Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đặt chậu nước trong phòng điều hòa không có tác dụng như nhiều người nghĩ

Trần Huyền
Trần Huyền

(Dân sinh) - Mỗi khi sử dụng điều hòa, nhiều gia đình lấy 1 chậu nước để trong phòng với mong muốn tăng ẩm cho căn phòng, máy điều hòa sẽ hút độ ẩm từ chậu nước. Việc làm này liệu có đem lại hiệu quả gì hay không?

Đặt chậu nước trong phòng điều hòa có cần thiết?

Mỗi khi sử dụng điều hòa, nhiều gia đình lấy 1 chậu nước để trong phòng với mong muốn tăng ẩm cho căn phòng, máy điều hòa sẽ hút độ ẩm từ chậu nước.

Đây là cách được nhiều nhiều người truyền tai nhau, vì họ tin rằng việc làm này đem lại hiệu quả, tránh được tình trạng khô da, khô họng hay khô mắt thường gặp khi nằm trong phòng bật điều hòa.

anh dai dien.jpg
Đặt chậu nước trong phòng mỗi khi bật điều hòa là không cần thiết (Ảnh minh họa: CV).

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh, mẹo để chậu nước trong phòng điều hòa tạo độ ẩm mà nhiều người đang áp dụng là không cần thiết. Việc đặt chậu nước trong phòng chỉ cần khi dùng điều hòa sưởi ấm vào mùa đông.

GS.TS Nguyễn Đức Lợi giải thích, Việt Nam là đất nước có khí hậu nóng ẩm, với chế độ làm việc của máy điều hòa gia dụng hoặc văn phòng hiện nay thì nó có thể tự động điều chỉnh nhiệt ẩm trong phòng. Nhiệt ẩm là nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong phòng. 

"Ngoài những người đặc biệt mẫn cảm với độ ẩm, đại đa số các trường hợp điều hòa trong mùa hè thì độ ẩm trong phòng điều hòa luôn nằm trong giới hạn tiện nghi cho phép là 40-70%. Khi chọn mua máy điều hòa, nếu để ý ta có thể tìm được năng suất hút ẩm.

Ví dụ, máy điều hòa 9000 BTU, có loại có khả năng tách ẩm 1,0-1,2kg ẩm/h; thậm chí có máy tới 1,6kg ẩm/h.

Máy có khả năng tách ẩm càng nhỏ thì càng tốt, độ ẩm trong phòng sẽ duy trì ở khoảng 60%, còn với máy có năng suất tách ẩm càng lớn thì độ ẩm trong phòng càng nhỏ nhưng cũng ít khi xuống quá thấp dưới mức tiện nghi cho phép", GS.TS Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.

Về cách để tăng độ ẩm, ông cho biết, có rất nhiều phương pháp khác giúp bù ẩm, cân bằng độ ẩm cho không gian. Trong đó có những phương pháp hiện đại, đem lại hiệu quả tối ưu và rõ rệt đó là dùng máy lọc không khí có chức năng tạo độ ẩm như lau nhà trước khi bật điều hòa, dùng điều hòa kết hợp máy phun sương.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thêm, không nên bật máy máy lọc không khí liên tục, chỉ bật trong thời gian ngắn khoảng 15 phút, mỗi lần sử dụng cách nhau 2 tiếng để tránh trường hợp độ ẩm trong phòng quá cao, gây phản tác dụng, tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi.

Tắt điều hòa trước khi ra ngoài 10-30 phút

Nhiều người thường có thói quen tắt điều hòa sau đó ra khỏi phòng luôn, đây là một thói quen vô cùng có hại cho sức khỏe cũng như lãng phí điện.

Khi từ phòng điều hòa bước ngay ra ngoài, nhiệt độ môi trường sẽ thay đổi đột ngột, đặc biệt là vào những ngày thời tiết bên ngoài nắng nóng cao điểm. Nếu sự chênh lệch nhiệt độ này lớn, nó có thể gây ra hiện tượng sốc nhiệt làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Vì vậy, nếu có dự định ra ngoài, bạn nên tắt điều hòa trước khoảng 10-30 phút, đồng thời mở dần cửa sổ và cửa chính để không khí được đối lưu. Điều này sẽ giúp cho cơ thể bạn thích nghi dần với nhiệt độ môi trường bên ngoài, ngăn ngừa nguy cơ bị sốc nhiệt.

Trẻ đang bị sốt vẫn có thể nằm phòng điều hòa

BSCKI Hà Tố Như, Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện An Việt cho biết, mùa hè nắng nóng, khi nhiệt độ lên cao, việc cho trẻ nằm điều hòa là điều khó tránh. Sử dụng điều hòa đúng cách sẽ giúp trẻ thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ, vừa đảm bảo sức khỏe cho trẻ.

Việc trẻ nằm điều hòa dễ mắc bệnh đường hô hấp chủ yếu do sử dụng điều hòa chưa đúng cách. Nhiều phụ huynh thường lạm dụng điều hòa, sử dụng cả ngày, để nhiệt độ quá thấp, làm cho hệ thống đường hô hấp trên như mũi, niêm mạc mũi, niêm mạc họng của trẻ bị khô.

Điều này khiến hàng rào bảo vệ cơ thể trẻ kém đi, tạo điều kiện để virus, vi khuẩn trú ngụ sẵn trong môi trường xâm nhập cơ thể trẻ khi có tổn thương, gây nên tình trạng viêm nhiễm.

Cùng với đó, không gian sử dụng điều hòa thường kín, dễ tích tụ vi khuẩn, bụi bẩn có thể làm cho trẻ tăng nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe.

“Trẻ bị sốt vẫn có thể nằm phòng điều hòa, nhưng nhiệt độ phòng nên để 26-28 độ và độ ẩm khoảng 50-60%. Nhiệt độ phòng quá nóng, trẻ ngủ không ngon, quấy khóc sẽ gây mệt mỏi hơn”, bác sĩ Như chai sẻ.

Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ các gia đình có trẻ nhỏ không nên để điều hòa quá lạnh tránh tình trạng chênh lệch lớn giữa trong phòng và môi trường bên ngoài.

Khi ngủ, các gia đình sử dụng điều hòa nên dùng chăn mỏng để giảm gió từ điều hòa phả thẳng vào cơ thể trẻ. Có thể sử dụng chế độ hẹn giờ vào ban đêm để không phải bật điều hòa cho tới sáng.

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong và bên ngoài phòng điều hòa có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ, làm tình trạng bệnh của bé trở nên trầm trọng hơn.

Vì vậy, mỗi khi muốn đưa con ra ngoài phòng điều hòa, phụ huynh nên mở cửa trước đó khoảng 3 phút, cho bé đứng gần cửa để trẻ bé quen dần với luồng không khí từ bên ngoài, tránh sốc nhiệt.