Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Đánh thức” di sản văn hóa ven hồ Tây

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Tây Hồ là một trong những trung tâm văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Dù nhịp đô thị hóa mạnh nhưng nơi đây vẫn còn in đậm các dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Không chỉ vậy, lấy trục trung tâm là hồ Tây thì Tây Hồ là nơi lắng đọng nhiều trầm tích văn hóa với hàng loạt di tích lịch sử nổi tiếng, lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống.

Từ những lợi thế này, việc khơi thông nguồn lực về văn hóa, coi văn hóa là động lực phát triển, là định hướng nền tảng đúng đắn để “đánh thức” các tiềm năng, giá trị của mảnh đất văn hiến.

Vùng đất giàu tiềm năng

Những di sản ven hồ Tây có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch.JPG
 Quận Tây Hồ với nhiều điểm du lịch thắng cảnh, văn hóa, tâm linh hấp dẫn.

Trong tâm thức của mỗi người dân Thủ đô, không ai không biết đến vùng đất Tây Hồ với những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc. Trong nhiều tài liệu còn lưu lại, nơi đây còn được mệnh danh là mảnh đất “rồng thiêng hội tụ” với thế đất “long phượng trình tường, phượng hoàng ẩm thủy”.

Tây Hồ mang trong mình nhiều trầm tích văn hóa đặc sắc. Đó là hồ Tây mênh mang sóng nước, là hơn 20 di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long như: Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... cùng với đó là những lễ hội đặc sắc và làng nghề truyền thống: Giấy dó Yên Thái, hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng.

Điều lý thú là trong khi nhiều nơi phát triển nghề truyền thống đi kèm nỗi lo về môi trường thì các làng nghề của Tây Hồ lại góp phần làm đẹp cảnh quan. Làng hoa đào Nhật Tân là ví dụ. Theo đó, làng hoa này độc đáo ở chỗ trong khi nhịp đô thị hóa thường khiến nghề nông mất đi nhưng ở Tây Hồ, nghề vẫn tiếp tục phát triển. Bí quyết là người Tây Hồ chọn cho mình lối đi riêng.

Phần đông người Nhật Tân chuyển sang trồng đào thế. Với nghề truyền thống tích lũy qua nhiều thế hệ, đào Nhật Tân khác biệt hẳn so với những cây đào nơi khác. Và dĩ nhiên, nghề chẳng phụ người, người Nhật Tân “sống khỏe” với nghiệp trồng hoa. 

Ông Trần Duy Thuần (vườn đào Tuấn Việt) đam mê với nghề trồng đào ở Nhật Tân cho biết, cây đào thế truyền thống của Nhật Tân luôn có sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa gốc, cành, cành dăm. Không giống cây nơi khác, đôi khi người ta ghép những cành đào nhỏ vào gốc cây "khủng" khiến cây trông mất cân đối.

Kỹ thuật trồng đào Nhật Tân cũng cho ra những bông đào to, sắc thắm, cánh nở căng. Hơn hết, để giúp người tiêu dùng hiểu hơn về giá trị của đào Nhật Tân, những người trồng đào Nhật Tân đã biết ứng dụng truyền thông để lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của cây đào.

Chia sẻ về định hướng phát triển nghề truyền thống hoa đào thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Quận Tây Hồ sẽ triển khai đầu tư phát triển hạ tầng thuận lợi cho hoạt động du lịch ở làng đào Nhật Tân.

Quận cũng động viên, khuyến khích các nhà vườn thiết kế cảnh quan xứng tầm để khách đến thưởng ngoạn; đồng thời, triển khai giới thiệu vẻ đẹp các loại đào, quy trình trồng, chăm sóc đào… tới du khách.

Không chỉ vậy, Nhật Tân cũng được định hướng sẽ kết nối với các danh thắng, không gian trồng hoa lớn như: Thung lũng hoa, bãi đá sông Hồng, các di tích, làng nghề trên địa bàn quận Tây Hồ để trở thành tour du lịch hấp dẫn, qua đó nâng tầm giá trị cho cây đào.

Không ngừng khai phá để phát triển

Quận Tây Hồ với nhiều điểm du lịch thắng cảnh, văn hóa, tâm linh hấp dẫn.jpg
Những di sản ven hồ Tây có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch.

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, quận Tây Hồ tiếp tục khẳng định vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận. Với mục tiêu đó, cán bộ và nhân dân quận Tây Hồ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy tối đa những thế mạnh là thiên nhiên, lịch sử đã ban tặng cho Tây Hồ.

Theo Quận ủy Tây Hồ, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ Quận đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành Trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”.

Mục tiêu đó đã được cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án cụ thể qua các kỳ đại hội, với những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt mà trong đó “Phát triển toàn diện sự nghiệp văn hóa xã hội; góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân” luôn được Đảng bộ Quận quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời với nhiệm vụ phát triển kinh tế trên địa bàn.

Theo tìm hiểu, riêng năm 2023, quận Tây Hồ đã tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao lớn trên địa bàn. Đặc biệt, hội thề trung hiếu Đền Đồng Cổ đã được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, quận cũng phối hợp tổ chức thành công sự kiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc TP Hà Nội tại Không gian văn hóa sáng tạo quận với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật "Vũ điệu kết đoàn" do hơn 1.200 cán bộ, đảng viên, nhân dân quận biểu diễn. Chương trình cũng xác lập kỷ lục Việt Nam với số lượng người tham dự đông đảo.

Không chỉ vậy, trong kỷ nguyên số, việc tìm kiếm thông tin du lịch văn hóa trên không gian mạng ngày càng chiếm ưu thế. Vì vậy, quận Tây Hồ đã triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ”, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, đồng thời thông tin nhanh nhất tới người dân và du khách về văn hóa du lịch quận Tây Hồ.

Trong đó, ứng dụng “Tay Ho 360” (trên App Store và CH Play) trang web có địa chỉ truy cập: https://tayho360.vn; https://tayho360.com được triển khai nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin về du lịch và văn hóa của cả người dân địa phương và du khách.

Đặc biệt, để đưa Tây Hồ phát triển thành trung tâm dịch vụ, du lịch của Thủ đô và phát triển hồ Tây, quận đã đẩy mạnh nhân rộng các không gian văn hóa sáng tạo.

Cụ thể, quận đã đổi mới hoạt động của phố đi bộ Trịnh Công Sơn bằng cách mỗi phường, mỗi tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên tổ chức nghệ thuật vào tối thứ Bảy hàng tuần, chương trình nghệ thuật có sự tham gia của nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và chính người dân Tây Hồ.

Ngoài phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ còn tiếp tục đầu tư xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo gắn với di sản và công trình có giá trị di sản như: Không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (phủ Tây Hồ), không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề làm giấy dó gắn với di tích lịch sử đình Trích Sài, không gian văn hóa sáng tạo trải nghiệm nghề truyền thống xôi Phú Thượng gắn với di tích lịch sử đình Phú Gia...

Giang Nam

Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8