Các đại biểu Chủ trì Hội thảo.
Từ năm 2016, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã phối hợp với ILO triển khai Dự án An toàn và Sức khỏe cho lao động trẻ, trong đó đã xây dựng bộ tài liệu Lồng ghép ATVSLĐ vào chương trình đào tạo nghề nghiệp và triển khai thí điểm giảng dạy tại 4 cơ sở GDNN của 4 tỉnh/thành phố (Đà Nẵng, Bình Thuận, Phú Thọ, Hưng Yên).
Để đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện làm cơ sở triển khai nhân rộng bộ tài liệu, ngày 28/3 tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Tổng cục GDNN phối hợp với ILO tổ chức Hội thảo tổng kết hoạt động lồng ghép ATVSLĐ vào chương trình đào tạo nghề nghiệp.

Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên khai mạc Hội thảo.
Nhiều chương trình đạo tạo nghề ngắn hạn chưa có nội dung về ATVSLĐ
Theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ giáo dục thường xuyên, việc đảm bảo an toàn, vệ sinh trong lao động là rất quan trọng. Để triển khai thực hiện chủ động các hoạt động an toàn, thì ngay trong quá trình đào tạo cần tiếp cận và đào tạo cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy, việc tuyển sinh học nghề tại các địa phương chủ yếu là đạo tạo sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng, số người học trình độ CĐ, trung cấp còn thấp; Số người học nghề thuộc nhóm ngành nghề May, Điện lạnh, Điện, Điện tử mang tính phổ biến, nhóm ngành nghề như nông nghiệp, thủ công, xây dựng có nhu cầu học nghề thấp. Nội dung về ATVSLĐ trong các chương trình đạo tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng còn giản đơn, thời lượng dành cho nội dung về ATVSLĐ còn ít, nhiều chương trình không có nội dung này.
Bên cạnh đó, trang thiết bị đào tạo, vật tư thực hành về ATVSLĐ của các cơ sở GDNN vừa thiếu, vừa lạc hậu, có trung tâm không có thiết bị đào tạo. Đội ngũ giáo viên, giảng viên còn hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm thực tế và chưa được tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về ATVSLĐ. Đặc biệt, trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành, chưa có quy định có tính bắt buộc hay trực tiếp nào về trách nhiệm của các cơ sở GDNN trong việc thực hiện lồng ghép nội dung ATVSLĐ trong các môn học, mođun đào tạo…

Bà Nguyễn Ngọc Duyên, Điều phối viên Dự án An toàn và Sức khỏe cho lao động trẻ, ILO.
Sau 3 năm triển khai thí điểm lồng ghép nội dung ATVSĐ trong chương trình đào ngắn hạn và lựa chọn thí điểm triển khai đối với 02 nghề: nghề May công nghiệp và nghề sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí. 2 bộ tài liệu ATVSLĐ lồng ghép trong chương trình đào tạo hai nghề này đã hoàn chỉnh và đưa vào giảng dạy thí điểm tại các cơ sở đào tạo. Kết quả, đã tổ chức giảng dạy thí điểm 13 lớp cho 366 học viên, ¾ cơ sở có đánh giá trước và sau khi giảng dạy cho học sinh. ¾ cơ sở đã nghiên cứu bộ tài liệu để chỉnh sửa một số nội dung giảng dạy về ATVSLĐ trong các chương trình đào tạo, là cơ sở để các trường áp dụng và là tài liệu tham khảo trong quá trình xây dựng, biên soạn các chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp.
Cần có quy định bắt buộc về giảng dạy ATVSLĐ
Ông Nguyễn Hữu Xuân, trưởng khoa Cơ bản, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết, nhà trường đã đào tạo thí điểm ATLĐ lồng ghép ngành may công nghiệp để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên. Theo đó, nhà trường tổ chức tập huấn phòng cháy chữa cháy; Tổ chức huấn luyện cho HS,SV thực hành cấp cứu người lao động bị chấn thương… Với việc cấp phát đầy đủ đồ dùng, phương tiện dạy học và phôi liệu học tập nên HSSV học tập, thực tập đạt kết quả cao, các em rất thích thú. HSSV nắm vững kiến thức, thực hành các kỹ năng tốt.

Toàn cảnh Hội thảo
Theo ông Nguyễn Hữu Xuân, trên cơ sở tổng kết các tiết học, nhà trường sẽ trao đổi, phổ biến cho đội ngũ giáo viên giảng dạy môn ATVSLĐ-VSCN ở các ngành nghề khác để nghiên cứu biên soạn bài giảng, giáo án đạt chất lượng tốt nhất.
Tại trường Trung cấp nghề Herman Gemenner Việt Trì, nội dung ATVSLĐ được lồng ghép vào chương trình đào tạo trung cấp và sơ cấp sửa chữa, bảo trì tủ lạnh và điều hòa nhiệt độ. Hiệu quả Chương trình có thể nhìn thấy rõ trong các hoạt động thực hành nghề, và ứng dụng thực tiễn (học sinh đi thực tập tại các doanh nghiệp, thi công về lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ, đảm bảo an toàn). Ông Vũ Xuân Thùy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường đề xuất: tiếp tục đưa chương trình vào giảng dạy tại các nghề trung cấp và sơ cấp; Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiế tục lồng ghép nội dung ATVSLĐ vào các bài giảng của chương trình sơ cấp.

Các em học sinh tham dự Hội thảo mong muốn chương trình sẽ được phổ biến rộng rãi hơn tới các bạn HSSV.
Em Ngụy Thị Thanh Vy, K17, ngành thiết kế thời trang (CĐ nghề Đà Nẵng) cho biết, trước đây em chỉ nghe sơ về ATLĐ, nhưng sau khi được học lý thuyết về ATLĐ, em nhận diện được các mối nguy hiểm. Thông qua quá trình thực hành phòng cháy chữa cháy, sơ cấp cứ… em tự tin về việc có thể áp dụng để xử lý các tình huống sau này. Em cảm thấy chương trình lồng ghép ATVSLĐ rất có ích, cần phổ biến rộng rãi hơn cho các bạn HSSV.
Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, để triển khai tốt nội dung ATVSLĐ trong các chương trình đào tạo ngắn hạn cần có quy định việc giảng dạy nội dung ATVSLĐ thành một chính sách bắt buộc các địa phương, cơ sở thực hiện khi tham gia vào hoạt động GDNN. Sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp. Có chương trình, tài liệu về ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm ngành, nghề cụ thể. Bên cạnh đó, giáo viên tham gia giảng dạy cần có kiến thức cơ bản về ATVSLĐ đối với ngành, nghề tương ứng giảng dạy. Trang thiết bị giảng dạy, vật tư, vật liệu thực hành ATVSLĐ cũng phải đầy đủ, sát với thực tế sản xuất.
Chính vì vậy, cần thiết phải đưa nội dung về ATVSLĐ trở thành nội dung bắt buộc trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học cho giáo viên, người dạy nghề. Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng về ATVSLĐ cho giáo viên, người dạy nghề. Đưa nội dung yêu cầu về ATVSLĐ trong thông tư quy định về quy chế thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp theo quy định tại Điều 38 Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Thảo Vân/GĐTE