Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, đầu tư vào Pi cũng như tiền số nói chung tiềm ẩn nhiều rủi ro, người chơi rất dễ “sập bẫy”.
Cơ hội đổi đời hay bánh vẽ?
Ra đời từ năm 2019, Pi Network được quảng cáo giúp người tham gia sở hữu tiền ảo Pi miễn phí bằng cách vào ứng dụng trên điện thoại "bấm tia sét" để điểm danh mỗi ngày.

Tuy nhiên, dự án này luôn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng tiền điện tử. Không ít người nghi ngờ giá trị thực sự của Pi, thậm chí còn cáo buộc đây là mô hình lừa đảo đa cấp, lợi dụng người dùng để thu thập dữ liệu.
Ngay sau khi được "lên sàn" chính thức vào chiều 20/2 , Pi mở cửa trên sàn OKX và được giao dịch với giá 2 USDT (tiền ảo ngang giá đồng USD). Trong những phiên giao dịch đầu tiên, giá đồng Pi có thời điểm rơi xuống mức 0,6 USDT, giảm 70% so với lúc vừa lên sàn và hiện được giao dịch quanh mức 1,5 USDT.
Việc Pi Network thông báo mở mạng được xem là tin vui đối với những người đã khai thác Pi suốt 6 năm qua. Trên thế giới, hiện khoảng chục triệu người dùng đã hoàn tất quá trình xác minh danh tính (KYC) và đưa Pi đã khai thác lên mạng chính.
Tuy nhiên, theo đội ngũ Pi Network, một số quốc gia và khu vực sẽ chưa thể nạp tiền và giao dịch Pi. Nhận được sự kỳ vọng rất lớn của cộng đồng “Pi thủ”, một số người thậm chí cho rằng Pi có thể đạt được kỳ tích như Bitcoin nhờ cộng đồng lớn với hàng chục triệu người tham gia.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về tài chính, vẫn có không ít rủi ro với đồng Pi, bởi thông thường một đồng tiền số để thành công như bitcoin đều có hệ sinh thái riêng. Trong khi đó, Pi được xem là chưa có giá trị thực tế và ứng dụng rõ ràng. Một số giao dịch Pi giữa các nhà đầu tư với nhau chưa chính thức và chưa có thị trường giao dịch lớn.
Pi Network chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng về một blockchain thực sự, thiếu cơ sở để được xem là một đồng tiền điện tử đúng nghĩa. Pi cũng chưa có thông báo chính thức về việc niêm yết trên các sàn lớn như Binance, Coinbase hay Kraken nên khó hút dòng tiền và có thanh khoản cao.
Bất chấp những cảnh báo rủi ro của các chuyên gia, mấy ngày gần đây, cộng đồng "Pi thủ" Việt Nam vẫn không ngừng sôi động với những giao dịch mua bán. Các bài đăng thông báo thu mua Pi với giá cao liên tục xuất hiện trên mạng xã hội.
Trong khi đó, một bộ phận người chơi lại quyết định "xả" Pi với lý do việc nắm giữ Pi tiềm ẩn quá nhiều rủi ro nên bán càng sớm càng tốt. Họ lo ngại Pi Network có thể sớm bị "sập" sau khi mở mạng.
Tiền số chưa được công nhận tại Việt Nam
Theo ông Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch Liên minh Blockchain Việt Nam, không chỉ riêng đồng Pi, việc đầu tư vào tiền mã hóa nói chung luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tại Việt Nam, tiền mã hóa chưa có tính pháp lý, chưa có cơ quan quản lý để kiểm soát gian lận, thao túng thị trường, tức là chưa được pháp luật bảo vệ.
Do chưa được pháp luật công nhận nên các giao dịch mua bán, trao đổi Pi hay các loại tiền mã hóa khác đều không được bảo vệ, dẫn đến nguy cơ bị lừa đảo rất cao.
"Những người không am hiểu công nghệ thì không nên tham gia đầu tư, khai thác, mua bán tiền ảo Pi. Nếu không cẩn thận sẽ có thể rơi vào bẫy lừa đảo của những người lợi dụng trào lưu Pi để trục lợi cá nhân. Đào Pi thì đơn giản, chỉ cần bấm điện thoại.
Nhiều người nói đào được 1.000 - 2.000 Pi nhưng thực chất chưa bán được bởi vì chưa về ví", ông Tuấn nhận định và khuyến cáo, hiện rất nhiều người hô hào gọi vốn đầu tư đào Pi, giống kiểu chơi hụi. Không ngoại trừ rủi ro, người đứng ra hô hào gọi vốn sau khi gom được tiền rồi có thể sẽ cao chạy xa bay hoặc cầm tiền đó đầu tư vào những tiền điện tử khác để kiếm lời cho cá nhân.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định chỉ có đồng Việt Nam và một số phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt như séc, lệnh chi, thẻ ngân hàng mới được pháp luật thừa nhận. Như vậy, việc sử dụng tiền ảo để thanh toán hàng hóa, dịch vụ là trái pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP, với mức phạt lên đến 400 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 chỉ công nhận các loại tài sản có giá trị xác định được theo luật, trong khi tiền ảo chưa được đưa vào danh mục tài sản theo quy định pháp luật. Việc giao dịch, mua bán hoặc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng đã có khuyến cáo đối với nhà đầu tư về việc hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về các dạng tài sản số, tiền mã hóa. Trong đó chỉ rõ, các loại tiền kỹ thuật số như Pi, USDT, BUSD... không phải là chứng khoán và việc mua bán chúng chưa được pháp luật quy định.
Thực tế, đã có nhiều vụ việc lợi dụng đầu tư tiền ảo để huy động vốn theo mô hình đa cấp, hứa hẹn lợi nhuận cao nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Khi giao dịch, nếu bị lừa đảo, người bị hại sẽ rất khó đòi lại tài sản do không có cơ sở pháp lý để kiện tụng. Mới nhất, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thông tin về vụ đầu tư tiền ảo mà mất tiền thật.
Cụ thể, ngày 9/7/2024, một đối tượng lạ tên “Kelly” đã dùng ứng dụng WhatsApp liên lạc với chị N.T.B.L (SN 1991; trú tại phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu) để kết bạn và mời mua tiền ảo Bitcoin trên phần mềm do đối tượng cung cấp. Sau đó, “Kelly” đã hướng dẫn chị L tạo tài khoản nạp tiền để mua Bitcoin; mỗi lần nạp 2,5 triệu đồng quy đổi bằng 100 USD.
Ngày 9/7/2024, chị L nạp 100 USD theo hướng dẫn. Hôm sau, chị L rút toàn bộ số tiền (lãi từ 10% đến 15%) và tiền gốc chuyển vào tài khoản ngân hàng của mình. Với cách làm tương tự, đến ngày 21/8/2024, chị L nhiều lần chuyển tiền để mua bán Bitcoin (tổng số tiền khoảng 450 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau đó chị L không rút được tiền. Biết mình bị lừa nên ngày 17/2/2025, chị L đến cơ quan công an trình báo. Vụ việc đang được Công an TP Vũng Tàu tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý.
Hà Châu
Báo Lao động và Xã hội số 25