Đồng thời, cũng đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Đây là một bước quan trọng để định hình tương lai, đưa thành phố trở thành cực tăng trưởng của đất nước.
Phát triển Thủ đô xứng tầm trong giai đoạn mới

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế, Hà Nội đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã triển khai bài bản, khoa học các nhiệm vụ và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại.
Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước.
Mỗi giai đoạn dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song kinh tế Hà Nội đã duy trì tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; mô hình tăng trưởng chuyển dần về chiều sâu… góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Điển hình, tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm. Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2022, TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) của Hà Nội luôn tăng trưởng ổn định, phản ánh những nỗ lực trong cải cách thể chế và nâng cao năng suất các nhân tố sản xuất của thành phố. Đồng thời, kinh tế tri thức, kinh tế số được chú trọng. Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng, với khoảng 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước…
2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đóng góp vào thành tựu chung trên, với sự chủ động, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, kinh tế - xã hội Thủ đô tiếp tục đạt được các kết quả quan trọng khi quý II, kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng, GRDP của thành phố ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, an sinh xã hội được bảo đảm.
Công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được tăng cường…
Với thế và lực mới, Hà Nội ngày càng tự tin và quyết tâm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế đô thị, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô thành “Thành phố sáng tạo” .
Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt 36.000 - 40.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
6 điểm mới, đột phá mạnh mẽ trong quy hoạch Thủ đô

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Hà Nội quyết tâm cao độ hoàn thiện đồng bộ các phần việc quan trọng, nhằm hoạch định vóc dáng Thủ đô trong tương lai, trong đó có 2 đồ án quy hoạch mang tầm vóc bao trùm, toàn diện.
Theo đó, TP Hà Nội đang tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn 2065 (theo Luật Quy hoạch đô thị). Cùng với đó, thành phố đang triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện quy hoạch.
Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được thời gian qua, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.
Thứ nhất, quy hoạch đề xuất mục tiêu phát triển thành phố là Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại; là trung tâm kinh tế - tài chính lớn của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt và lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc;
Là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đi đầu về giáo dục đào tạo theo chuẩn quốc tế; hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại; đời sống an sinh được bảo đảm toàn diện; có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực.
Thứ hai, quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, giao thông văn minh, hiện đại; xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và 4 khâu đột phá chiến lược bao gồm: Tạo lập thể chế quản trị vượt trội; phát triển hệ thống hạ tầng kết nối, đồng bộ; đặc biệt là đường sắt đô thị; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; phát triển đô thị, cải tạo môi trường và cảnh quan.
Với các trụ cột phát triển và khâu đột phá chiến lược trên, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đề xuất phát triển theo hướng thông minh và kinh tế số; chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ. Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm cơ sở dữ liệu lớn, hoạt động xã hội được vận hành và quản lý trên nền tảng số, điều hành thông minh.
Thứ ba, quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng như định hướng trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, các loại giống cây con có vai trò dẫn dắt phát triển nông nghiệp các tỉnh phía Bắc; phát triển dịch vụ và kinh tế đô thị là trụ cột kinh tế với việc phát triển các trung tâm thương mại phức hợp cung cấp các dịch vụ tổng hợp, không gian ngầm; phát triển các ngành, lĩnh vực khác đảm bảo cân đối, hài hòa.
Thứ tư, quy hoạch tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực trong đó trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm kết nối đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng với định hướng hình thành không gian văn hóa, lễ hội, thể thao, phát triển du lịch, dịch vụ kinh tế ban đêm và các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, chăm sóc người cao tuổi dọc hai bên sông.
Khai thác có hiệu quả 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Thứ năm, quy hoạch đề cập phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng. Tập trung phát triển hệ thống đường sắt đô thị đủ khả năng thay thế phương tiện giao thông cá nhân và kết nối trung tâm Thủ đô với các trung tâm đô thị trong vùng Thủ đô. Mở rộng, nâng công suất sân bay Nội Bài ở mức giới hạn hiệu quả; xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô để mở rộng không gian phát triển khu vực phía Nam.
Thứ sáu, quy hoạch cũng đề nghị phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp với dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc sắc của Thủ đô gắn với phục dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa kết hợp truyền thống với ứng dụng công nghệ để tái hiện lịch sử trong không gian thực tế ảo và hình thành không gian văn hóa sông Hồng với con đường di sản bai bên sông để tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước.
Thái An
Báo Lao động và Xã hội số Kỷ niệm 79 năm Quốc khánh 2/9, Ngày truyền thống ngành LĐ-TB&XH 28/8