Theo bác sĩ bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, tăng huyết áp và bệnh mạch vành là 2 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với bệnh lý tim mạch. Trong đó, nhịp tim nhanh góp phần làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh thường bỏ qua việc để ý nhịp tim khi đi thăm khám mà chỉ chú trọng vào chỉ số huyết áp. Điều này vô tình làm cho nhiều người bệnh bỏ qua những dấu hiệu để nhận biết sớm những bất thường về nhịp tim.
Điển hình, người bệnh Trần Minh T. (43 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) trong tình trạng đánh trống ngực liên tục, khó thở, nhịp tim nhanh. Anh T. có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường đã hơn 4 năm nay. Ba tháng gần đây, anh uống thuốc không đều và bỏ tái khám, thường xuyên cảm thấy tức ngực, mệt mỏi. Sau khi thăm khám, thực hiện đo điện tâm đồ, các bác sĩ đánh giá, việc ngưng sử dụng thuốc khiến anh T. không được kiểm soát tốt nhịp tim, tim co bóp và hoạt động quá mức. Nếu tình trạng này kéo dài, anh T. có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim, thậm chí có thể bị suy tim, nhồi máu cơ tim.
Nhịp tim nhanh nguy hiểm như thế nào?
Nhịp tim bình thường ở người trưởng thành dao động từ 60 - 100 lần/phút, nhịp tim nhanh khi trên 100 lần/phút và nhịp tim chậm nếu dưới 60 lần/phút. Đa số các trường hợp, nhịp tim nhanh không có biểu hiện đặc biệt, và chúng ta chỉ vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy, người có nhịp tim nhanh thì tuổi thọ của họ sẽ ngắn hơn so với những người có nhịp tim chậm hơn.
BS CKI. Lương Cao Sơn – PhóTrưởng khoa Nội tim mạch, Trưởng Đơn vị Nhịp tim học BV ĐHYD TP.HCM cho biết, nhịp tim nhanh là một yếu tố không tốt cho sức khỏe của con người nói chung và một số các bệnh lý về tăng huyết áp và bệnh mạch vành nói riêng.
Đối với người bệnh mắc bệnh huyết áp, nhịp tim nhanh có nhiều ảnh hưởng. Khi người bệnh bị tăng huyết áp thì tim phải làm việc nhiều hơn, nhịp tim nhanh khiến tim lại càng phải làm việc nhiều hơn nữa. Từ đó có thể dẫn tới các biến chứng như suy tim và có thể dẫn tới tử vong. Một số nghiên cứu cho thấy, người bị tăng huyết áp và nhịp tim trên 80 lần/phút thì tỉ lệ tử vong sẽ cao hơn so với người có nhịp tim dưới mức này. Bác sĩ Lương Cao Sơn cho biết.
Còn đối với những người mắc bệnh mạch vành, bệnh lý này gây ra do tình trạng cung cấp máu cho cơ tim không đầy đủ vì hẹp, tắc các nhánh mạch máu nuôi tim khiến cho cơ tim hoạt động yếu hơn, dễ gây triệu chứng đau ngực, ảnh hưởng đến khả năng vận động gắng sức. Về lâu dài, tim sẽ trở nên suy yếu dần, dẫn đến tình trạng suy tim và rối loạn nhịp tim. Tình trạng này sẽ nặng hơn đáng kể nếu bệnh nhân có nhịp tim nhanh. Do vậy, ở người bệnh mạch vành, nhịp tim cần được duy trì từ 55 – 60 lần/phút để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Làm thế nào để kiểm soát nhịp tim ở mức ổn định?
Nhịp tim là trị số rất dễ thay đổi. Khi người bệnh bị lo lắng, stress hay bị sốt, nhiễm trùng, thiếu máu… thì nhịp tim sẽ tăng. Tuy nhiên, trong trường hợp nhịp tim lúc nào cũng tăng dù không có nguyên nhân nào gây ra thì được cho là bất thường. Khi đó, cần phải dùng các biện pháp khác nhau để kiểm soát nhịp tim, đặc biệt ở người bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành.
Theo BSCKI. Lương Cao Sơn, bệnh huyết áp và bệnh mạch vành là những bệnh mãn tính. Các thuốc dùng để điều trị thường chỉ có tác dụng trong 24 giờ. Do vậy khi người bệnh ngưng thuốc thì nhịp tim sẽ tiếp tục tăng trở về như lúc trước hoặc thậm chí còn cao hơn, đó gọi là hiệu ứng dội ngược, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và tử vong. Do vậy, người bệnh cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc để có thể duy trì nhịp tim ở mức an toàn.
Mặt khác, người bệnh thường có những sai lầm trong điều trị như: không quan tâm tới việc kiểm soát nhịp tim, người bệnh có triệu chứng nhịp tim nhanh nhưng lại nghĩ không liên quan đến bệnh về tim và không thông báo với bác sĩ khi tái khám. Đặc biệt, người bệnh thường bỏ điều trị khi bệnh đã được ổn định. Đây cũng là những sai lầm khiến người bệnh không được kiểm soát nhịp tim ở mức phù hợp, làm tăng nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
BSCKI. Lương Cao Sơn khuyến cáo, người bệnh có sẵn bệnh lý về huyết áp và bệnh mạch vành, cần chú ý đến các triệu chứng của nhịp tim nhanh như hồi hộp, đánh trống ngực… Nếu có các triệu chứng trên nên trao đổi trực tiếp với bác sĩ. Đặc biệt, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh nên có lối sống, ăn uống phù hợp, tránh các thức ăn nhanh, cà phê, rượu bia, thuốc lá… và duy trì các bài tập tăng cường thể lực phù hợp để góp phần kiểm soát nhịp tim, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.