Bãi biển Dốc Lết Nha Trang.
Cách đây 17 năm, năm 1998, ông là trại trưởng dẫn đoàn nhà văn Hà Nội đi dự trại viết ở trại sáng tác Ba Làng.Trại ở ngay ven biển, cách thành phố gần mười cây số. Hôm mưa lớn nước tràn vào trong sân, tràn vào cả phòng sáng tác. Những năm đó tôi làm ở báo Du Lịch, ban ngày muốn đi lấy tài liệu viết bút ký, tôi phải đến xin phép nhà văn Vũ Bão- trại trưởng: “ anh cho em đi Am Chúa, nơi cách trại hơn 20 cây số , em thuê xe ôm đi tự do, em đi mới chụp được ảnh viết bài”. Anh Vũ Bão cười: “- cô này gớm nhỉ, vừa mới nghe Nguyễn Khắc Phục “gà” cho , đến Nha Trang mà không đi Am Chúa, thì hơi phí. Đã lên đường ngay . Nhưng cứ lặng mà đi, nhớ chưa?”. Tôi vâng, đi ngay.
Chẳng rõ ở trại sáng tác nhà văn Nguyễn Khắc Phục nghe Vũ Bão vào Nha Trang, ông ghé thăm ngay bạn bè, tôi hỏi anh Phục, em nên đi điểm du lịch văn hóa nào nhất ở nơi này, và anh Phục đùa: - cô nên đi Am Chúa,trả 1 triệu đồng nhuận bút, tôi sẽ làm hướng dẫn cho.Vũ Bão cười lớn: để anh trả tiền hướng dẫn viên cho Phục, cô thuê xe ôm đi cẩn thận đấy. Anh Vũ Bão nhìn đi nơi khác .Mãi sau này tôi mới hiểu cách quay đi của anh.
Hôm đó mưa, xuống làng ven biển làm nước mắm . Áo quần còn ướt nhẻm. Tôi đi thêm hơn hai chục cây số xe ôm đi Am Chúa. Am Chúa ở trên núi cao. Leo lên gần cả trăm bậc mới tới Am Chúa. Nơi thờ nữ thần Pô Na gar, dân làng tôn vinh là Bà chúa sườn núi Đại An. Dọc đường đi Am Chúa đẹp như tranh thủy mạc xưa, những vạt dưa hấu, những quả dưa thẫm xanh nằm lăn lóc trên mặt ruộng đất nâu; những vạt ra , đậu cũng mướt mát khắp cánh đồng, đi qua một làng cổ Diên Khánh, ngước nhìn chùa cổ Long Sơn, nhìn những khách du lịch Châu Âu gặp mưa cùng ướt lướt thướt, nhưng ai cũng nhìn nhau mỉm cười. Đi thực tế đánh lẻ làm báo, lấy tiền nuôi con thơ , nhà văn Vũ Bão rất thấu hiểu. Chuyến đi trại sang tác năm đó tôi đi được hết cả Hòn Tằm, Hòn Mun, cũng là đi kiểu “trốn” trại đi lẻ. Rồi đi hết các vệt chùa cổ ở Khánh Hòa do một người cháu bạn tôi đưa đi. Mỗi lần đi lẻ, tôi thường báo cáo rất rõ với nhà văn Vũ Bão, rằng tôi đi đâu, làm gì. Ông nghe báo cáo, cái sự đi của tôi, không nói gì chỉ mỉm cười.
Nhà văn Vũ Bão.
Khi ra tàu bế mạc trại sáng tác ông mới bảo tôi: “ thật ra , cô đi một mình ở nơi lạ nước lạ cái, anh rất lo, anh phải xin số điện thoại cái tay xe ôm chở cô đi, còn biết đường mà gọi, nhỡ có điều gì không may thì anh có tội với Triệu Bôn. Cô biết không, anh cũng từng viết báo è cổ ra đấy, để kiếm tiền nuôi con. Bây giờ, thấy cô cứ tạt ngang, tạt dọc đi viết . Đi như cánh đàn ông như tôi quăng quật đã đành, thân đàn bà, đi đơn lẻ, không lo buồn sao được. Nhưng cô vẫn nhớ là nộp bản thảo cho trại viết đấy, xong tập thơ thì nộp đi.
Hôm thấy cô đi vào làng làm nước mắm dưới Diên Khánh, nghe nhà văn Trần Chiến bảo cô đi chụp lại bức ảnh chân nhân vật làm nước mắm rút nõ, về ướt như chuột. Anh đã từng uớc, giá như Triệu Bôn, nó không ốm thì đã không để cho vợ con khổ thế này. Một nhà có hai người viết thì thật khó gấp đôi.Đó là lần nhà văn Vũ Bão thở dài,mắt nhìn xa thẳm.
Sau lần đó ông bị tai biến mạch máu não. Chân đi lại tập tễnh , mà hễ đi lĩnh nhuận bút thấy có bài của Triệu Bôn ông lĩnh hộ rồi tập tễnh đem đến nhà, có lần còn bảo tôi: Có đủ mua một liều thuốc cho bộ não giá cao không? Tôi im lặng buồn. Thấy trân trọng một tình bạn đầy tinh thần trọng nghĩa, trọng nghề . Nhờ có lần ở biển Nha Trang mưa, kéo dài, bãi cát trắng quá , nghe Vũ Bão nhớ lại, anh từng đi chở từng bao tải cát bằng xe đạp ở bến sông Hồng về để tôn nền ngôi nhà mình đang ở. Anh chở bao tải cát từng ngày, giống như con kiến tha lâu ngày mà từ cái ao sang lấp được như ngày hôm nay, đó cũng là thành tích của con kiến càng Vũ Bão. Hồi anh viết:tiểu thuyết Sắp Cưới mới vấp phải họa văn chương. Anh từng phải đi Thái Bình, đi như kiểu “Lâm Xung đi đày ở Thương Châu”…Ngày ấy buồn lê thê, cô còn trẻ chưa thấm được cái thời của bọn anh đâu.
Những ngày buồn là chính, ngày vui là phụ. Và tôi chỉ biết lắng nghe. Lắng nghe.
Sau này anh viết đủ thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim.Có thể nói, tình bạn của anh và nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng đáng để ngẫm ngợi lắm. Nguyễn Khắc Phục luôn tận tụy với Vũ Bão. Anh Phục lo từng chiếc vé máy bay cho hành trình đi viết kịch bản phim của Vũ Bão, có khi lo cho bạn từ chiếc bật lửa điếu thuốc lá. Hình như Nguyễn Khắc Phục yêu Vũ Bão theo cách riêng của anh.Vũ Bão có lần hé lộ,kể “tội” của Nguyễn Khắc Phục đối với tớ , nó mà biết, là nó bỏ tớ đấy. Thôi tớ không dại gì vì chén rượu mà dại lời.Tình bạn văn chương mà. Phục tốt đến nỗi không thể chịu được.
Tập hồi ký nhà văn Vũ Bão viết những ngày cuối đời, NXB Hà Nội và Phương Nam Book xuất bản tháng 11/2011.
Mới lại mình cũng quí cái cách lao động của Phục, mấy ai lao động chữ nghĩa được như Phục. Hắn lao động như tên tù khổ sai. Người viết ai chả lao động, đằng này hiệu quả và chất lượng của Phục cũng đáng nể.
Lại nói đến lao động văn chương,Vũ Bão cười cười. Còn một người quan trọng với anh, đó là nhà văn Hồ Anh Thái nữa, cứ vừa mới gặp lần trước nói đi đâu đó, nước nào đó , vừa mới về. Thái đi nước ngoài, như anh và cô đi xuống Thái Bình, Nam Định Bắc Giang về, lần sau đã thấy có tập sách. Cậu ấy lao động mới kinh. Anh chỉ tiếc sức mình không còn làm được nhiều nữa rồi. Giá có sức khỏe để được đi. Đi với nhà văn Vũ Bão thấy anh biết lắng nghe rất kỹ nhà văn trẻ, xem họ đang nghĩ gì, và nghĩ gì khác với thế hệ mình.
Vậy mà thoắt đã năm năm ngày mất của nhà văn Vũ Bão. Nhân ngày gia đình đưa ông về quê Thái Bình nguồn cội. Chuyến đi biển Nha Trang này, nhớ lại một chút kỷ niệm về nhà văn, một nhân cách, một nhà văn chân chính, ông từng viết“… suy nghĩ về lẽ đời bằng cái đầu của mình, đi bằng đôi chân của mình, và không bao giờ viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong”