Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đặt tên con – Ai có quyền?

 
Thông gia “đại chiến” vì đặt tên cho cháu
 
Anh chị Thanh - Liên (Hà Nội) kết hôn 3 năm mới có bầu nên đứa trẻ được cả hai bên nội - ngoại mong ngóng, chờ đợi. Vì rất quý bố vợ nên ngay khi biết vợ mang bầu con trai, anh Thanh đã nhờ ông ngoại tìm một cái tên ý nghĩa để đặt cho cháu. Ngày đón cháu từ viện về nhà, có đông đủ cả ông bà hai bên, anh Thanh thông báo đã nhờ ông ngoại đặt tên cho cháu là Tuấn Kiệt với hàm ý mong cháu sau này sẽ tuấn tú và kiệt xuất. Nghe xong tên cháu, mặt ông bà nội và các “bà cô bên chồng” biến sắc. Những tiếng xì xầm bàn tán bắt đầu. Người thì: Bao nhiêu tên hay không đặt lại đặt tên là Kiệt? Người thì: Bên nội đã chọn bao nhiêu tên hay, tên đẹp rồi, và đã hết người đâu mà lại nhờ bên ngoại đặt tên? Người thì: Nhất định không đặt cháu đích tôn tên Kiệt vì sợ sau này cháu kiệt xỉn, không thoáng tính… Cứ thế, từ xì xầm bàn tán, việc không đồng ý để bên ngoại đặt tên và không thích cháu tên Tuấn Kiệt đã trở thành cuộc tranh luận gay gắt. Bên ngoại thì cho rằng đó là cái tên hay và ý nghĩa, còn bên nội thì kịch liệt phản đối. Bên nào cũng có lý lẽ riêng bảo vệ ý kiến của mình, dẫn tới thông gia dỗi nhau. Ông bà ngoại lúc đầu định ở lại chơi với cháu vài ba ngày, nhưng trước tình hình căng thẳng, ngay hôm sau đã xin phép về quê. 
 
Về phía anh Thanh, lúc đầu vẫn kiên quyết đặt tên con là Tuấn Kiệt vì thấy tên đó cũng ý nghĩa. Thế nhưng, chị Liên vì không muốn hai bên thông gia mâu thuẫn thêm nên đã khuyên chồng tìm tên khác đặt cho con. Để dịu không khí căng thẳng, một mặt anh Thanh xin lỗi bố vợ, một mặt anh quyết định vợ chồng mình sẽ tự đặt tên cho con. Và cậu con trai đầu được anh chị đặt tên là Bình An. Nếu nội - ngoại có ai hỏi sao lại đặt tên con là Bình An, anh chị sẽ giải thích đặt con như vậy là với mong ước giản dị cuộc đời con sau này sẽ luôn bình an như chính tên của mình. Giờ cu cậu đã 10 tuổi, nhưng mỗi khi nhớ lại chuyện đặt tên cho con, chị Liên vẫn không quên sự căng thẳng, mâu thuẫn của hai bên nội - ngoại khi không thống nhất được tên cho cháu. 
 

Một đứa trẻ ra đời là niềm vui, niềm hạnh phúc của mỗi gia đình. Ảnh minh họa
 
Trẻ ngơ ngác vì bố mẹ gọi một tên, ông bà gọi một tên
 
Nhà có mình Chiến là con trai nên đứa cháu đầu tiên được bố mẹ Chiến chờ đợi. Mẹ Chiến còn xin nghỉ hưu trước 2 năm để ở nhà chăm cháu vì không tin tưởng giúp việc. Mọi chuyện chăm sóc em bé, vợ chồng Chiến rất yên tâm, vì chả gì bà nội cũng từng làm ở khoa Dinh dưỡng của một bệnh viện lớn. Thế nhưng, những ấm ức trong lòng vợ Chiến lại nảy sinh từ chuyện tên gọi ở nhà của con. Ngay từ thời con gái, Phương - vợ Chiến luôn ấp ủ, nếu sinh được một cô con gái thì tên ở nhà sẽ gọi con là Kiss (nụ hôn). Thế nhưng, khi biết vợ chồng Chiến gọi con gái  với cái tên yêu ở nhà là Kiss, mẹ Chiến không đồng ý. Theo bà, mình người Việt thì tên ở nhà cứ gọi là cái Bống, cái Kiến, cái Nấm… cho nó vừa dễ gọi vừa dễ nuôi. Như bố nó (Chiến) ngày xưa, tên gọi ở nhà là Bon nên cứ lớn bon bon và mọi thứ từ học hành, tới công việc cũng bon bon, không gặp khó khăn gì lớn! Ông bà không đồng ý gọi cháu gái Kiss, vì cho rằng nửa Tây nửa ta chả ra làm sao, mà nghe cứ sít sìn sịt, có khi con bé lại còi cọc, không lớn được ấy chứ. 
 
Vậy là bố mẹ một ý, ông bà một ý, không bên nào chịu nhường nên bé con nhà Chiến có hai tên ở nhà. Ở với bố mẹ thì bé được gọi yêu là Kiss, còn mỗi khi bố mẹ đi làm, ở nhà bà trông thì bé được bà gọi là Bống. Lúc nhỏ thì không sao, nhưng khi bé được gần 1 tuổi, bắt đầu nhận biết được mọi thứ thì nảy sinh rắc rối. Mỗi khi được gọi, bé cứ ngơ ngác hết nhìn bố mẹ lại nhìn bà vì không biết tên mình là Kiss hay là Bống. Nhận thấy việc gọi con như vậy là không ổn, Chiến bàn với Phương thôi không gọi con là Kiss nữa mà gọi là Bống theo bà. Anh hứa với vợ là đến đứa thứ 2, anh sẽ kiên quyết đặt tên con theo ý mình. Sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của con, Phương đồng ý với chồng, thế nhưng trong lòng thì vô cùng ấm ức, luôn mặt nặng mày nhẹ với mẹ chồng. Và cũng từ đó, Phương không gọi con bằng tên yêu ở nhà nữa mà gọi con là Hà Linh - tên đặt trong khai sinh.


Gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa
 
Thay vì vui vẻ cùng nhau hưởng niềm hạnh phúc có thêm thành viên mới, ở nhiều gia đình, mọi người lại tranh luận, lục đục, thậm chí mâu thuẫn xung quanh việc đặt tên trẻ là gì. Mâu thuẫn trở nên gay gắt khi ý kiến, đề xuất của ông bà không được con cháu chấp nhận, hay ông bà quá áp đặt khiến bố mẹ trẻ cảm giác bị tước mất quyền đặt tên con. Để giải quyết những mâu thuẫn này, các thành viên cần cùng bàn bạc, trao đổi, lắng nghe ý kiến của nhau. Ông bà chỉ nên đóng vai trò tư vấn, không nên áp đặt. Còn các bậc cha mẹ nên tôn trọng và lắng nghe ý kiến người lớn. Nếu cha mẹ chọn lựa tên con theo ý mình thì khéo léo giải thích lý do vì sao mình chọn tên đó. Chỉ có lắng nghe và tôn trọng nhau thì mâu thuẫn mới được giải quyết.
 
Gợi ý khi đặt tên cho con:
- Chọn tên cả hai vợ chồng đều thật sự thích.
- Kiểm tra xem tên đó có trùng với một ẩn ý xấu, đụng chạm tôn giáo hay yếu tố có thể ảnh hưởng tới tâm lý của bé sau này.
- Chọn tên dễ đọc, dễ đánh vần để trẻ không gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.
- Tôn trọng ý kiến của những thành viên khác nhưng đừng bị chi phối khi đặt tên cho trẻ. Nên nhớ, tình yêu của mọi người dành cho trẻ không thể bị ảnh hưởng chỉ vì một cái tên.
 

Hồng Trần/GĐTE