Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đến sáng 22/3, thế giới đã có trên 123,8 triệu người mắc COVID-19

Sáng 22/3, thế giới đã có trên 123,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 2,7 triệu người tử vong vì đại dịch này.

 Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h15 ngày 21/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 123.554.419 ca mắc COVID-19 và 2.723.767 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 99.534.372 người. 

VTV cũng đưa tin, Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 30,5 triệu người mắc và hơn 555.100 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 25.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 11,9 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 294.000 trường hợp thiệt mạng. Ngày 21/3, Brazil báo cáo hơn 47.700 người nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm hơn 47.000 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm lên trên 11,6 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 160.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này. Số ca mắc mới của Ấn Độ từng đạt mức đỉnh gần 100.000 ca/ngày trong tháng 9/2020, sau đó giảm dần nhưng lại tăng trở lại từ cuối tháng 2 vừa qua. Hiện 5 bang gồm Maharashtra, Punjab, Karnataka, Gujarat và Madhya Pradesh chiếm gần 78% số ca mắc mới. Riêng bang giàu có nhất nước này Maharashtra ghi nhận 27.126 ca mắc và 92 ca tử vong.

Đến sáng 22/3, thế giới đã có trên 123,8 triệu người mắc COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel có kế hoạch kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đến tháng 4 tới để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở nước này. Theo một biên bản ghi nhớ vào ngày 21/3, các biện pháp hạn chế sẽ được gia hạn đến một thời điểm chưa xác định trong tháng 4 do tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao hiện nay, chủ yếu do các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Ngày 21/3, Campuchia thông báo đóng cửa tạm thời toàn bộ trường học, rạp hát, trung tâm chiếu phim và bảo tàng trên cả nước để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Các quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh ở Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi phát hiện thêm 58 ca mắc mới COVID-19. Riêng ở thủ đô Phnom Penh, thêm 6 người dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có một bé 2 tháng tuổi. Trong khi đó, tỉnh Kandal tiếp tục là điểm nóng về lây nhiễm COVID-19 với 17 ca mắc mới. Hiện Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 1.690 ca mắc COVID-19, trong đó 3 ca tử vong.

Chính phủ Philippines cùng ngày đã thông báo mở rộng phạm vi áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt chống dịch COVID-19, bổ sung 4 tỉnh giáp ranh vùng thủ đô Manila. Philippines hiện đối mặt với làn sóng mới của đại dịch. nhiều bệnh viện lớn ở vùng đô thị Manila đang quá tải. Ngày 21/3 là ngày thứ 3 liên tiếp Philippines xác nhận số ca mắc COVID 19 lên tới trên 7.000 trường hợp/ngày.

Tại Trung Quốc, các cơ quan y tế đang kêu gọi người dân tiêm vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Phát biểu trong buổi họp báo ngày 21/3, đại diện Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, hơn 74 triệu liều vaccine đã được sử dụng trên khắp Trung Quốc. Tuy nhiên, lúc này tốc độ tiêm chủng đang chậm lại sau khi nhiều người đã tiêm đủ 2 liều. Các quan chức y tế cho rằng, nhiều người nghĩ việc tiêm vaccine không có ý nghĩa thiết thực vì tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát hiệu quả. Những suy nghĩ sai lầm đó khiến người dân không sớm đi tiêm chủng. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm phòng cho 40% trong số 1,4 tỷ dân vào tháng 6.

Nhật Bản đang cân nhắc yêu cầu tất cả khách nước ngoài tới nước này phải xét nghiệm biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Hiện tại, tất cả những người đến Nhật Bản từ 24 nước có ca nhiễm các biến thể mới phải làm thêm xét nghiệm sau khi nhập cảnh 3 ngày. Nhà chức trách cũng giám sát chặt chẽ việc những người này thực hiện tự cách ly trong 14 ngày.

Trước đó, ngày 20/3, Nhật Bản đã thêm 7 nước vào danh sách cần thắt chặt hạn chế nhập cảnh, chủ yếu là các nước châu Âu. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến vẫn còn phức tạp, Nhật Bản đã quyết định sẽ không cho phép khán giả nước ngoài nhập cảnh vào nước này để theo dõi các sự kiện tại thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo.

Tổng cộng đã có hơn 5 triệu người Indonesia được tiêm chủng vaccine COVID-19, trong đó có hơn 2,2 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai. Với kết quả này, Indonesia tiếp tục dẫn đầu chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á về cả tiến độ triển khai cũng như số lượng vaccine đã tiếp nhận. Cho đến nay, Indonesia đã gần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng giai đoạn I cho các nhân viên y tế.

Cụ thể, 98,21% trong tổng số 1.468.764 nhân viên y tế đã được tiêm liều đầu tiên và 83,82% đã nhận được mũi tiêm thứ hai. Ngoài ra, 15,74% trong tổng số 17.327.169 công viên chức nhà nước thuộc diện tiêm chủng đã được tiêm mũi thứ nhất và 5,67% đã được tiêm mũi thứ hai. Trong khi đó, mới chỉ có 4,43% trong tổng số 21.553.118 người cao tuổi thuộc diện tiêm chủng được tiêm liều thứ nhất và 0,04% được tiêm liều thứ hai.