Một trong những biểu trưng văn hóa độc đáo ở đây đó là “Bộ đàn đá người Rắk Lây”. Năm 1979 ông Bo Bo Ren, người dân tộc Rắk Lây ở Khánh Sơn đào được. Bộ đàn gồm 12 thanh đá được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, tạo nên những âm thanh khác nhau. Ông Bo Bo Ren tự xếp 12 thanh đá này thành 2 bộ, mỗi bộ gồm 6 thanh, bộ A có thanh nặng nhất là 9kg, thanh nhẹ nhất 5kg. Bộ B thanh nặng nhất là 28,1kg, thanh nhẹ nhất là 10,5kg. Tổng trọng lượng. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì bộ đàn đá này, đến nay nhiều người Rắk Lây chơi rất hay, âm thanh mênh mang và trong vắt như tiếng của đại ngàn. Nhiều người băng cả trăm km đường rừng đến Khánh Sơn để thưởng thức cách chơi đàn của người Rắk Lây ở Khánh Sơn này.
Bộ đàn đá độc đáo của người Rắk Lây ở Khánh Sơn
Người Rắk Lấy ở Khánh Sơn theo tín ngưỡng đa thần “vạn vật hữu linh”. “Giàng” (trời) là vị thần linh vô hình tối cao nhất. “Giàng” có thể trợ giúp cho con người may mắn hoặc có thể mang tai họa đến cho con người vì vậy người họ thường thờ cúng “Giàng” để không bị trừng phạt chết và cầu cho mùa màng bội thu. Ngoài ra, họ còn thờ cúng các thần như: thần núi (Yang chớ), thần rừng (Yang gla glai). Người Rắk Lây còn biết chế tác các loại tên săn bắn. Nhưng đó là chuyện xa xưa, giờ hầu như không còn ai săn bắn nữa. Ấy thế nhưng ký ức và những mũi tên độc đáo của một thời vẫn còn nhiều người Rắk Lây lưu giữ lại như những vật kỷ niệm vô giá. Pi Năng Hà, một trong những người giỏi làm cung tên tâm sự; các loại phương tiện săn bắn của người Kinh dẫu có hiện đại đến mức nào cũng không bao giờ bằng được các mũi tên này đâu. Xưa kia, con thú hung hãn tới mức nào chỉ cần trúng tên một chặp là chết ngay.
Điều ấn tượng nữa là những người Rắk Lây rất mặn nồng với những đêm hát ca. Họ cho rằng, tiếng hát cũng là một cách gửi đến các vị thần lời ước nguyện. Sau mỗi vụ nương rẫy cực nhọc, họ lại quần tụ hát ca. Những truyện thần thoại kể về các vị thần sáng tạo trời đất, muôn loài. Những truyện cổ tích, những câu tục ngữ, ca dao phản ánh đời sống lao động nương rẫy, phong tục tập quán, đấu tranh chống thiên tai thú dữ, về tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu lứa đôi.