Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đề xuất xây 5-7 đập trên sông Hồng

Trước tình trạng khô hạn, sông Hồng cạn trơ đáy nhiều năm nay, Bộ NN&PTNT trong một đề tài nghiên cứu đang đề xuất xây dựng 5-7 đập dâng trên sông Hồng, nhằm nâng mực nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy, xử lý môi trường, tăng mực nước ngầm… nhưng không ảnh hưởng đến thoát lũ.

Sông Hồng đoạn qua Hà Nội nhiều nơi cạn trơ đáy hơn chục năm nay. Ảnh: Văn Hậu.

Sông Hồng đang trơ đáy

Trao đổi với PV, GS Trần Đình Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ NN&PTNT) - chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về vấn đề trên cho biết: Hơn chục năm trở lại đây, nhiều đoạn sông Hồng qua Hà Nội trong tình trạng cạn trơ đáy.

Lượng phù sa về hạ du giảm sút nghiêm trọng. Có những vị trí lòng sông bị “xói nước trong” sâu 2-5m so với mặt cắt. Trong khi đó, hoạt động khai thác cát quá mức, sông cạn, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đường thủy, nhiều đoạn tàu mắc cạn; môi trường bị ô nhiễm, nước ngầm, cảnh quan bị ảnh hưởng. Các công trình thủy nông không lấy được nước phục vụ tưới đồng ruộng.

Trước thực trạng trên, hằng năm vào mùa khô, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xả nước để lấy vào hệ thống thủy nông cho sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán, EVN phải xả khoảng 5 tỷ m3 nước mỗi năm cho mục đích trên.

Tuy nhiên, thực tế lượng nước lấy vào hệ thống thủy nông chỉ khoảng 20% (1 tỷ m3), còn lại khoảng 4 tỷ m3 chảy ra biển. Đáng lo ngại là, sau khi hết đợt xả nước, lòng sông Hồng gần như trơ đáy trở lại. “Lãng phí ở đây có thể hiểu là nếu không xả, thủy điện có thể tích nước phát điện”- GS Hòa nói.

GS Hòa cũng cho biết, dù trước đây có nhiều đề tài nghiên cứu về chống hạn trên sông Hồng, nhưng đây là đề tài có tính tổng thể các giải pháp nhất. Viện Khoa học Thủy lợi và Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước đã báo cáo lên các cấp về đề tài này. Sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (lúc đương nhiệm) đã chỉ đạo Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT triển khai nghiên cứu; Viện Khoa học Thủy lợi được giao thực hiện đề tài cấp quốc gia này.

GS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cũng cho rằng, tình trạng cạn kiệt ở hạ du sông Hồng về mùa khô là rất nghiêm trọng. Do vậy, cần xây dựng những đập dâng để  nâng mực nước ở hạ du sông Hồng từ Việt Trì tới cửa biển. Những đập này chiều cao hạn chế, tràn nước khi cần thiết và được dẹp lại trong mùa mưa để thoát lũ. Tuy nhiên, số lượng, vị trí xây đập ở đâu cần tính toán hợp lý, đảm bảo các yếu tố về kinh tế, dân sinh, cảnh quan, môi trường…

Cấp bách xây 2 đập

Mới đây, nhóm nghiên cứu đã đi khảo sát, trên cơ sở tính toán thủy lực, cân bằng nguồn nước, bước đầu đề xuất xây 5-7 đập nước dâng từ hạ du đập Hòa Bình đến cửa sông ven biển.

“Gọi là đập, nhưng đây không phải đập ngăn chặn dòng nước như các công trình thủy điện, mà chỉ là công trình điều tiết dâng nước vào mùa khô. Tác động dòng chảy, môi trường và thoát lũ sẽ tính toán để không bị ảnh hưởng nhiều. Bản chất dòng chảy vẫn bình thường, chỉ nâng mực nước lên”- GS Hòa nói.

Theo khảo sát sơ bộ, trước mắt, sẽ đề xuất xây dựng 2 đập ở hạ du của cống Long Tửu (trên sông Đuống) và đập sau cống Xuân Quan. Đặt đập ở hai vị trí trên, sẽ chủ động được việc lấy nước cho 3 hệ thống thủy nông lớn ở miền Bắc là Bắc Hưng Hải, Bắc Đuống và hệ thống thủy nông sông Nhuệ.

Theo GS Hòa, đặt đập ở hai vị trí trên cũng sẽ giải quyết căn cơ phân lưu, điều tiết được lưu lượng nước qua sông Đuống xét về điều kiện tự nhiên. “Bình thường, phân lưu nước sông Hồng qua sông Đuống về mùa khô chỉ là 28-35%, nhưng gần đây đã mất cân đối, lên tới 40 đến 50%, gây xói, sạt lở”- GS Hòa nói.

“Không thể nào chấp nhận một dòng sông qua Thủ đô biến thành hồ. Dù có đập cao su đấy, giao thông thủy đi lại, có âu tàu… nhưng chẳng có ai làm như thế cả, chưa kể về mặt tâm linh, phong thủy” .TS Đào Trọng Tư. 

Theo nhóm nghiên cứu, có nhiều dạng đập. Có thể xây đập dựng như mái nhà, mùa cạn dâng lên, mùa lũ sẽ cho nằm bẹp xuống đáy sông. Chẳng hạn, ở cống Xuân Quan, về mùa khô, có thể lấy cao trình của đập là dương 1.5 so với mực nước biển là đủ để lấy nước về cống Xuân Quan, Long Tửu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Còn để đảm bảo giao thông thủy, lấy hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ để xử lý ô nhiễm môi trường… có thể tăng cao trình lên để điều chỉnh mực nước. Với cao trình trên, đồng thời sẽ tăng mực nước ngầm cho Hà Nội.

Dự kiến đề tài nghiên cứu này sẽ kết thúc năm 2018. Tuy nhiên, trong năm 2016, nhóm nghiên cứu sẽ chỉ ra được vị trí các công trình, cũng như đề xuất các giải pháp. “Đây chỉ là nghiên cứu ban đầu. Chúng tôi sẽ tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ các chuyên gia, địa phương để làm sao quản lý, sử dụng, khai thác nguồn nước tối ưu, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu”- GS Hòa nói.

Cẩn trọng về môi trường, tâm linh

Nói về đề xuất và nghiên cứu trên, GS Hà Văn Khối (Đại học Thủy lợi) - chuyên gia thủy lợi cho rằng: Việc nghiên cứu là cần thiết, còn xây đập hay không là chuyện khác. Theo GS Khối, về đề xuất trên, cũng có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng phải chờ kết quả nghiên cứu, luận giải mặt tác động tốt, xấu ra sao. “Cũng như nhiều nước trên thế giới, đầu tư ngăn sông không phải đơn giản, cùng bất đắc dĩ mới làm. Tuy nhiên, nếu không ảnh hưởng đến thoát lũ, môi trường mới làm được”-GS Khối nói.

Trong khi đó, TS Đào Trọng Tứ, chuyên gia mạng lưới sông ngòi cho rằng, nếu nhìn thấy sông Hồng qua Hà Nội xây đập là một điều tệ hại. Trên thế giới, việc ngăn các dòng sông qua Thủ đô cũng có, nhưng họ hạn chế tối đa và không phải chỗ nào cũng làm được.

Theo ông Tứ, mục tiêu làm đập là dâng nước lên, lấy nước cho nông nghiệp, vệ sinh đô thị. “Không thể nào chấp nhận một dòng sông qua Thủ đô biến thành hồ. Dù có đập cao su đấy, giao thông thủy đi lại, có âu tàu… nhưng chẳng có ai làm như thế cả, chưa kể về mặt tâm linh, phong thủy”- TS Tứ nói.

TS Tứ cho rằng: “Nước sông Hồng qua Hà Nội vẫn là dòng chảy, nếu dâng nước lên, rồi lấy đi, thì dòng sông sẽ là cái gì, môi trường là cái gì… Rất nhiều nhà chuyên môn họ cũng khó chịu với đề xuất này. Chúng tôi sẽ có những phản biện khi kết quả nghiên cứu về vấn đề trên được công bố”.