Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dàn dựng tác phẩm văn học đặc sắc đưa vào biểu diễn trong trường học

UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030.

Đề án đặt mục tiêu sẽ phục dựng và dàn dựng mới 51 vở diễn trong 70 tác phẩm văn học đặc sắc có trong chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2022-2030; tổ chức 1.800- 2.000 buổi biểu diễn cho các trường phổ thông trên địa bàn thành phố.

Đề án sân khấu hoá tác phẩm văn học biểu diễn trong nhà trường được kỳ vọng sẽ tạo “làn gió mới” trong dạy và học môn Ngữ văn.

Đề án sân khấu hoá tác phẩm văn học biểu diễn trong nhà trường được kỳ vọng sẽ tạo “làn gió mới” trong dạy và học môn Ngữ văn.

Trên cơ sở các tác phẩm văn học nổi tiếng trong nước và nước ngoài được giảng dạy trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành và chương trình GDPT mới năm 2018, các nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ dựng trích đoạn, vở diễn, tổ chức giới thiệu và biểu diễn tại các trường học. Nghệ sĩ, diễn viên của các Nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với nhà trường tuyển chọn, hướng dẫn, truyền dạy cho giáo viên, học sinh các trường phổ thông có năng khiếu và đam mê nghệ thuật sân khấu kết hợp biểu diễn một số vở diễn, trích đoạn đã được dàn dựng. Điều này sẽ góp phần lan toả, mở mang những tri thức cần thiết, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, góp phần định hướng và hoàn thiện nhân cách, lối sống của học sinh, xây dựng con người Hà Nội phát triển toàn diện.

Trong đó, ở giai đoạn thử nghiệm từ năm 2022 đến năm 2024, đề án đặt mục tiêu sẽ phục dựng và dàn dựng mới 11 vở diễn; tổ chức 400 buổi biểu diễn; tuyển chọn học sinh, giáo viên có năng khiếu tại 2 điểm trường để hướng dẫn/truyền dạy nghệ thuật sân khấu. Phối hợp nghệ sĩ, diễn viên các Nhà hát biểu diễn các vở kịch, trích đoạn đã dàn dựng. Giai đoạn triển khai rộng rãi từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ phục dựng và dàn dựng mới 40 vở diễn; tổ chức 1.400 -1.600 buổi biểu diễn; tuyển chọn học sinh, giáo viên có năng khiếu tại 24 điểm trường để hướng dẫn, truyền dạy nghệ thuật sân khấu.

Những nhà hát trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ dàn dựng và biểu diễn tại trường học. Các nghệ sĩ cùng với nhà trường tuyển chọn, hướng dẫn giáo viên và học sinh kết hợp biểu diễn. UBND thành phố Hà Nội giao Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai, tuyên truyền triển khai đề án tại các nhà trường phù hợp với khung chương trình học. Kinh phí thực hiện đề án được lấy từ ngân sách và huy động các nguồn xã hội hóa.

Thực tế cho thấy, sân khấu hóa tác phẩm văn học  là một nội dung của phương pháp giảng dạy Ngữ văn “trả tác phẩm cho học sinh” đã được nhiều trường THPT nói chung, các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội triển khai từ lâu. Phương pháp này giúp học sinh chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm để cảm nhận về các nhân vật và chi tiết trong tác phẩm sau đó tái hiện trên sân khấu lớp học. Tại một số trường học như: THPT Lê Quý Đôn; Trường THPT chuyên Ngữ, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, việc đưa tác phẩm văn học lên sân khấu đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Hầu hết các tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình như: Chí Phèo, Vợ Nhặt, Nỗi oan Thị Mầu, Số Đỏ... đã được sân khấu hóa với những góc nhìn, cách tiếp cận phong phú, sinh động của giáo viên và học sinh.

Theo cô Phạm Hà Thanh, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn, việc sân khấu hóa tác phẩm văn học có sức hấp dẫn với học sinh bởi phương pháp này đã khơi gợi được cho các em ý muốn tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh sáng tác tác phẩm; giúp các em hiểu được các thông điệp mà tác giả, tác phẩm muốn chuyển tải. Đồng thời, đây cũng là cách tạo điều kiện để học sinh phát huy vai trò tự chủ trong việc học, không bị giới hạn, bó buộc bởi những nội dung trong bài giảng của giáo viên. Khi các em được thể hiện quan điểm của mình và được công nhận sẽ giúp cho các em thêm tự tin và hứng thú trong các giờ học.

Nhiều giáo viên Ngữ văn cho rằng, việc sân khấu hoá tác phẩm văn học, đưa vào biểu diễn rộng rãi trong nhà trường là cần thiết và cách làm này sẽ càng trở nên hấp dẫn, sinh động, hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của các nghệ sỹ chuyên nghiệp đến từ các Nhà hát lớn của Thủ đô. Nếu được nhân rộng, đây sẽ là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả tạo ra “làn gió mới” nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Tuy vậy, để đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới trong chương trình giáo dục phổ thông”, giai đoạn 2022-2030 thực sự phát huy hiệu quả, nội dung các vở diễn, trích đoạn văn học được sân khấu hoá phải có tính giáo dục cao, phù hợp với chương trình học và lứa tuổi học sinh. Nội dung, hình thức tổ chức giới thiệu, biểu diễn đảm bảo gọn nhẹ, hấp dẫn, không có tính áp đặt, đảm bảo thu hút các đối tượng học sinh tự nguyện tham gia.

Lộ trình giới thiệu, biểu diễn các vở diễn, trích đoạn đảm bảo tính thống nhất và liên thông giữa các khối lớp, cấp học; không lặp lại nội dung, hình thức giới thiệu, biểu diễn các vở diễn, trích đoạn cho cùng một đối tượng học sinh ở các khối lớp, cấp học khác nhau. Kế hoạch giới thiệu, biểu diễn cũng cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, không nặng nề, quá tải cho học sinh và không ảnh hưởng tới chương trình học tập chính khóa theo khung chương trình học do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT quy định.