Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Để thớt và đũa gỗ không bị mốc cũng cần phải biết một số mẹo đặc biệt

Trần Huyền
Trần Huyền

Để thớt và đũa gỗ không bị mốc, ngoài sử dụng, vệ sinh và bảo quản đúng cách thì bạn có thể tham khảo thêm một số mẹo nhỏ dưới đây.

Đũa và thớt gỗ được sử dụng hằng ngày trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, khí hậu ở Việt Nam nóng ẩm nên chúng dễ bị nấm mốc, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ để giúp giữ thớt và đũa gỗ luôn sạch sẽ, không bị mốc, an toàn cho sức khỏe cả gia đình.

Mẹo đặc biệt

Ngâm nước muối: Để hạn chế tình trạng này, khi mới mua về, hãy ngâm chúng trong nước muối mặn theo tỷ lệ 200g muối với 1 lít nước. Thời gian ngâm khoảng 24 giờ, rồi sau đó mang phơi khô. 

Việc ngâm nước muối vừa làm sạch bề mặt gỗ vừa làm cho chúng có đủ độ ẩm, không thấm nước nhiều hay dễ rạn nứt khi sử dụng sau này. 

Để thớt và đũa gỗ không bị mốc cũng cần phải biết một số mẹo đặc biệt - 1
Luộc đũa gỗ cùng muối hoặc Baking soda (Ảnh: ITN).

Lưu ý khi sử dụng: Khi sử dụng thớt, tránh ấn dao quá mạnh sẽ tạo ra các vết hằn trên mặt thớt, những khe hở này làm thớt nhanh cũ và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Thoa dầu thực vật: Mẹo thoa một lớp mỏng dầu thực vật lên bề mặt thớt để ngăn thấm nước, giúp thớt bền hơn và hạn chế ẩm mốc.

Dùng thớt riêng: Thực phẩm sống và chín dùng thớt riêng để tránh lây nhiễm vi khuẩn.

Dùng muối ăn hoặc Baking soda: Cho muối hoặc Baking soda vào một nồi nước đặt trên bếp, rồi cho đũa hoặc thớt gỗ bị mốc vào và bật bếp đun sôi khoảng 5 phút. Vớt chúng ra và lau thật khô bằng khăn sạch, rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời ít nhất một ngày.

Hoặc bạn hãy trộn baking soda với một ít nước cốt chanh cho đến khi hơi sệt, sau đó bôi hỗn hợp lên đũa và thớt gỗ bị mốc rồi phơi nắng trong 30 phút. Rửa sạch lại bằng nước nóng là được.

Vệ sinh đúng cách

Thớt và đũa gỗ cần được rửa sạch ngay sau khi sử dụng, không để thực phẩm bám lâu trên thớt và đũa, đặc biệt là dầu mỡ và thức ăn có tính axit.

Dùng nước nóng và xà phòng để rửa thớt và đũa giúp làm sạch hoàn toàn vi khuẩn và dầu mỡ.

Ngoài ra, cần khử khuẩn định kỳ cho chúng bằng cách dùng muối và chanh. Rắc muối lên bề mặt thớt, sau đó chà xát bằng nửa quả chanh rồi rửa sạch.

Để thớt và đũa gỗ không bị mốc cũng cần phải biết một số mẹo đặc biệt - 2
Khử khuẩn định kỳ thớt gỗ bằng cách dùng muối và chanh (Ảnh: ITN).

Hoặc có thể khử khuẩn bằng cách ngâm nước pha giấm trắng khoảng 5-10 phút, sau đó rửa sạch lại.

Khi thớt bị ố, ngả màu, bạn nên ngâm thớt trong giấm, nước cốt chanh trong vòng 2 giờ, rửa sạch lại bằng nước rửa bát, tráng nước sôi để làm thớt sạch và mới lại, giúp kéo dài tuổi thọ của thớt.

Làm khô triệt để

Sau khi rửa, để chúng dựng đứng hoặc đặt trên giá thoáng khí để nước dễ thoát.

Để làm khô hoàn toàn thớt và đũa gỗ, bạn có thể phơi ngoài nắng tự nhiên sau khi đã rửa sạch.

Bảo quản đúng cách

Thớt và đũa gỗ rất dễ bị ẩm mốc, bởi vậy cần bảo quản chúng nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh đặt nơi ẩm ướt, như cạnh bồn rửa.

Nếu sử dụng hộp để cất đũa, hãy chọn loại có lỗ thoáng khí để tránh ẩm mốc.

Thay thế định kỳ

Đũa gỗ nên thay định kỳ sau 3-6 tháng sử dụng, đặc biệt nếu chúng xuất hiện vết nứt hoặc đổi màu thì cần thay ngay.

Thớt gỗ bị nứt hoặc có mùi khó chịu nên được thay mới để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.