Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dâu cũ, dâu mới

 

 
Dâu mới buồn vì bị mẹ chồng và gia đình chồng gọi nhầm tên con dâu cũ. Ảnh minh họa (Internet)
 
Mẹ chồng nhầm dâu mới thành dâu cũ
 
Anh Sơn kết hôn lần hai đã hơn 1 năm, ấy vậy mà mẹ anh vẫn thỉnh thoảng gọi nhầm con dâu mới bằng tên con dâu cũ. Người vợ hiện tại của anh không khỏi chạnh lòng. Nhiều hôm, ở nhà bố mẹ chồng về, cô ấm ức kể: Hôm nay, mấy lần mẹ gọi em là chị ấy. Mẹ không so sánh em và chị ấy, nhưng mẹ gọi em mà cứ nghĩ đến chị ấy làm em cảm thấy đau lòng. Em không biết mẹ vô tình hay cố ý, nhưng anh phải góp ý với mẹ. Em về làm dâu có phải mới ngày một, ngày hai đâu, mẹ cứ nhầm thế này em chẳng muốn qua nhà bố mẹ nữa. Anh Sơn phải động viên, an ủi mãi cô vợ mới nguôi ngoai. Nhưng điều đáng nói là không chỉ mẹ anh Sơn gọi nhầm tên con dâu, một số bà thím trong gia đình chồng cũng nhầm. Những lần đầu mọi người gọi nhầm, Hoa - vợ anh Sơn - chỉ lặng im không nói gì, coi như không nghe thấy, không quan tâm. Sau, tần suất nhầm không giảm, có lần Hoa dõng dạc đính chính: Cháu là Hoa, không phải Hương. Mấy bà thím ngượng ngùng bấu tay nhau, nhỏ to: “Sao bà vô duyên thế, cứ gọi tên nó thành tên con Hương là thế nào?”, rồi lại có giọng nho nhỏ đáp trả: “Nào tôi có cố ý đâu, thề với trời đất, hai đứa nó na ná giống nhau, gọi Hương quen rồi tôi cứ thế “auto” gọi thôi, chứ không phải tôi nhớ cháu dâu cũ, ghét cháu dâu mới đâu”… 
 
Những lời rì rầm to nhỏ ấy, Hoa nghe thấy cả. À, hóa ra họ nhầm là vì thấy cô giống người cũ của chồng, đã thế cô phải khác biệt. Nghĩ là làm, Hoa thay đổi phong cách ăn mặc. Trước cô để tóc dài, ăn mặc giản dị (giống người vợ trước của chồng), nay cô cắt tóc tém, váy áo sành điệu. Kể từ khi cô thay đổi gu ăn mặc, họ hàng nhà chồng đỡ nhầm lẫn hơn hẳn. Một số người đã bắt đầu nhớ tên Hoa, một số thì vẫn cẩn trọng, họ cứ gọi “vợ anh Sơn” cho an toàn. Đặc biệt, mẹ chồng Hoa hết hẳn nhầm lẫn, Hoa thì vui ra mặt, nhưng Sơn thì không. Anh góp ý với vợ: Anh yêu em vì con người em hiền lành, giản dị, biết vun vén cho gia đình, biết yêu thương chăm sóc con chồng, nay em sành điệu quá cứ như cô gái lạ trong nhà vậy. Ai đó có thể vô tình gọi nhầm tên em thành tên vợ cũ của anh, vì họ chưa quen với sự hiện diện của em, nhưng anh và con chưa khi nào nhầm lẫn, vậy hà cớ gì em phải bận lòng và đổi thay chỉ để khẳng định sự có mặt của mình. Điều này có cần thiết không?
 
Trước góp ý chân tình của chồng, Hoa phải suy nghĩ lại thật. Quả thật, để tạo sự khác biệt, Hoa đã phải thay đổi không ít, có cái thay đổi là tích cực, nhưng có cái chính bản thân cô cũng cảm thấy không thoải mái. Chán phải “biến hình”, Hoa lại trở về là Hoa của ngày xưa, và thật may mắn là giờ đây không ai nhầm cô với vợ cũ của Sơn nữa.
 
 
Dâu mới buồn khi thấy dâu cũ chăm sóc mẹ chồng mình ân cần. Ảnh minh họa (Internet)
 
Dâu mới chạm mặt dâu cũ
 
Vợ cũ của chồng Hoa hầu như không bao giờ đến nhà vợ chồng cô. Họ có quy ước ngầm với nhau, nhà của bố mẹ chồng sẽ là nơi cả hai bên đến đưa đón cậu con chung. Theo lịch, cuối tuần, thằng bé sẽ ở với mẹ, vì vậy, sáng thứ 7, vợ chồng anh Sơn sẽ chở con qua ông bà nội và mẹ đẻ thằng bé sẽ qua đón con. Hoa và vợ cũ của chồng đều tránh gặp mặt nhau. Những việc gì liên quan đến nuôi dạy và chăm sóc thằng bé, họ thường trao đổi qua ông bà nội hoặc qua điện thoại với chồng cô. 
 
Tuy nhiên, không ít lần họ đã chạm trán nhau tại nhà bố mẹ chồng. Khi nhà chồng có việc, cô vợ cũ của Sơn vẫn qua thăm hỏi, gửi quà và họ vô tình gặp nhau, chào hỏi xã giao qua loa cho xong. Cho đến một hôm, mẹ chồng Hoa bệnh nặng phải nhập viện, vợ cũ của chồng cô lại là bác sĩ trong bệnh viện đó. Ngày nào cô vợ cũ cũng qua thăm hỏi ân cần làm Hoa cảm thấy bất an. Nhìn họ, Hoa nghĩ họ mới đích thực là mẹ chồng con dâu, còn cô chỉ là người ngoài, một kẻ đến sau. Thật may là lúc đó, chồng Hoa đứng ngay bên vợ, anh đã giúp Hoa gỡ rối nỗi lòng. Có những cặp vợ chồng khi ly hôn, không ai muốn nhìn mặt ai, cắt đứt liên lạc, cắt đứt quan hệ với bất cứ ai thuộc về gia đình của người cũ nhưng anh Sơn không phải ở trong trường hợp ấy. Họ là những người văn minh nên đối xử với nhau như những người bạn. Khi gia đình anh Sơn có công to việc lớn, vợ cũ của anh vẫn đến thăm hỏi, tuy nhiên, cô thường biết ý luôn đến sớm, tránh làm ảnh hưởng đến vai trò và vị thế của nàng dâu mới. Trường hợp mẹ anh Sơn ốm, trùng hợp lại nằm đúng bệnh viện nơi cô làm việc, là người có chuyên muôn, lại là con dâu cũ nên cô chăm sóc mẹ anh cũng là việc nên làm. “Chúng ta nên mừng vì có người cùng chăm sóc mẹ thay vì cảm thấy lúng túng hay bất an” - anh Sơn trấn tĩnh vợ. Trước lời giải thích của chồng, Hoa cảm thấy bớt lo âu, lấy hết can đảm, cô chạm mặt vợ cũ của chồng và trò chuyện với thái độ hòa nhã, bình thường. Vợ cũ của chồng thấy Hoa bắt chuyện trước nên cảm thấy khá thoải mái, trò chuyện cởi mở. Ai cũng đã có duyên mới, việc chăm sóc con chung, chăm sóc bố mẹ chồng cũ là trách nhiệm và tình cảm khó thể xóa bỏ, có chăng chỉ là cách chúng ta ứng xử với nhau ra sao để không ai phải khó xử mà thôi.
 
Ai đó có thể vô tình gọi nhầm tên em thành tên vợ cũ của anh, vì họ chưa quen với sự hiện diện của em, nhưng anh và con chưa khi nào nhầm lẫn, vậy hà cớ gì em phải bận lòng và đổi thay chỉ để khẳng định sự có mặt của mình. Điều này có cần thiết không? 

Bình Yên/TC GĐ&TE

Tin liên quan