Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đảm bảo không để xảy ra oan sai, trục lợi về chính sách người có công

Sáng nay (ngày 26/7), tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến lĩnh vực người có công. Cùng tham dự có Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Tiến Tùng, Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi cùng đại diện Văn phòng Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí.

 - Ảnh 1Bộ trưởng trực tiếp giải đáp các thắc mắc của người dân.

 

Tại buổi tiếp dân, Bộ trưởng đã lắng nghe những ý kiến phản ánh của người dân về việc thực hiện các chính sách đối với người có công tại một số địa phương, cơ sở; về việc xác nhận liệt sĩ, thương, bệnh  binh, người hưởng chế độ chất độc da cam; trường hợp đề nghị xác nhận người có công với cách mạng…

Phát biểu tại buổi tiếp công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bày tỏ sự cảm thông với những mong muốn, bức xúc của các  công dân. Bộ trưởng nói: “ Trong không khí cả nước đang sôi nổi diễn ra các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 -27/72019), việc các thương, bệnh binh, thân nhân người có công phải đến đây để  kiến nghị về các chính sách liên quan đến người có công với cách mạng là một điều không vui. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng  càng nhanh càng tốt nhưng phải  đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra oan sai, trục lợi chính sách gây mất niềm tin cho xã hội”.

Trước những đề xuất, kiến nghị của người dân, Bộ trưởng yêu cầu: “Các đơn vị đặc biệt Cục Người có công và Thanh tra Bộ xem xét, nghiên cứu kỹ những kiến nghị, đề xuất của từng công dân.  Trong phạm vi, thẩm quyền của các đơn vị phải  giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý không để kéo dài.  Còn những vấn đề không thuộc thẩm quyền Bộ, Bộ sẽ có văn bản gửi các cơ quan, ban, ngành địa phương xem xét xử lý, giải quyết”.

 

 - Ảnh 2Những thắc mắc của người dân liên quan đến lĩnh vực người có công đã được giải đáp.

 

Giải đáp những thắc mắc của người dân về việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công, Bộ trưởng khẳng định: Với chủ trương không bỏ sót đối tượng được thụ hưởng chính sách, năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với những quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch. Những đề nghị của người dân về đối tượng của Quyết định 408 sẽ giao Sở LĐ-TB&XH các địa phương căn cứ vào các quy định hiện hành của nhà nước xem xét, xác minh hồ sơ, xác minh lý lịch khi có kết luận cuối cùng báo cáo Bộ. Nếu  đủ điều kiện Sở LĐ-TB&XH sẽ trình Bộ đề nghị xét công nhận người có công.

Về vấn đề giả mạo hồ sơ để trục lợi chính sách người có công, Bộ trưởng nói: “Đây là một vấn đề gây nhức nhối, bất bình trong nhân dân thời gian qua, đặc biệt là những người có công đã đổ xương máu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước”.  Bộ trưởng khẳng định, việc đấu tranh chống tiêu cực, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời tất cả các trường hợp trục lợi, khai man hồ sơ, hưởng lợi chính sách là quyết tâm chính trị rất lớn của ngành LĐ-TB&XH. Đồng thời,  Bộ trưởng hoan nghênh tinh thần thẳng thắn đấu tranh của công dân với những hành động sai trái, lợi dụng chính sách của Đảng, Nhà nước để trục lợi. Bộ trưởng khẳng định, ngành LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết đấu tranh,  xử lý các hành động trục lợi chính sách không để “trắng đen lẫn lộn”, người có công thực sự sẽ được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước còn người không có công không được hưởng.

 

 - Ảnh 3Người dân đăng ký tại phòng tiếp dân.

 

Giải đáp những thắc mắc của công dân về chế độ đối với người có công và thân nhân, Bộ trưởng cho biết, với mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống người có công với cách mạng, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến cho dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) nhằm thay thế Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng  năm 2012. Dự kiến trong tháng 10/2019, Chính phủ sẽ  bàn về sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công, đến tháng 12 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những ý kiến đề xuất của công dân sẽ được Bộ tiếp thu  và giao Tổ soạn thảo  nghiên cứu, xem xét đưa vào dự thảo Pháp lệnh.

NGUYỄN SÍU - MẠNH DŨNG