Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Kinh tế

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh

(Dân sinh) - Chiều 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Báo cáo và Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Năm 2020, thu ngân sách nhà nước đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự kiến kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước.

Báo cáo thẩm tra về nội dung này do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày cho biết, dự ước cả năm 2020 thu NSNN đạt 1.323,1 nghìn tỷ đồng, hụt 189,2 nghìn tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán. Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định, nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán. Về chi NSNN, ước thực hiện tổng chi là 1.686,2 nghìn tỷ đồng, giảm 60,89 nghìn tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.

Về bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38,5 nghìn tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357,96 nghìn tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Về dự toán NSNN năm 2021, Chính phủ đề nghị tăng tổng thu NSNN 1,5% so với ước thực hiện năm 2020 (giảm 11,1% so với dự toán năm 2020), đây là mức tăng thận trọng, nhưng khá thấp so với tính toán trong kịch bản tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao (6-6,5%). Dự toán tổng chi NSNN là 1.687 nghìn tỷ đồng, giảm 3,4% (giảm 60,1 nghìn tỷ đồng) là phù hợp với tốc độ giảm thu cân đối NSNN. Trong đó, cơ cấu chi NSNN dự kiến tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư; chi đầu tư phát triển dự kiến tăng 1,4% so với dự toán 2020, đây là mức tăng hợp lý so với cân đối ngân sách.

Tuy nhiên, trong điều hành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ lưu ý vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN từ năm 2021 trở đi theo Luật Đầu tư công chỉ được sử dụng đến ngày 31.1 của năm sau, số dư dự toán sẽ phải hủy bỏ, không được chuyển nguồn như những năm trước.

Dự kiến bội chi NSNN năm 2021 khoảng 4% GDP điều chỉnh, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, đề xuất này là chấp nhận được. Có ý kiến đề nghị Chính phủ giữ mức bội chi NSNN dưới 4% GDP điều chỉnh (khoảng 3,9%) để kiểm soát chặt chẽ bội chi ngay từ năm đầu tiên của Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra

Năm 2025, Chính phủ giảm bội chi xuống mức thấp hơn 3,5% GDP

Về kết quả thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự phối hợp có hiệu quả của cả hệ thống chính trị, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản đạt và vượt nhiều mục tiêu đề ra như về tỷ lệ động viên vào NSNN từ GDP. Về cơ cấu lại chi NSNN đã tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN; bội chi, nợ công so với GDP thấp hơn so với mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hạn chế, đó là về thu NSNN, một số mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội chưa được thực hiện, chưa bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế trực thu và thuế gián thu. Về chi NSNN, còn tồn tại tình trạng chi tiêu lãng phí, vượt tiêu chuẩn, vượt định mức, không đúng mục đích vẫn xảy ra; vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương chưa được bảo đảm, chậm triển khai thực hiện quy định của Nghị quyết số 25/2016/QH14 về việc "từng bước thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ (kết quả đầu ra)". Công tác phân bổ, giao vốn đầu tư phát triển, giải ngân, điều chỉnh, quyết toán, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc sử dụng vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế. Quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài còn chưa hiệu quả. Chi ngân sách cho một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều năm không đạt dự toán.

Về Kế hoạch tài chính 5 quốc gia năm 2021-2025, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ giải pháp trong kế hoạch tài chính 5 năm tới.

Mặc dù vậy, về thu NSNN, để bảo đảm tính khả thi của các chỉ tiêu kế hoạch, Ủy ban đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về cơ sở của dự báo mức tăng trưởng 6,5 -7% của giai đoạn 2021-2025, về đề xuất tổng thu NSNN cả giai đoạn khoảng 7,8 triệu tỷ đồng và chỉ tiêu tăng thu nội địa bình quân khoảng 8,8%/năm. Về chi NSNN, do tình hình cân đối NSNN còn khó khăn trong giai đoạn tới, đề nghị Chính phủ kiên quyết siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương tài chính. Thực hiện chính sách kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, tiết giảm mạnh chi thường xuyên, phấn đấu đạt khoảng 61% tổng chi NSNN đến năm 2025.

Về bội chi NSNN, mức bội chi NSNN bình quân 5 năm khoảng 3,7% GDP điều chỉnh là khá cao so với tỷ lệ bội chi của giai đoạn 2016-2020. Do đó, đề nghị đến năm 2025 Chính phủ cần giảm xuống mức thấp hơn 3,5% GDP.