân bản địa vẫn khẳng định nhìn thấy hổ, và dấu vết hổ ăn gà sa bẫy là không thể nhầm lẫn. Toàn bộ hệ thống hang động, thực địa rừng núi ở Krông Nô rông lớn khó có thể rà soát hết được. Điều này khiến các nhà khoa học dự kiến tiếp tục vào các hang động núi lửa để tiến hành công tác khảo cổ lo lắng.
Ông Phan Sỹ Thống, cán bộ Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông cho biết: Sau khi nhận đơn trình báo về việc dân nhìn thấy cá thể hổ từ Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia Phát, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã giao ủy ban nhân dân huyện Krông Nô lập đoàn xác minh. Đoàn làm việc xong báo cáo lên là không có các cá thể hổ ở khu vực trên.
Trước đó, tối ngày 16/8/2019, hai nhân viên người M'Nông trực bảo vệ diện tích rừng trên khu vực có hang động do Công ty cổ phần đầu tư Phú Gia Phát quản lý, là ông Y Ngun (tên thường gọi Ama Hôi, 57 tuổi), và ông Y Jon, đã tận mắt thấy cá thể hổ. Ama Hôi kể: Lúc đó khoảng 7 giờ 30 tối, soi đèn pin, tôi giật mình thấy hai cặp mắt sáng quắc của loài hổ. Hai cá thể hổ ước cao khoảng 1,4- 1,5m. "Tôi chạy vào nhà, cài chặt cửa, nhìn qua kẽ vách, thấy đôi hổ lững thững bước khuất hẳn vào rẫy bắp gần ngã ba buôn Choa'h". Sau đó, nhân viên khác là Ama Oan phát hiện có con gà rừng mắc bẫy nghi bị hổ ăn sạch.
Ông Sùng Văn Tu, người Nùng ở thôn 7 kể đã thấy cả gia đình hổ 3 con. Hổ bố cỡ 1,3 tạ, hổ mẹ khoảng 80 kg, hổ con cỡ 20 kg.
Việc dân thấy hổ trong vùng núi lửa đã được Công ty Phú Gia Phát làm báo cáo gửi lên tỉnh, đề nghị chính quyền "có hướng xử lý, tránh tình trạng hổ sẽ tấn công người dân hoặc bị săn bắn".
Lâu nay các hang động vùng này đã được cảnh báo nguy hiểm để công chúng không tò mò tìm vào. Khó khẳng định được hổ không vào khu vực này ẩn náu, nếu không rà soát toàn bộ được cùng lúc cả hệ thống hang, thực địa.