Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đến 6 giờ sáng 25/5, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 374.688 trường hợp mắc COVID-19 và 6.960 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,48 triệu người không qua khỏi.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 167.903.589 ca, trong đó có 3.484.945 người tử vong.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 149.233.797 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 15.184.847 ca và 97.340 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 24/5, thế giới có tới 104 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà giảm nhẹ.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine và hộ chiếu vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Đến 6 giờ sáng 25/5, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 20/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 603.340 ca tử vong trong tổng số 33.857.713 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 26.285.069 ca nhiễm và 295.508 ca tử vong. Đáng chú ý, "tâm dịch" Ấn Độ hiện nay đang phải đối mặt với mối đe dọa mới trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 120.000 người chỉ trong 6 tuần qua.

Trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ đã ghi nhận 3.465 ca tử vong mới. Không chỉ vật lộn với dịch COVID-19, quốc gia với 1,3 tỷ dân này đang đối mặt với sự lây lan của nấm mucormycosis, hay còn gọi là nấm đen.

Theo thống kê của chính phủ, đã có khoảng 5.424 ca đến 8.848 ca mắc nấm đen ghi nhận được trên cả nước, cao hơn nhiều so với mọi năm. Theo các bác sĩ, đa số các ca nhiễm nấm đen là những bệnh nhân COVID-19 và đây là những người sử dụng nhiều thuốc chứa steroids -một trong những lý do khiến nguy cơ nhiễm nấm mucormycosis càng cao.

Liên quan đến vấn đề vaccine, cùng ngày, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước đóng góp vaccine ngừa COVID-19 cho chương trình COVAX để có đủ vaccine tiêm cho 10% dân số của tất cả các nước trước cuối tháng 9 và đạt 30% dân số của tất cả các nước vào cuối năm nay.

Ngoài việc kêu gọi chia sẻ vaccine, ông Tedros cũng bày tỏ sự biết ơn đối với khoảng 115.000 nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe đã tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu nổ ra. Ông cho biết gần 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe khắp thế giới đã đứng ở ranh giới giữa sự sống và cái chết và họ đã cứu vô số mạng sống và chiến đấu vì những người khác.

Còn tại Nhật Bản, nước này đã chính thức triển khai hai trung tâm tiêm phòng vaccine COVID-19 quy mô lớn tại thủ đô Tokyo và thành phố Osaka kể từ ngày 24/5. Trong giai đoạn đầu, đối tượng ưu tiên tiêm chủng là người cao tuổi sinh sống tại 23 quận thuộc Tokyo và thành phố Osaka. Kể từ ngày 31/5, trung tâm tiêm chủng tại Tokyo tiếp nhận các đối tượng sinh sống tại ba tỉnh lân cận là Saitama, Kanagawa, Chiba, trung tâm tiêm chủng tại Osaka tiếp nhận thêm đối tượng tiêm chủng từ Kyoto và Hyogo.

Nhật Bản hy vọng các trung tâm tiêm chủng mới thành lập có thể tiêm cho 10.000 người/ngày ở Tokyo và 5.000 người/ngày ở Osaka, qua đó giúp đáp ứng mục tiêu đến cuối tháng 7 hoàn tất tiêm phòng cho những người trên 65 tuổi.

Trong khi đó, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) sẽ tiêm vaccine cho 20.000 người có kế hoạch tranh tài hoặc phục vụ trong Olympic Tokyo vào mùa Hè này nhằm đảm bảo sự kiện thể thao này diễn ra an toàn giữa đại dịch COVID-19.

Đến 6 giờ sáng 25/5, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu - Ảnh 2.

Malta tuyên bố đã đạt miễn dịch cộng đồng. Ảnh: maltanewsagency

Ngày 24/5, Malta, quốc gia đang dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, thông báo đạt được mục tiêu tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho 70% người trưởng thành.

Ông Chris Fearne, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế quốc đảo nằm ở Địa Trung Hải, với dân số khoảng 500.000 người, tuyên bố đã đạt "miễn dịch cộng đồng" cho dù thừa nhận để đạt được "dấu mốc quan trọng" này trong EU là điều khó khăn. Theo người đứng đầu ngành y tế, sau khi 475.000 liều vaccine được tiêm, khoảng 42% dân số đã hoàn thành tiêm chủng cả hai liều các loại vaccine Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca hoặc với một liều duy nhất của vaccine Johnson & Johnson.

Phát biểu trước báo giới, ông Chris Fearne nói: "Hôm nay, chúng tôi đã đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Vaccine chính là vũ khí của chúng tôi chống lại virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Điều này cũng có nghĩa là sự lây truyền của virus - ngay cả khi nó vẫn tồn tại trong chúng ta - đã giảm đáng kể".

Theo giới chức Malta, kết quả này đạt được trước nhiều so với kế hoạch ban đầu chính phủ đặt ra là tháng 9, trước khi điều chỉnh vào cuối tháng 6. Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu sẽ tiêm chủng cho 70% dân số EU vào cuối tháng 7 tới.

Malta, quốc gia ghi nhận hơn 400 ca tử vong do COVID-19, đang từng bước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để chống dịch, với việc thông báo sẽ khởi động chương trình du lịch vào ngày 1/6. Người đứng đầu Bộ Y tế tiết lộ kế hoạch sử dụng "chứng chỉ vaccine" nội địa như là "chìa khóa" để mở cửa trở lại các sự kiện văn hóa, xã hội. Ngoài ra, yêu cầu phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng cũng bắt đầu được nới lỏng từ ngày 1/7

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.397 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 765.040 người.

Đến 6 giờ sáng 25/5, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu - Ảnh 3.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 13/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Việt Nam.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 24/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 61 trường hợp không qua khỏi.

Đến 6 giờ sáng 25/5, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu - Ảnh 4.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 24/5 ghi nhận thêm trên 2.710 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 31 người.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 556 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong ngày 24/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 76.042 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 332 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.819.367 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.682.793 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Đến 6 giờ sáng 25/5, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 167,9 triệu - Ảnh 5.

Nhân viên minh họa hình thức xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở tại một phòng thí nghiệm ở Singapore ngày 29/10/2020. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Giới chức Singapore đã phê duyệt tạm thời hình thức xét nghiệm bằng hơi thở có khả năng phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 chỉ trong chưa đầy 1 phút, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.

Công ty khởi nghiệp Breathonix, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết hiện công ty đang phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thí điểm công nghệ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng hơi thở tại một trong những cửa khẩu giữa Singapore với Malaysia.

Việc phân tích hơi thở sẽ được thực hiện song song với xét nghiệm nhanh kháng nguyên của virus SARS-CoV-2, vốn đang được áp dụng bắt buộc hiện nay. Theo các kết quả thử nghiệm lâm sàng mà công ty Breathonix thực hiện tại Singapore vào năm ngoái, xét nghiệm bằng hơi thở đạt độ chính xác hơn 90%.

Hệ thống xét nghiệm bằng hơi thở sử dụng các ống ngậm dùng một lần và được thiết kế để đảm bảo tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Sau khi người làm xét nghiệm thổi vào thiết bị, các hợp chất hóa học trong hơi thở sẽ được phân tích để xác định xem có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Bất kỳ cá nhân nào được khám sàng lọc cho kết quả dương tính sẽ cần phải xét nghiệm PCR để xác nhận kết quả chính xác.