Khi người dân sống trong di sản

Cổng làng Đường Lâm.
Đây là ngôi làng duy nhất còn lưu giữ được nguyên vẹn cấu trúc và nếp sinh hoạt của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ. Nơi đây như một “Bảo tàng sống” lưu giữ những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng nghìn năm: Từ đình Phùng Hưng, đền Ngô Quyền tới đền thờ bà chúa Mía... Đặc biệt, ở Đường Lâm còn giữ lại được những cây đa, cổng làng, đình làng, giếng nước có hàng trăm năm tuổi, bên cạnh đó là gần 300 ngôi nhà cổ truyền thống với đường nét kiến trúc từ thế kỷ 17 - 18 cùng phong tục tập quán tín ngưỡng được gìn giữ bất biến qua nhiều đời.
Vốn là một làng quê có hơn một nghìn năm xây dựng và tồn tại liên tục, con người ở đây, thế hệ nọ nối thế hệ kia, đã sáng tạo và gìn giữ một kho tàng di sản văn hóa vô cùng phong phú và bền vững. Tự hào về làng quê mình, bao lớp thế hệ Đường Lâm từ ngày xưa đến nay luôn phát huy, gìn giữ tinh thần khuyến học nền nếp, con cháu noi gương cha ông rèn luyện ý chí, tinh thần. Đây thực sự là món quà có ý nghĩa về mặt vật chất và tinh thần cho những người dân của làng cổ Đường Lâm, làm cho họ ý thức hơn về nơi mình đang sống.
Kho tàng di sản văn hóa ấy trải qua hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, cùng với những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, không ít di sản văn hóa ở Đường Lâm bị thiên nhiên, chiến tranh và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đang làm thay đổi diện mạo ở đây với tốc độ ngày càng đáng lo ngại. Nhiều căn nhà mới hai, ba tầng đã mọc lên, đang hình thành những dãy nhà cao tầng quanh các khu di tích. Bên cạnh sự biến dạng của di sản văn hóa vật thể, các di sản văn hóa phi vật thể cũng đang bị mai một nhanh chóng.
Trước một vùng đất còn bảo tồn được những nét đặc trưng của làng quê Việt Nam cổ truyền, từ nhiều năm qua, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp và tôn tạo di tích, Nhà nước và nhân dân địa phương đã đầu tư tu bổ một số di tích trong khu vực này như chùa Mía, đình Phùng Hưng, đền - lăng Ngô Quyền... Để lưu giữ “hồn” làng Việt cổ, tháng 5/2006, thị xã Sơn Tây cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập kế hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các Di tích Văn hóa - lịch sử của làng cổ Đường Lâm, trong đó có sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ chức Jaica - Nhật Bản tham gia trùng tu, tu bổ các di tích, nhà cổ... Tuy muộn nhưng việc hỗ trợ đầu tư, tu bổ nhà cổ đã nhận được đánh giá cao của người dân làng cổ. Những bức xúc của người dân đang từng bước được giải tỏa, trước hết là đảm bảo nơi sinh sống, người dân không phải ở trong những căn nhà xuống cấp. Hơn nữa, nhiều nhà cổ được "hồi sinh" đã mang sức sống mới, không chỉ tạo diện mạo đẹp cho di tích làng cổ mà trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan.
Cũng từ đó, các lớp tập huấn được mở ra, nhằm nâng cao nhận thức về giá trị và trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cảnh quan di tích cho cán bộ và nhân dân trong xã. Nhiều dự án được tu bổ di tích, hỗ trợ kinh phí cho những hộ dân có nhu cầu xây nhà, mua đất ngoài vùng Di tích làng cổ Đường Lâm cũng được quan tâm.

Đình Mông Phụ.
Di sản thuộc về cộng đồng
Tuy nhiên, việc đầu tư riêng lẻ cho các di tích chưa đáp ứng được yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể các di sản văn hóa của một khu làng cổ, vừa dày về lịch sử, vừa chứa đựng những di sản văn hóa có giá trị cao như ở Đường Lâm. Vì vậy, cần có một dự án quy hoạch tổng thể, để có thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách tốt hơn, bài bản hơn. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở đây, một mặt vừa phải bảo vệ và tôn vinh được các giá trị văn hóa, vừa không được làm ngắt mạch dòng chảy lịch sử. Thực tiễn, Làng cổ Đường Lâm với gần 1.500 hộ dân và hơn 6.000 nhân khẩu đang hàng ngày sinh sống, tạo ra sức ép lớn đối với di sản. Khi làng được mang danh Di tích cấp quốc gia từ năm 2005 đến nay, cũng là lúc người dân Đường Lâm phải tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản văn hóa đối với các hoạt động liên quan đến di tích. Nhà muốn cơi nới, xây dựng phải có sự thỏa thuận, sau là cấp phép của cơ quan chức năng; khi xây dựng phải tuân thủ quy định chiều cao, khoảng lùi, thiết kế… để phù hợp với không gian, cảnh quan, kiến trúc của làng.
Nhiều gia đình có tới ba thế hệ với khoảng10 nhân khẩu cùng sinh sống trong căn nhà rộng vài chục mét vuông; muốn cơi nới, xây dựng lại để làm chỗ sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn. Nhà cổ là sở hữu của người dân, một số trường hợp nhà cổ không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên người dân tự phá dỡ để xây mới. Điều đó đòi hỏi không chỉ những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà cả các cấp các ngành hữu quan và người dân địa phương cần phải có những ứng xử phù hợp trong lĩnh vực quản lý, bảo quản, tu bổ các làng cổ.
Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản đã xong, đảm bảo trong năm 2018 có thể thực hiện giãn dân. Không ít những khó khăn được đề cập: Để xây dựng được khu giãn dân đã khó, nhưng khó khăn hơn là việc tổ chức đưa người dân ra ngoài khu vực này. Bởi nhiều người muốn ở lại làng cổ, không muốn thay đổi nơi ở. Mặt khác, nếu chi phí đầu tư khu giãn dân của mỗi hộ gia đình ở mức cao, người dân cũng không đủ kinh phí để đầu tư xây dựng. Vì vậy, cần có cơ chế hỗ trợ các hộ dân nằm trong diện giãn dân về tiền sử dụng đất và một phần kinh phí xây dựng, nhằm đảm bảo công tác giãn dân đạt được đích cuối cùng.
Khi có quyết định điều chỉnh khoanh vùng, thị xã Sơn Tây cũng đang tiếp tục đề xuất lập hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm, nhằm thực hiện công tác quản lý theo quy định. Dù gặp muôn vàn khó khăn trong việc hài hòa lợi ích giữa hai bên, nhưng các cơ quan chức năng đang từng bước tháo gỡ những bất cập này.

Nhà cổ truyền thống ở Đường Lâm.
Phần lớn kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô đều thuộc về cộng đồng. Chủ nhân của những lễ hội, những tri thức dân gian... đều là những cộng đồng làng, xã cụ thể. Thời gian qua, cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị. Di sản thuộc về cộng đồng và cộng đồng cũng luôn đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn.
Từ thực tiễn ở Làng cổ Đường Lâm có thể rút ra bài học kinh nghiệm: Chúng ta cần xây dựng một mô hình quản lý để phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Trong mô hình này, các nhà quản lý đóng vai trò định hướng, tạo môi trường để cộng đồng địa phương tham gia một cách trực tiếp vào hoạt động bảo tồn, bảo quản, tổ chức các sự kiện liên quan đến di tích. Chỉ khi bảo đảm được lợi ích của cộng đồng địa phương nơi sở hữu di sản, lợi ích của Nhà nước thì di sản mới trở thành động lực phát triển, mới được bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài.
Ths. Bùi Ái Nga/GĐTE