Phát huy tiềm năng di sản để phát triển du lịch bền vững
Sự phát triển của du lịch có tác động trực tiếp vào việc chấn hưng và bảo tồn các di sản văn hóa. Du lịch góp phần làm cho các di tích sống lại, vì du lịch tạo điều kiện đưa di sản văn hóa đến với công chúng, được khẳng định giá trị bởi công chúng. Khi di sản được khẳng định giá trị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
Thực tế minh chứng, di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa là động cơ lôi cuốn, là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế - xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa.
Với hàng ngàn điểm di tích, làng nghề truyền thống, mang trong mình bề dày lịch sử, văn hóa, Hà Nội đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước, tiếp sức mạnh mẽ cho cả chất lượng giáo dục, công tác bảo tồn di sản và phát triển du lịch.

Di tích Cổ Loa.
Ý thức được vai trò, tầm quan trọng của ngành kinh doanh du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của di sản giàu có của Thủ đô, các cơ quan, ban, ngành chức năng đã có một số chính sách trong quản lý du lịch tại di sản, tạo tiền đề cho việc khai thác các giá trị di sản, giúp cho các giá trị di sản được nhận diện, được biết đến bởi khách du lịch. Ngành du lịch thành phố đã có những bước đi cụ thể. Nhiều di tích trên địa bàn Hà Nội đã có những sản phẩm du lịch di sản như: “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích nhà tù Hỏa Lò, chùa Một Cột, các tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”, “Hà Nội bộ hành”… gắn với các điểm đến thú vị như đình Đồng Lạc, cầu Long Biên, tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… và nhiều tuor du lịch khác. Sự phong phú, hấp dẫn của các di sản Hà Nội là cơ sở để thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế.
Nhiều nhà quản lý du lịch Hà Nội cho rằng, yếu tố cốt lõi để đưa di sản tới gần hơn với du khách là các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Quá trình khai thác du lịch cần được gắn kết với bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng khách.
Phát triển du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt
Nhiều năm qua, nhằm thu hút, hấp dẫn khách, các di sản, các lễ hội đã được khôi phục lại, những di sản có cơ hội quay trở lại với đời sống thực tại của người dân.
Với vai trò của ngành Du lịch là khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, góp phần vào xây dựng và phát triển Thủ đô, ngành Du lịch thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên phát triển du lịch văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm, điểm đến du lịch. Bên cạnh đó là tiếp tục công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các giá trị, công trình di sản, văn hóa, di tích lịch sử, làm phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho việc phát huy, phát triển phục vụ kinh tế du lịch. Bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị di sản văn hóa vật thể được đặt trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị.

Làng cổ Cự Đà, điểm du lịch cuối tuần hấp dẫn.
Du lịch văn hóa đang trở thành xu thế chủ đạo trong việc phát triển của ngành Du lịch. Thủ đô Hà Nội giàu tiềm năng di sản, sự nhận thức đúng về mối quan hệ giữa di sản văn hóa và hoạt động du lịch sẽ tạo nên sự tương tác tích cực giữa bảo tồn và phát triển, văn hóa và du lịch trong phát triển bền vững. Khai thác và phát huy di sản văn hóa phải được coi là một nguồn tài nguyên tạo nền móng cho hoạt động du lịch. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với việc phát triển du lịch, vừa bảo đảm lợi ích kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Du lịch Hà Nội từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch di sản, từ đó nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các chương trình du lịch mang tính đặc thù, mới lạ với du khách trong và ngoài nước; Nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hóa; Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế chủ động đầu tư, đổi mới trang thiết bị, công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, mở rộng liên doanh, liên kết… chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều chính sách của Thành phố đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các nguồn vốn, mở rộng thị trường, coi trọng việc xây dựng và quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh… Cùng với đó là chiến lược, kế hoạch dài hạn để tuyên truyền, quảng bá du lịch, tuyên truyền việc bảo tồn di sản văn hóa ở Hà Nội với quy mô lớn hơn, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Hà Nội là một trong những địa bàn tập trung nhiều di tích lịch sử, văn hóa của cả nước. Nơi đây cũng có rất nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Nguồn tài nguyên nhân văn quý báu đó chính là nội lực to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển du lịch của Hà Nội.
Thành Sơn/GĐTE