Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Để lễ khai giảng thực sự là kỷ niệm ý nghĩa với học sinh

Ngày khai giảng năm học mới đang đến gần. Những năm qua, lễ khai giảng đã thực sự là kỷ niệm ý nghĩa đối với các em học sinh?

Nhiều trường tổ chức lễ khai giảng quá coi trọng hình thức

Vừa qua, Bộ GD&ÐT đã ban hành khung kế hoạch năm học 2023 - 2024, theo đó, học sinh cả nước sẽ khai giảng vào ngày 5/9 và có thể tựu trường sớm hơn một tuần so với ngày khai giảng, riêng đối với lớp 1, lịch tựu trường sớm nhất trước 2 tuần.

Mặc dù những năm gần đây, Bộ GD&ÐT đã chỉ đạo việc tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường; nhiều tỉnh, thành ban hành kế hoạch tổ chức lễ khai giảng nhấn mạnh yếu tố ngắn gọn, đặc biệt có nhiều địa phương quy định cụ thể thời lượng làm lễ khai giảng không quá 1 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, đó là về lý thuyết, trên thực tế, có không ít lễ khai giảng dài như phim truyền hình.

Thông thường, một lễ khai giảng gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi thức như đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, phát biểu của hiệu trưởng, đánh trống khai giảng năm học mới... Phần hội là các tiết mục biểu diễn văn nghệ, thể thao chào mừng năm học mới.

Một số trường với lịch sử và bề dày thành tích phong phú, thời gian khai giảng thường kéo dài tới 2 tiếng đồng hồ, thậm chí còn hơn thế. Từ trước ngày khai giảng, nhiều trường đã cho học sinh tập luyện văn nghệ, tổng duyệt nghi thức phục vụ lễ khai giảng với mật độ dày đặc. Thời gian tập luyện lại trùng với kỳ nghỉ Quốc khánh 2/9. để dự lễ tổng duyệt của nhà trường, nhiều học sinh không thể đi du lịch hay đi chơi với cha mẹ, điều này khiến cho tâm trạng nhiều em cảm thấy không vui. Cộng thêm, việc phải đứng lâu dưới trời nắng nóng để tập luyện, nhiều học sinh bị mệt, thậm chí, một số em chưa đến ngày khai giảng đã ốm. Không khó để bắt gặp những khoảnh khắc học sinh ngáp ngắn, ngáp dài trong lễ khai giảng.

Lễ khai giảng được tổ chức để chào đón các em học sinh tới trường, nhưng đôi khi các em chỉ là những “diễn viên quần chúng”, ở trên sân khấu là đất diễn của lãnh đạo nhà trường và các khách mời danh dự với những bài phát biểu, báo cáo thành tích dài lê thê, những cái bắt tay và tặng hoa hoành tráng mất cả tiếng đồng hồ, năm sau giống năm trước, không có nhiều đổi mới, khác biệt.

Điểm trường tại Tu Nấc, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khai giảng cho các em nhỏ trên một thảo nguyên xanh bát ngát. Ảnh VTV

Điểm trường tại Tu Nấc, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khai giảng cho các em nhỏ trên một thảo nguyên xanh bát ngát. Ảnh VTV

Học sinh mong ước một lễ khai giảng như thế nào?

Không ngạc nhiên khi một số học sinh cho biết “Con rất thích lễ khai giảng online thời Covid-19”. Và các học sinh đã giải thích: “Vì hôm đó, con được ở nhà, có điều hòa mát rượi, con có ngồi không ngay ngắn chút cũng không bị cô quát mắng”. Thật may, đây chỉ là ý kiến của thiểu số, đa phần học sinh vẫn muốn được tham dự một lễ khai giảng trực tiếp, được lắng nghe thư chúc mừng của Chủ tịch nước và hòa mình vào các tiết mục văn nghệ sôi động của các bạn.

Tuy nhiên, hầu hết học sinh đều cho biết không thích các bản báo cáo thành tích của lãnh đạo nhà trường và các bài phát biểu chúc mừng của các ban, ngành, đoàn thể. Nhiều học sinh cho biết, màn các khách mời lên sân khấu tặng hoa nhà trường rồi chụp ảnh lia lịa là một tiết mục rất “ô dề” (làm quá, làm màu). “Ở dưới sân, dưới cái nắng nóng, chúng con phải vỗ rát cả tay. Mấy cô bác đó có khi bọn con chả biết là ai” - một học sinh cho biết.

Nếu các bậc phụ huynh có điều kiện tham dự lễ khai giảng ở cả trường công lẫn trường tư sẽ nhận thấy có một sự khác biệt khá lớn về cách thức tổ chức lễ khai giảng giữa hai nơi. Các trường tư không lạm dụng việc khoe thành tích trong lễ khai giảng, lãnh đạo nhà trường thường phát biểu ngắn gọn, học sinh thay vì phải diễu hành vòng quanh sân trường thì chỉ việc ngồi thưởng thức các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” vui nhộn của thầy và trò nhà trường. Thậm chí, nhiều em học sinh còn được nhà trường tặng quà trong ngày khai giảng nên tâm trạng các em rất phấn khởi. Nhưng đó là ở những trường tư với mức học phí lên tới cả chục triệu một tháng, ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo, lễ khai giảng năm học mới đã diễn ra như thế nào?

Hãy để lễ khai giảng thực sự là kỷ niệm ý nghĩa đối với các em học sinh. Ảnh minh họa

Hãy để lễ khai giảng thực sự là kỷ niệm ý nghĩa đối với các em học sinh. Ảnh minh họa

Các bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến những lễ khai giảng ở ngoài trời, giữa những mênh mông đại ngàn thảo nguyên xanh bát ngát, hoặc ở những điểm trường lụp xụp nằm cheo leo giữa lưng chừng núi.

Do điều kiện kinh tế hạn hẹp, nhiều giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo từ trước ngày khai giảng đã cùng chung tay dọn dẹp phòng ốc, trang hoàng trường học. Những lớp học đơn sơ, những bộ quần áo đã cũ trong năm học mới, cũng không có những lẵng hoa hoành tráng của các vị khách mời, bài phát biểu chân thật và giản dị của thầy/ cô hiệu trưởng, những tiết mục văn nghệ đơn giản không có hệ thống âm thanh hiện đại đi kèm nhưng trong ánh mắt các em học sinh ánh lên một niềm vui lấp lánh diệu kỳ. Bởi với các em, được đến trường đã là hạnh phúc!

Tin liên quan