Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đầu tư dinh dưỡng, sức khỏe và giáo dục cho trẻ em: Cơ hội thoát nghèo bền vững

 
Trẻ em - những “chủ nhân tương lai” cần được “đầu tư” ngay từ giai đoạn đầu đời (thông qua phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ) để cải thiện tốt hơn về thể trạng và trí tuệ cho các thế hệ trong tương lai.
 
Nhiều giải pháp giúp người nghèo cải thiện cuộc sống
 
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các địa phương đã có nhiều giải pháp giúp đỡ người nghèo có vốn tăng gia sản xuất, tìm việc làm, cải thiện cuộc sống. Nhờ đó, Việt Nam đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng, tỷ lệ nghèo trên cả nước giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 22% năm 2005 và 9,45% năm 2010. Trong 8 năm từ 2007-2015, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 21,2% xuống còn 14,1%; tỷ lệ thấp còi giảm từ 33,9% xuống còn 24,5%. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của các huyện nghèo, xã nghèo được cải thiện rõ rệt; Nhiều mô hình giảm nghèo ở một số địa phương được triển khai hiệu quả, giúp người nghèo từng bước tiếp cận với các chính sách, cải thiện đời sống.
 
Tuy nhiên, cùng với đó, ngành LĐTBXH cũng đang đối mặt với nhiều trở ngại, thách thức trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đó là nguy cơ rơi vào bẫy nghèo truyền kiếp của nhiều hộ nghèo. Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ, sự đầu tư của các gia đình nghèo, đặc biệt là các gia đình dân tộc thiểu số cho giáo dục, y tế và dinh dưỡng cho trẻ em còn hạn chế, dẫn đến trình độ văn hóa và thể lực của trẻ em nghèo thấp hơn nhiều so với trẻ em trong các gia đình khá giả. Điều này dẫn đến hậu quả là đói nghèo tiếp tục được truyền cho các thế hệ sau.
 
 
 
Gia đình nghèo cần được “tạo cơ hội” để đi lên thoát nghèo bền vững.
 
Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội - tín hiệu vui
 
Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam vay vốn từ Ngân hàng Thế giới do Bộ LĐTBXH thực hiện. Dự án đề xuất lộ trình hợp nhất các chính sách hỗ trợ người nghèo do các cơ quan quản lý khác nhau thành một gói trợ cấp gia đình, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực hướng đến giảm nghèo bền vững. Tách rõ chức năng hỗ trợ thu nhập cho các đối tượng trợ giúp xã hội với chức năng cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong giai đoạn thử nghiệm từ 2015-2018, dự án sẽ hỗ trợ thử nghiệm một hệ thống tăng cường trợ giúp xã hội hiệu quả hơn thông qua một chương trình trợ giúp xã hội hợp nhất mang tên “Chương trình cơ hội”, một mặt thay thế các chương trình hỗ trợ tiền mặt hiện có, gồm: (1) Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội; (2) Hỗ trợ chi phí học tập; (3) Hỗ trợ học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh thuộc hộ nghèo có hộ khẩu thường trú tại xã thuộc khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; (4) Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên tại cộng đồng. Mặt khác, một phần kinh phí của Dự án sẽ được dùng để chi trả cho các đối tượng bổ sung: phụ nữ mang thai thuộc hộ nghèo, trẻ em từ 0 đến dưới 3 tuổi thuộc hộ nghèo và trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến dưới 16 tuổi không đi học thuộc hộ nghèo, mỗi đối tượng được trợ cấp 70.000đ/tháng. Mục tiêu của việc hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ gia đình nghèo dành khoản tiền hỗ trợ cố định hàng tháng để chi tiêu cho nhu cầu dinh dưỡng (ăn uống đủ chất), sức khỏe (tiêm chủng và khám sức khỏe định kỳ) và giáo dục (được đi học), của con em họ trong những năm đầu đời từ khi còn trong bụng mẹ, giai đoạn sơ sinh cho tới khi đến tuổi đi học, tạo cho các em một nền tảng phát triển tốt cả về thể lực và trí lực, để từ đó các em có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững trong tương lai.
 
Ngoài ra, để đạt mục tiêu của Dự án về phát triển con người, các cộng tác viên thôn/bản của Dự án sẽ là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện các trách nhiệm đã cam kết của các bên liên quan, gồm các hộ thụ hưởng và cộng đồng. Họ thực hiện một số chức năng giống các nhân viên công tác xã hội, gồm tích cực thăm hỏi, động viên, thúc đẩy cộng đồng, đặc biệt các hộ hưởng lợi, nâng cao kỹ năng nuôi dạy con, khuyến khích các hành vi có lợi cho trẻ em và tạo nhu cầu sử dụng các dịch vụ xã hội căn bản, đặc biệt trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và phúc lợi xã hội khác.
 
Sau 3 năm triển khai chương trình “Tạo cơ hội” (từ tháng 7/2015 đến 30/6/2018), bằng việc hợp nhất các chính sách hỗ trợ người nghèo thành gói trợ cấp hộ gia đình, hiện có hơn 420.000 hộ gia đình hưởng trợ cấp tại 4 tỉnh thí điểm là Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Trong đó có hơn 20.000 đối tượng nằm trong 3 đối tượng tăng thêm hưởng trợ cấp từ kinh phí hoạt động của dự án.
Đánh giá độc lập của các chuyên gia được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thuê tuyển thực hiện trong quý I và quý II năm 2017 cho thấy, việc thực hiện các hỗ trợ này đã góp phần “bù đắp” các khoảng trống trong hệ thống chính sách trợ giúp xã hội hiện hành, đặc biệt là việc “đầu tư” ngay từ giai đoạn đầu đời (thông qua phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ) để cải thiện tốt hơn về thể trạng và trí tuệ cho các thế hệ trong tương lai. 

Minh Hoàng/TC GĐ&TE