Mỗi năm lại có nhiều hơn người trẻ thích du xuân trên miền đá để sống chậm, cũng là khám phá bản thân.
Nơi người dân khiến đá nở hoa
Đã bao lần tôi đến Hà Giang, như để cho say bạt gió trời, như để thu vào tầm mắt sự hùng vĩ của xứ đá. Nơi đây, đá giăng tứ bề, đá thành rừng thử thách bước chân con người. Cuộc sống vất vả nhưng người dân vẫn vươn lên, bám bản, khiến đá nở hoa.

Từ thành phố Hà Giang theo Quốc lộ 4C, còn được gọi là "đường Hạnh phúc", đến dốc Bắc Sum là tới Cao nguyên đá Đồng Văn. Cao nguyên đá gồm bốn huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, có cảnh quan thơ mộng hấp dẫn du khách, nhiều cung đường đèo dốc quanh co như những sợi chỉ vắt từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, "nắn gân", tạo cảm giác đến ngộp thở.
Dốc nối dốc, đá giăng trước mặt. Thi thoảng, từ xa xuất hiện cảnh người lẫn vào đá, đá che lấp người, giống như tấm thổ cẩm đang được thiên nhiên dệt ngay trước mắt.
Ở vùng đất này, có lẽ công cuộc mưu sinh, chinh phục tự nhiên, bắt đá sinh ra lương thực, hoa trái của đồng bào là kỳ vĩ nhất. Chẳng thế mà, người Mông có câu: “Không có ngọn núi nào cao hơn đầu gối”. Sự lạc quan đó thể hiện khát vọng sống qua công cuộc lao động sản xuất, mưu sinh.
Trên hành trình của tôi và có lẽ của nhiều bạn trẻ, dốc Thẩm Mã thuộc xã Phố Cáo (Đồng Văn) là địa điểm check-in nổi tiếng. Đây là nơi luôn khiến tôi luyến lưu mỗi khi dừng chân. Điểm dừng chân check-in trên con dốc này có sự hoàn hảo gần như tuyệt đối.
Từ điểm cao có thể chụp lấy toàn bộ trong khung hình sự hùng vĩ của núi non, sự bao la của mây trời. Con dốc này đặc biệt ngay từ tên gọi. Tương truyền, khi chưa mở con đường Hạnh phúc, phương tiện di chuyển thường được người dân sử dụng là ngựa.
Với độ cao và độ dốc lớn, hầu hết ngựa khi đến đây đều thấm mệt, chủ ngựa dựa vào việc vượt dốc để phân loại chọn những con ngựa tốt nhất. Từ đó cái tên dốc Thẩm Mã (thẩm định ngựa) ra đời.
Nhà thơ Ngô Bá Hòa, quê Lạng Sơn chia sẻ: “Tại điểm dừng chân trên dốc, giữa cái se se lạnh lùa qua núi, hương vị mùa màng từ những củ khoai, củ sắn, bắp ngô như đượm hơn, thơm hơn và quyến rũ hơn. Những bếp than đỏ lừ như đôi mắt gió rực lên cố xua tan hơi lạnh khiến ai cũng hơ tay mà suýt xoa…”.

Những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực, phát huy thế mạnh để thu hút phát triển du lịch địa phương. Tại Mèo Vạc, các hoạt động từ nâng cấp hạ tầng đến tổ chức sự kiện văn hóa đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa Mèo Vạc trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch cả nước.
Các điểm du lịch như Làng văn hóa dân tộc Giấy thôn Tát Ngà, Làng văn hóa dân tộc Lô Lô thôn Sảng Pả A... thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, trải nghiệm gắn với hình ảnh thân thiện, mến khách.
Bên cạnh đó, Mèo Vạc còn tổ chức nhiều sự kiện văn hóa độc đáo như: Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai, Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô và các chương trình văn nghệ dân gian tại chợ đêm thị trấn Mèo Vạc. Những hoạt động này không chỉ giúp du khách hiểu thêm về văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc mà còn tạo động lực thúc đẩy du lịch địa phương phát triển.
Giản dị, nghĩa tình
“Không chỉ là vẻ đẹp hoang sơ, đất và người Hà Giang có nét hào sảng, rộng mở, dễ gần. Dịp tết đến xuân về, em thường có những trải nghiệm trên các cung đường của mảnh đất này”, bạn Hà Thúy Vy, du khách từ Hà Nội chia sẻ.
Có lẽ vì thế mà Thúy Vy cùng nhóm bạn của mình đã đến Hà Giang nhiều lần, để chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ, ăn những món ăn dân dã, cảm nhận cuộc sống của con người nơi đây. Trong đó, có những năm, vào dịp mùa xuân cô đã tham quan, chụp ảnh ở 20 địa điểm mà giới trẻ thường đến. Đó là một trong những cách để sống chậm lại.

Bạn Mạnh Quân, cùng nhóm với Thúy Vy tâm sự: “Hà Giang mùa xuân như một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời với những sắc hoa rực rỡ trải dài khắp các cung đường, làng bản. Một số loài hoa đặc trưng nhất của mùa xuân Hà Giang là hoa cải vàng. Hoa cải nở rộ nơi sườn núi, thung lũng, tạo nên một khung cảnh rực rỡ đẹp đến nao lòng”.
Quân cho biết, cậu thích những vách đá hiểm trở, hùng vĩ của đèo Mã Pí Lèng. Mùa xuân, khi những loài hoa bắt đầu khoe sắc thì đèo Mã Pí Lèng càng trở nên đẹp và vô cùng nên thơ.
Đứng trên đỉnh đèo cao, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ của núi non trùng điệp, sông Nho Quế uốn lượn bên dưới. Đây là một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời mà bạn trẻ không nên bỏ qua khi du lịch Hà Giang mùa xuân.
Trong hành trình của Thúy Vy, Quân cùng những người bạn có làng văn hóa Lô Lô Chải, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Đến đây, khách sẽ thật sự trải nghiệm cuộc sống chậm với những người dân mộc mạc, những hàng rào đá, mái ngói âm dương, những câu chuyện ở nơi trập trùng đá núi như nối dài từ mặt đất lên đến trời xanh.
Khoảng hai chục năm nay, người Lô Lô Chải dần tiếp cận hoạt động phát triển du lịch, biết xây dựng, sửa sang nhà trình tường thành homestay xinh xắn, tiện nghi để đón khách.

Những câu chuyện bên bếp lửa, các điệu múa hòa với lời ca sẽ giúp hành trình của du khách thêm ý nghĩa. Nhiều chủ homestay trang hoàng nhà cửa, nấu ăn ngon. Đặc biệt, họ hiểu về vùng đất của núi đá, hiểu những “cụ nhà” hàng trăm năm tuổi sẵn sàng “hầu” khách bằng những câu chuyện thú vị.
Cách Lô Lô Chải không xa, làng Thèn Pả, một ngôi làng nhỏ dưới chân cột cờ Lũng Cú, đã trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng nhờ việc giữ gìn và phát huy nét văn hóa độc đáo của người Mông.
Với sự mộc mạc của những ngôi nhà trình tường, mái ngói âm dương, làng mở cửa đón khách cùng với các trải nghiệm mang tính tương tác cao, giúp du khách hòa mình vào văn hóa bản địa. Mặc dù có vị trí địa lý đắc địa tương tự Lô Lô Chải, cùng nằm dưới chân cột cờ Lũng Cú nhưng Thèn Pả phát triển du lịch muộn hơn.
Bởi vậy, ngôi làng nhỏ càng tĩnh lặng giữa núi rừng. Đây là ngôi làng còn giữ được hầu như nguyên vẹn nét truyền thống của người dân như nếp sinh hoạt, nhà trình tường với mái ngói âm dương… Hàng trăm năm qua, làng nằm lặng lẽ bên cạnh hồ mắt Rồng, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích sự bình yên, tạm xa sự xô bồ, lo toan của cuộc sống.
Những năm qua, Hà Giang kiên định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, cảnh quan hùng vĩ của Hà Giang là những giá trị đặc thù, duy nhất, lớn nhất, mạnh nhất để cạnh tranh với các điểm đến khác trong cả nước và thế giới. Từ đó, giúp tỉnh tìm ra các sản phẩm du lịch chủ lực dựa trên thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc.
Vũ Thanh Xuân
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ