Thương hồ bỏ chợ nổi, cửu vạn lao đao kiếm sống
Sáng đầu tháng 6, một vài ghe tàu tập trung tại chợ nổi Cái Răng mua bán nông sản. Trước đây, giờ này chợ nổi đã đón khoảng 500 - 600 ghe tàu chở nông sản đổ về đậu san sát tìm khách sỉ, số lượng chiếm gần 2/3 mặt sông và kéo dài suốt hơn 1km.
Nhưng ngày nay, người ta chỉ thấy lác đác chiếc ghe lớn hoặc một nhóm ghe nhỏ tổ chức bán nông sản phục vụ khách du lịch.
Nói với phóng viên, một thương hồ cho hay đây là chuyến hàng đầu tiên trong ngày, cũng là chuyến cuối cùng họ nhận đặt hàng trước từ chủ vườn. Hiện nay, một số thương hồ lâu năm đã chuyển sang mở vựa nông sản trên bờ, số khác đổi nghề hoặc đi làm ăn xa.
Thương hồ không còn, nhiều cửu vạn cũng thất nghiệp. “Bây giờ vận chuyển bằng đường bộ thuận tiện lại không tốn nhiều chi phí cho nhân công lên xuống hàng như trên chợ nổi nên đa số thương hồ mở vựa trên bờ”.
Nhìn về phía cầu Cái Răng, bà Đặng Thị Mẫn (SN 1969, ngụ Phường Hưng Lợi, TP Cần Thơ), thợ bốc vác thở dài khi được hỏi về những dự định sắp tới: “Nếu không được làm nghề này nữa thì tôi đành đi bán vé số, rửa chén nuôi con”.
Bà Mẫn đã làm bốc vác trên chợ nổi được 18 năm, chồng mất, một mình nuôi 2 con nhỏ. Nay người phụ nữ này còn đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Nếu ngày trước bà Mẫn có thể kiếm từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày nhờ việc bốc hàng cho thương hồ trên chợ nổi thì nay, thu nhập chỉ còn dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày.
Ông Hồ Quang Vinh (ngụ Cần Thơ) có hơn chục năm kiếm sống bằng nghề bốc vác cũng đau đáu về tương lai: “Chúng tôi đã quá tuổi làm công nhân, học thức lại kém, ở đây không có xí nghiệp nào tuyển nên ngoài dùng sức kiếm tiền thì không có cơ hội làm thêm nghề khác. Nếu không bám chợ nổi thì không biết làm gì”.
Giữ chân thương hồ để chợ nổi không “chìm”
Trước thực trạng trên, từ năm 2016, UBND TP Cần Thơ đã triển khai đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”.
Trong đó, công tác chăm lo đời sống ổn định cho hàng trăm hộ dân trên chợ nổi được chú trọng; việc xây dựng cầu tàu chợ nổi, di dời nhiều bè nội đến nơi neo đậu an toàn, bố trí phân luồng, đảm bảo giao thông thủy cũng nhận được đông đảo sự đồng tình của người dân và thương nhân trên chợ nổi.
Cùng với đó, UBND quận Cái Răng còn đầu tư xây dựng một số hạ tầng phụ trợ như cải tạo hệ thống điện trên sông, tăng các trạm bán quà lưu niệm, thúc đẩy công tác truyền thông. Từ đó, mở ra không gian sầm uất, đa dạng thu hút du khách trong và ngoài nước, nhiều cơ hội kinh doanh du lịch cho doanh nghiệp cũng như người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh đổi mới, công tác bảo tồn văn hóa chợ nổi đã bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình là thực cảnh trên bến dưới thuyền, hoạt động du lịch trên chợ nổi có nhiều bất cập; ý thức bảo vệ môi trường của các hộ dân trên chợ chưa tốt, dịch vụ đưa khách đi tham quan tự phát khiến chất lượng du lịch chợ nổi không được đảm bảo.
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL TP Cần Thơ, lượng khách đến tham quan chợ nổi Cái Răng tăng 12 - 15%/năm. Bình quân cao điểm mỗi ngày có trên 200 lượt tàu đưa đón khách du lịch.
Ngược với số lượng khách du lịch ngày một tăng, số lượng ghe và tàu mua bán của thương hồ trên chợ nổi ngày một giảm. Từ 500 - 600 ghe, tàu cách đây hàng chục năm với các hoạt động giao thương sôi nổi, nay chợ nổi chỉ còn 250 - 300 ghe, giảm 50 - 60%.
Báo cáo của UBND quận Cái Răng nhận định, nguyên nhân khiến chợ nổi giảm sức hút do cơ sở hạ tầng tốt là điều kiện thuận lợi cho việc giao thương bằng đường bộ, thương hồ lên bờ kiếm kế sinh nhai.
Bước đầu đánh giá về thực trạng khiến thương nhân rời chợ nổi, trong đó, công trình xây dựng kè sông Cần Thơ đã tác động không nhỏ đến chợ nổi, phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, khiến thương hồ bị phân tán.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho rằng, chợ nổi Cái Răng có quy mô và vị trí địa lý thuận tiện cho việc phát triển tầm quốc tế.
“Ưu điểm của chợ nổi Cái Răng là hoạt động trên sông tự nhiên, không phải kênh đào, còn chợ nổi của các nước đa số là kênh đào và có yếu tố dàn dựng. Trong khi chợ nổi các nước cách nội đô vài chục cây số thì chợ nổi Cái Răng nằm ngay trong lòng đô thị TP cần Thơ, lại xen kẽ miệt vườn tạo nên cảnh rất thơ”, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng nói.
Theo ông Nhâm Hùng, hoạt động trước đây tại chợ nổi chủ yếu là nhà nông mang nông sản ra bán, thương hồ mua lại và chở đi khắp các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ.
Nhu cầu trao đổi hàng hóa nông sản có trước sau đó mới hình thành các loại dịch vụ khác. Các loại ghe buôn hàng hóa, ăn uống trước đây chủ yếu phục vụ thương hồ.
Còn hiện tại, phần lớn ghe trên chợ nổi hoạt động thương mại phục vụ khách du lịch. Mối quan hệ thương hồ - nông dân đứt gãy khiến chợ nổi bị phai nhạt văn hóa nguyên bản.
“Bài toán bảo tồn chợ nổi cần nhất là giữ chân thương hồ. Vì thương hồ là người làm ra văn hóa chợ nổi, chủ thể của chợ nổi. Ta cần tạo mọi điều kiện để họ ở lại nhằm làm sinh động bức tranh trên bến dưới thuyền”, ông Hùng nhấn mạnh.
Hiến kế để phát huy hết giá trị cốt lõi của chợ nổi, ông Nhâm Hùng cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần tạo mọi điều kiện để thương hồ ở lại giao thương trên chợ nổi; tiếp đến là xây dựng không gian phục vụ du lịch bài bản, chuyên nghiệp; sau cùng tìm nhà đầu tư phát triển văn hóa chợ nổi xứng tầm quốc tế.
“Bài toán bảo tồn chợ nổi cần nhất là giữ chân thương hồ. Vì thương hồ là người làm ra văn hóa chợ nổi, chủ thể của chợ nổi. Ta cần tạo mọi điều kiện để họ ở lại nhằm làm sinh động bức tranh trên bến dưới thuyền”, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhấn mạnh. |
Bảo Trân
Báo Lao động Xã hội số 68