Văn chương Indonesia còn mới mẻ với người đọc Việt Nam, một cái tên như Eka Kurniawan sinh năm 1975, cũng mới tinh như vậy. Nhưng ở Indonesia, đây là một tên tuổi đang nổi bật với ngòi bút đa dạng cho các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch bản phim. Trước khi cuốn tiểu thuyết “Đẹp là một nỗi đau” có mặt ở Việt Nam, sách của Eka Kurniawan đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới. Năm 2016, anh là nhà văn Indonesia đầu tiên được đề cử giải Man Booker International Prize.
Mọi chuyện diễn ra trong đời sống thực, người ta có thể tìm thấy trong văn chương, nhưng mọi chuyện diễn ra trong văn chương cũng có thể không có mặt trong đời sống thực. Sức hấp dẫn của văn chương là nhờ ở cách nó mở ra những thế giới mới, khai thị năng lực tưởng tượng và cải thiện tư duy tượng hình trong người đọc. Và trong tiểu thuyết của tác giả Eka Kurniawan, sức hấp dẫn chính là vẻ đẹp của hiện thực huyền ảo, điều mà nếu đã đọc, ta từng bắt gặp trong “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez.
Câu chuyện hiện thực huyền ảo được xây dựng từ hình tượng một phụ nữ nhan sắc. Cô chết đã hai mươi mốt năm nhưng rồi sống lại. Làm sao để nhà văn miêu tả một con người hoàn toàn bằng xương bằng thịt, trở lại cõi đời từ dưới nấm mồ? Trong đời thực, câu chuyện này có lẽ hoàn toàn là hoang đường, quỷ dị, nhưng trong thế giới của một cuốn tiểu thuyết, câu chuyện này trở nên đẹp dị thường bên cạnh những nỗi đau đớn đời thường, nhưng vượt lên nỗi đau của một số phận cụ thể, nó bao trùm lên nỗi đau của một dân tộc.
Nhà văn tái hiện lịch sử đầy biến động của Indonesia từ thời là thuộc địa của Hà Lan cho tới Thế chiến thứ hai với sự hiện diện bạo tàn của phát xít Nhật, rồi thời độc lập với cuộc xung đột một mất một còn giữa thế lực tư bản đang lên và những người cộng sản trung kiên, thông qua lịch sử của một gia đình gắn liền với thành phố Halimunda, mà trọng tâm câu chuyện nằm ở nhan sắc của những người đàn bà trong gia đình Dewi Ayu.
Đó là một gia đình mà cái đẹp truyền kiếp của những người phụ nữ dường như cũng vừa hoang đường vừa bình thường. Vẻ đẹp ma mị của họ khiến đàn ông say mê còn đàn bà đố kỵ, bởi thế, sắc đẹp trở thành căn nguyên của những lời rèm pha, nguyền rủa dẫn đến mọi đau khổ cho con người. Họ bị ngoại bang cưỡng đoạt, bị xâu xé bởi các thế lực chính trị, những cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Những cuộc yêu đương rồi hôn phối, sinh nở rồi tang tóc bi thương, không bình thường đều gắn với từng giai đoạn đau thương và hồi sinh của lịch sử một dân tộc, lại nhuốm màu sắc tâm linh của một nền văn hóa tin rằng sợi dây kết nối giữa đời thực và cõi âm, giữa người trần và các vị thần là có thật. Nhưng cũng vì thế mà ở đấy có hy vọng, có niềm tin vào quyền năng của điều thiện có thể chiến thắng tà ác. Tác phẩm vì thế còn có màu sắc sử thi.
Điều ít tai ngờ, “Đẹp là một nỗi đau” là tiểu thuyết đầu tay của Eka Kurniawan được viết khi tác giả chưa đầy ba mươi tuổi. Để lại cảm giác day dứt không nguôi thậm chí là đau đớn, choáng váng thực sự trong lòng người đọc, người ta khó tin tác phẩm được viết bởi một cây bút trẻ vốn vẫn được cho là sẽ chưa từng trải nhiều ở tuổi đời ấy. Tác phẩm mới được The New York Times đưa vào danh sách 100 cuốn sách đáng chú ý.
PV/TC GĐ&TE