Trở lại với khán giả Sao nối ngôi trong vai trò giám khảo, Phương Dung xúc động khi xem các tiết mục ở đêm thi trước, đặc biệt là nhìn thấy cô đào trẻ 20 tuổi Hà Mỹ Anh nhiệt huyết với bộ môn hát bội dù biết hành trình đến hát bội đầy thăng trầm, gian truân.
Nữ nghệ sĩ tâm sự: “Lớp trẻ ngày nay ít nối nghiệp nghệ thuật của cha ông. Hà Mỹ Anh sinh năm 2001, còn quá trẻ nhưng là đời thứ 3 của gia đình hát bội. Không riêng gì hát bội mà tuồng cổ, tìm khán giả thưởng thức rất khó bởi chuyện lịch sử, tích cũ rất ít người biết và hiểu. Chèo cũng là bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc sắc nhưng đang cũng bị chìm khuất bởi các hình thức giải trí hiện đại”.
Danh ca Phương Dung rất chọn lọc chương trình để làm giám khảo. Bà tiết lộ: “Tôi rất ít khi nhận lời làm giám khảo, chỉ những chương trình có giá trị nhân văn, trân trọng tài năng thật sự của người nghệ sĩ tôi mới nhận lời. Tôi mang kiến thức, trải nghiệm giúp các em hiểu vì không hiểu hết nên hát sai lời. Tôi luôn tận tình chỉ cho các em bài đó ra đời năm nào, trong bối cảnh nào, để hát đúng tinh thần, cảm xúc của bài hát. Khán giả của thế hệ tôi hay lớn hơn cảm thấy hoài niệm khi xem những màn trình diễn”.
Danh ca Phương Dung có tất cả 8 người con: 6 trai và 2 gái. Chồng quá cố của bà là ông Võ Doãn Ngọc. Phương Dung và chồng quen nhau trong một dịp tình cờ tại Bangkok hồi năm 1967, khi bà sang Thái Lan biểu diễn. Một năm sau, hai người kết hôn. Gia đình ca sĩ Phương Dung sang Úc định cư từ năm 1977 tại thành phố Melbourne. Vợ chồng nữ danh ca sống rất hạnh phúc, bà luôn tự hào khi nói về mái ấm gia đình.
Là một trong những giọng ca nổi tiếng Sài Gòn những năm trước 1975, Phương Dung sang Mỹ và trở thành cái tên đắt show ở hải ngoại. Những năm gần đây, bà trở về Việt Nam và là một trong những giám khảo không thể thiếu trong nhiều chương trình truyền hình. Ở tuổi 75, Phương Dung vẫn có phong cách ăn mặc trẻ trung khiến nhiều người trầm trồ. Bà không ngại mặc những trang phục sáng màu như hồng, vàng, trắng... giúp bản thân trở nên trẻ trung, thanh lịch hơn.
Ngoài gu thời trang, bà còn được biết đến bởi sự thân thiện, thoải mái dành cho đồng nghiệp cũng như đàn em. Bà luôn ủng hộ, động viên sự nỗ lực của ca sĩ trẻ khi tiếp cận dòng nhạc bolero. “Nhạn trắng Gò Công” không chỉ khiến khán giả mà còn cả một số nghệ sĩ trong nghề bày tỏ sự kính trọng và thương yêu vì là một nghệ sĩ tận tâm với nghề dù đã ở tuổi xế chiều.
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, từ năm 1999, danh ca Phương Dung thường xuyên hỗ trợ những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể điều trị miễn phí, mở những đợt chữa trị mắt cho dân nghèo tại quê hương Gò Công (Tiền Giang), sau đó nhân rộng ra các tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Kon Tum, Đồng Tháp, Cần Thơ. Bà bảo công chúng dành cho mình quá nhiều lộc nghề và tình cảm nên phải chia sẻ tình thương yêu này cho những người kém may mắn hơn.
Ngoài hoạt động chữa mắt, hội thiện nguyện của danh ca Phương Dung còn tham gia giúp học sinh nghèo, cứu trợ nạn nhân thiên tai, bão lụt. Bà đã đài thọ cho nhiều sinh viên khoa y Đại học Y Dược TP HCM từ năm đầu vào đại học cho đến khi tốt nghiệp. Phương Dung còn góp sức xây mái ấm từ thiện trên mảnh đất 11ha trên mảnh đất của người bạn (Hóc Môn, TP HCM), dùng thù lao đi hát góp sức với mọi người xây nơi nuôi hàng chục trẻ mồ côi.
Trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, bà tiết lộ: “Tôi ở Việt Nam chia sẻ với đồng nghiệp, khán giả đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh của Covid -19”. Danh ca Phương Dung buồn cho những người mang dịch bệnh mà qua đời. Bà hy vọng, người Việt sẽ ý thức cao để hạn chế lây lan dịch bệnh trong động đồng. “Đây là buồn chung của thế giới, của xã hội ở mọi nơi, lẫn kinh tế toàn cầu không chỉ riêng cuộc sống của nghệ sĩ”, Phương Dung tâm sự.
Phương Dung chỉa sẻ, thời gian gần đây vẫn đang góp tiền làm từ thiện. Nữ danh ca chờ khi tình hình dịch bệnh kiểm soát được sẽ đi đến Tà Cóm - bản người Mông xa xôi và khó khăn nhất nhì tỉnh Thanh Hóa. Bởi bà biết được câu chuyện về Sùng A Chai, cậu bé người Mông ở bản Tà Cóm bị bố mẹ bắt cưới vợ khi mới học lớp 6. Hơn 10 năm sau, Sùng A Chai đã là thầy giáo dạy chữ cho chính các em nhỏ ở bản Tà Cóm.
Bà xúc động nói: “Sự học của Sùng A Chai và hành trình đầy nỗ lực mà không phải ai cũng đi được đến đích. Đôi lần con chữ bị đứt gãy nhưng rồi Chai biết chỉ có học mới thoát được cái nghèo, cái khổ ở Tà Cóm. Tôi xúc động với câu chuyện này và mong muốn dịch chóng qua để tôi đến vùng đó, xem tình hình của các em. Tôi dự định mỗi tháng sẽ quyên góp từ cá nhân, gia đình, từ các con của tôi đang ở Úc, để giúp đỡ 84 em nhỏ đang theo học tại đây”.