Ngân hàng Danske của Đan Mạch áp dụng lãi suất tiền gửi âm và từng có thời điểm muốn ngừng nhận tiền gửi.
Chính phủ Đan Mạch không biết làm gì để tiêu hết tiền
Tính đến tháng 3/2018, số tiền mà Chính phủ Đan Mạch gửi tại Ngân hàng trung ương nước này (Denmark National Bank) đã lên tới 207 tỷ kroner (tương đương khoảng 34 tỷ USD). Đây là con số cao nhất 3 năm qua và gấp đôi mục tiêu đề ra ban đầu.
Các nhà lãnh đạo Đan Mạch không mấy vui vẻ với điều này, vì nó khiến họ mất hàng triệu kroner tiền lãi, khi Ngân hàng trung ương áp dụng chính sách lãi suất âm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ trên GDP cũng chỉ bằng 1/2 mức trung bình tại châu Âu, gây sức ép lên thanh khoản thị trường trái phiếu.
Việc này đã buộc Chính phủ Đan Mạch phải nghĩ đủ cách để giảm số tiền đang cất tại Ngân hàng trung ương xuống, nhưng đồng thời phải tăng thanh khoản lên, ít nhất ở vài mảng chủ chốt.
Tuần trước, Chính phủ Đan Mạch tuyên bố sẽ mua 3,6 tỷ kroner chứng khoán phát hành bởi hãng dịch vụ tài chính KommuneKredit. Việc này không nằm trong kế hoạch nợ năm nay của Chính phủ, và sẽ giúp tăng nhu cầu cấp vốn, Jan Ostergaard - nhà phân tích tại Ngân hàng Danske nhận xét.
Đan Mạch còn sở hữu số trái phiếu có bảo đảm trị giá 180 tỷ kroner đang lưu hành. Chúng được phát hành bởi các ngân hàng cho vay thế chấp để cấp vốn cho nhà ở xã hội. Vì thế, cơ quan quản lý nhà quốc gia đang lên kế hoạch thay thế phần lớn số trái phiếu này bằng trái phiếu được Chính phủ bảo đảm. Văn phòng Quản lý nợ sẽ chịu trách nhiệm mua lại bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ. Đan Mạch kỳ vọng việc chuyển đổi này sẽ hoàn tất trong 10 năm.
Đan Mạch là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Lãi suất âm
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), cơ quan giám sát chính sách tiền tệ cho các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu bắt đầu ra mắt chính sách lãi suất âm vào năm 2014. Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sỹ dù không phải là thành viên các nước sử dụng đồng tiền chung nhưng cũng duy trì lãi suất âm.
Tại Đan Mạch, sau nhiều năm duy trì lãi suất âm, Ngân hàng Danske đang phải vật lộn với việc xử lý lượng tiền gửi gần chạm mốc kỉ lục.
Tiền gửi của ngân hàng này đã tăng 11%, đạt 914 tỉ kroner (tương đương khoảng 145 tỉ USD) vào cuối tháng 6/2017, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Danske nói rằng họ đang khuyến khích khách hàng bỏ tiền thừa vào những sản phẩm khác do ngân hàng này cung cấp, thay vì gửi tiết kiệm.
Các khách hàng doanh nghiệp và tổ chức hiện có nhu cầu gửi lớn nhất, với lượng tiền tiết kiệm tăng 17%, lên 265 tỉ kroner, chiếm 1/4 tổng số tiền gửi của Danske. Lượng tiền mặt đó hiện làm tăng thêm chi phí mà ngân hàng này phải bỏ ra để phù hợp với các quy định về thanh khoản nghiêm ngặt của Đan Mạch.
Christoffer Mollenbach, người đứng đầu Danske, nói rằng quản lý các tỉ lệ thanh khoản là một hành động cân bằng đầy khó khăn, nghĩa là không phải tất cả các khoản tiền gửi đều được hoan nghênh. “Chúng tôi phải quản lý tất cả các tỷ lệ mà một số đó hiện đang mâu thuẫn nhau, vì thế các ngân hàng muốn tránh những vụ giao dịch lớn vào phút chót”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn của báo giới.
Cái gọi là tỉ lệ thanh khoản an toàn được thiết kế ra để bảo đảm rằng các ngân hàng có thể đối phó tốt với tình trạng tiền bị rút ra ồ ạt.
Đan Mạch hiện áp dụng những đòi hỏi về thanh khoản khắt khe hơn các quốc gia còn lại trong Liên minh châu Âu (EU). Những ngân hàng ở nước này cần phải chứng minh rằng họ có thể chịu được một đợt thiếu hụt tiền trong 3 tháng, so với mức 1 tháng đang được áp dụng rộng rãi tại EU. Cuối tháng 6/2017, Danske đã có vùng đệm thanh khoản 603 tỉ kroner, sau khi kéo dài thời hạn cung cấp tiền ngắn hạn và giảm nhu cầu của mình đối với các tài sản có tính thanh khoản cao.
Trẻ em Đan Mạch.
Kể từ năm 2016, Danske đã thấy mình có thể cần phải từ chối khách hàng. Ngân hàng này nhận được “một số lời yêu cầu phải nhận những khoản tiền gửi rất lớn”, ông Mollenbach cho biết. Ban quản lý cấp cao của Ngân hàng đã tranh luận nên làm gì, trước khi cuối cùng quyết định rằng họ sẵn sàng nhận thêm tiền.
Các quy định thanh khoản khắt khe ở Đan Mạch và lãi suất âm được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ kéo dài đến năm 2019.
Phương Anh (tổng hợp)/GĐTE