Cha mẹ đã dạy đúng những gì cần cho trẻ em?
Phần lớn cha mẹ chúng ta đang dạy con theo bản năng, kinh nghiệm, trách nhiệm, theo xu thế thời đại, theo những mục đích thực dụng... Chưa chắc chúng ta đã dạy đúng những gì mà đứa trẻ cần cho sự phát triển toàn diện, để lớn lên có thể tự thiết lập một cuộc sống ý nghĩa, mà trong đó, chủ nhân hiểu trách nhiệm, được cống hiến, được thụ hưởng nhưng trên hết được là chính mình.
Thường thì cha mẹ ngày nay sẽ làm những việc như sau mà họ cho là tốt với con: Chọn trường tốt – sẵn sàng bỏ tiền chạy trường; Làm thân với thầy cô để mong con được quan tâm hơn; Quan tâm đặc biệt đến điểm số, nếu con điểm kém, lập tức tìm lớp học thêm bao giờ nâng được điểm số lên thì thôi, bất kể năng lực của con có đáp ứng; Nếu con có năng khiếu nghệ thuật, tạm dẹp sang một bên để học đã, kiến thức (toán, ngoại ngữ) mới là quan trọng, giỏi văn, giỏi nhảy là không thích rồi...
Tôi biết có bà mẹ “vì con” đến nỗi, hễ cứ cho rằng trường nào tốt là chuyển con đến đó, kết quả là tiểu học con học bốn trường và 5 lớp khác nhau. Chị bảo, “chạy” một lần ngàn đô là xong, tính ra vẫn rẻ nhất và tốt nhất, những lần chuyển lớp cũng chỉ “chút chút”, vài triệu thôi, rất đơn giản.
Tôi hỏi, có biết rõ trường ấy, thầy cô ấy tốt thật không, chị bảo thì nghe nói thế. Tôi lại hỏi, mỗi lớp lại thay cô chủ nhiệm, thì chọn cô làm gì cho vất vả? Chị nói lên lớp 2 lại xin chuyển con đến lớp nào được cô tốt, các lớp tiếp theo cũng thế. Được cô tốt rồi thì sẽ làm thân để con khỏi đi học thêm, mỗi tháng tìm cách biếu “quà” cô để cô không mặt nặng mày nhẹ.
Tôi nói vậy thì mệt mỏi lắm, lại khổ thân con vì mất bạn bè, dễ khủng hoảng tâm lý. Chị nói mình quyết định chứ, trẻ con thì đã biết gì, nó phải nghe hết, rồi sẽ có bạn mới, sẽ quen.
Cũng như chị ấy, một người khác, để cháu nội không phải đi học thêm và được ngồi bàn đầu, bàn hai, mỗi tháng anh biếu “quà” cô giáo. Vợ anh cho rằng không cần thiết, anh nói, để tôi sẽ chứng minh rằng việc tôi làm là đúng. Tháng ấy anh vờ quên, không biếu cô. Lập tức một hôm, cháu anh báo cáo: Ông ơi, hôm nay cô chuyển cháu xuống bàn cuối rồi. Anh lại đến gặp cô, có “quà”. Chiều ấy cháu anh báo cáo, ông ơi, hôm nay cô lại chuyển con lên bàn hai rồi.
Tôi tự hỏi, trẻ con nước ta xưa nay đều đi học cả, sao cha mẹ thành phố giờ phải khổ sở đến thế? Tôi vốn sợ những gì giả dối nên thường cả nghĩ, người thầy người cô mà hí hởn với phong bì bất chấp đạo đức nghề nghiệp như vậy, liệu có đủ tư cách dạy con mình nên người hay không?
Người mẹ âu yếm dặn dò con trong ngày khai trường. Ảnh: Tr.Thanh (Ảnh mang tính minh họa)
Thử phân tích những sai lầm trong cách giáo dục thực dụng
Trở lại với hai câu chuyện tôi kể, nó cho thấy mấy vấn đề sai lầm của những bố mẹ thực dụng đã phạm phải:
Thứ nhất, dung túng cho sự giả dối trong môi trường giáo dục sẽ chỉ ngày càng làm sản sinh những thầy cô thực dụng, giả trá. Vậy mình chỉ cần điểm số mà nhân cách con mình phó mặc cho họ hay sao?
Thứ hai, là không tôn trọng con trẻ. Vì muốn kiếm thầy cô tốt theo chủ kiến của mình mà ép con chuyển trường chuyển lớp liên tục, bất chấp mong muốn của con, bất chấp sự thay đổi môi trường, có thể khiến đứa trẻ bị khủng hoảng.
Thứ ba, sự nhầm lẫn về giá trị. Trường tốt, thầy cô tốt là thế nào hay chỉ là điểm số? Liệu đằng sau những con số cao chót vót, những danh hiệu (rất có khi chỉ là ảo, do bệnh thành tích mà có), con mình đã biết yêu gia đình, sống nhân văn, có khát vọng về những điều tốt đẹp? Hay khi biết rằng điểm số có thể được đánh đổi bằng phong bì của cha mẹ, chúng sẽ trở nên những đứa trẻ ỷ lại, lệch lạc, giả dối như phiên bản của những người làm gương cho chúng.
Yêu thương và lắng nghe là bí quyết thành công của “nghề làm cha mẹ”. Ảnh: Bống (Ảnh mang tính minh họa)
Thứ tư, không cần biết năng lực thực sự của con mình là gì. Cứ cắm đầu vào học cho giỏi là được, chưa giỏi thì sẽ có học thêm, nhồi nhét. Năng lực cá nhân của đứa trẻ vì thế không được coi trọng và không được tạo điều kiện để phát huy.
Thứ năm, cha mẹ lén lút quà cáp cho thầy cô nhưng thực lòng không tôn trọng thầy cô, chẳng qua vì con, vì xã hội nó thế mà mình phải làm thế, cũng ấm ức lắm. Chọn cách không dám sống là mình như vậy, thì làm sao tạo nên đứa con biết mơ ước điều tốt đẹp.
Thứ sáu, khi con biết về tất cả những điều trên, con sẽ nghĩ gì? Bạn đừng nghĩ bọn trẻ không thể biết nên sẽ không thể có hậu quả được. Một là con sẽ “noi gương” bạn, hai là con sẽ thất vọng và phản ứng, không công khai được thì ngấm ngầm. Ở trường con mang vẻ mặt khác, về nhà lại khác. Rồi giữa cha mẹ và con sẽ có khoảng cách lớn. Cha mẹ nghĩ rằng đã cố gắng làm tất cả vì con nhưng vẫn không hiểu con muốn gì, con là ai, bởi rất có thể con sẽ không trở thành người như cha mẹ muốn nhào nặn. Và đấy là kết quả tồi tệ nhất của một chuỗi sai lầm mà vì thực dụng, cha mẹ đã tiếp tay cho môi trường giáo dục giả dối tạo ra.
Tôi nhớ có cuốn sách mang tên “Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ” mà mới đây, nhiều phụ huynh tìm đọc như một sự nhận thức lại các giá trị làm cha mẹ: Phải thực sự thay đổi, nếu không muốn mình trở thành những cha mẹ thất bại, “sụp đổ” trong công việc mang tính “thiên chức” của mình.
Nói điều này có thể nhiều người sẽ cười khẩy: Cái gì mà lại là “nghề làm cha mẹ”, sao cha mẹ lại có thể “sụp đổ” trong cách dạy con của mình? Con mình đẻ ra, mình nặn nó thế nào thì nó phải ra thế ấy chứ! Xin thưa, “nghề làm cha mẹ” là một khái niệm hoàn toàn có căn cứ, và sự thất bại của nghề làm cha mẹ hoàn toàn là sự thật cay đắng, nếu cha mẹ cứ khư khư coi mình có quyền, biết tất cả, không lắng nghe con để dạy con và không chịu học cách dạy con.
Cha mẹ sinh con ra là do ý muốn của cha mẹ. Nhưng khi đã cho con một cuộc đời, thì việc dạy con lại phải lắng nghe con, lựa tính cách, mong muốn của con mà điều chỉnh, bồi đắp, và trong quá trình ấy, có nhiều điều cần học hỏi từ con mà cùng giúp nhau hoàn thiện. Đôi khi chúng ta có thể trượt đi quá xa trong hành trình gian nan vì cuộc mưu sinh của mình, và bỏ quên đâu đó những giá trị đích thực của cuộc sống, thì đứa con bé bỏng có lúc sẽ nhắc chúng ta bằng những suy nghĩ, hành động ngây thơ, trong trẻo của nó. Nên nhà văn Lỗ Tấn có câu (được dịch là): “cúi đầu làm ngựa đứa hài nhi”, là bởi vậy.
Thiên Trang/GĐTE