Tuy nhiên, có không ít người vì thiếu hiểu biết, mê muội quá mức, sẵn sàng chi rất nhiều tiền để dâng sao, giải hạn mà không biết rằng dâng sao không thể giải được hạn!
Chi tiền “mua” sự an tâm
Là người kinh doanh nên chị Hoàng Minh Hòa (quận Hà Đông, Hà Nội) rất quan tâm đến việc thờ cúng, đi lễ. Năm nay, chị Hòa 34 tuổi - sao Thái bạch nên chị lo ngại hao tiền tốn của và vướng vòng lao lý. Vì thế, để "mua" sự an tâm cho năm mới, chị Hòa đã chi cả chục triệu đồng mở khóa lễ dâng sao giải hạn tại nhà.

Từ mùng 6 tết, chị đã mời thầy lập đàn cúng dâng sao giải hạn. "Tôi hy vọng lễ càng lớn càng thể hiện lòng thành, mong thần thánh phù hộ cho công việc và cuộc sống ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, năm nay tuổi của tôi rơi vào sao xấu nên muốn dâng sao giải hạn sớm để được bình an", chị Hòa chia sẻ.
Trường hợp của chị Hòa không phải ngoại lệ. hàng năm cứ đến tháng Giêng, nhiều người tìm đến chùa, đền, phủ để cầu an, cúng dâng sao giải hạn. Năm nay, anh Minh Tuấn (Hà Nội) 42 tuổi.
Theo cách tính của các cụ, tuổi của anh thuộc sao rất xấu, vừa bị sao Kế đô lại gặp Tam tai và phạm Thái tuế, có thể gặp tai nạn, bệnh tật, tang gia. Vốn không quá mê tín nhưng dịp tết vừa qua anh bị mất điện thoại, nên cả nhà đều cho rằng, do sao xấu chiếu mạng nên mới mất của, phải tìm nơi để dâng sao, giải hạn.
Ngoài các thủ tục chung, anh Tuấn chi thêm vài triệu đồng mua ngựa giấy và người giấy làm hình nhân thế mạng, hy vọng thần thánh chở vận xui đi xa và gánh giúp những điều không may mắn.
“Lúc đầu tôi không quá tin nhưng sau khi bị mất điện thoại ngay dịp tết trùng với năm sao xấu thì bán tín bán nghi. Thôi cứ chi ít tiền để dâng sao, giải hạn để an tâm”, anh Tuấn nói.
Năm nào gia đình chị Nguyễn Minh Tuyết (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đi làm lễ cầu an, giải hạn cho gia đình tại chùa Kim Liên, dù có những năm không thành viên nào bị sao xấu “chiếu mệnh”.
Chị Tuyết quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” và cho rằng: “Cầu an, giải hạn không giúp người ta tránh hết được khó khăn nhưng tôi nghĩ có tâm làm lễ vẫn tốt hơn là không làm gì. Nhiều người khác cũng làm nên tôi thấy chuyện này bình thường, không có gì nghiêm trọng”.
Dâng sao, giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật
Thượng tọa Thích Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội cho biết, lễ dâng sao, giải hạn là phong tục có từ xa xưa. Lễ này được thực hiện đúng vào ngày rằm tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu. Theo quan niệm trên bầu trời có 9 ngôi sao quan trọng, như sao Thái dương biểu thị cho mặt trời, Thái âm là mặt trăng, sao Kim, Mộc, Thuỷ, Thổ, Hoả…
Thêm hai ngôi sao liên quan đến văn hóa Ấn Độ là La hầu, Kế đô hợp thành hệ thống cửu tinh. Người ta quan niệm bất kể ai sinh sống trên trái đất đều bị ảnh hưởng của vũ trụ, mặt trăng, mặt trời, hệ thống sao ngũ hành. Trong số đó, có sao "tốt", có sao "xấu". Khi những ngôi sao vận hành chiếu đến sẽ ảnh hưởng đến mùa màng, thời tiết, sức khoẻ, tinh thần, phúc lộc của con người.
“Trước ý nghĩa như vậy, người dân khi thực hành nghi lễ dâng sao với mong muốn "đuổi" sao xấu là hoàn toàn không đúng. Thay vào đó, khi một năm mới bắt đầu, việc mỗi người được ngôi sao nào chiếu mạng đều nhằm để răn dạy mỗi người soi xét lại bản thân, làm điều có ích, đúng với đạo lý.
Nếu người nào được sao tốt thì cũng không nên chủ quan, vui mừng mà phải cố gắng lao động, sản xuất, làm việc tốt để vun đắp phúc đức. Ngược lại, nếu gặp sao xấu, phải cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tu sửa bản thân”, Thượng tọa Thích Tiến Đạt nhấn mạnh.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, sở dĩ có nhiều người tin vào chuyện dâng sao, giải hạn đầu năm là do bây giờ con người gặp quá nhiều bất trắc trong cuộc sống. Càng gặp những khó khăn, trắc trở con người lại càng tin vào thần linh, dẫn đến câu chuyện tràn lan việc cúng bái để dâng sao, giải hạn, xin cầu.
Chuyên gia Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, cần tôn trọng tín ngưỡng nhưng phải bài trừ mê tín dị đoan, bởi mê tín không làm cho xã hội phát triển theo hướng văn minh.
Tuy nhiên, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là rất mong manh. Đối với hoạt động dâng sao, giải hạn thực tế chỉ nhằm đáp ứng tâm lý người tin theo. Có nhiều người không theo cúng sao, nhưng cuộc sống vẫn thuận lợi, may mắn, phát triển. Tín ngưỡng có thể tùy chuyện tin hay không tin, nhưng mê muội vào điều mê tín thì hoàn toàn không nên.
TS Hán nôm Lê Trung Kiên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội khẳng định, dâng sao, giải hạn không có trong giáo lý đạo Phật.
“Ngày nay, lễ dâng sao, giải hạn bị biến tướng khiến những người bị phán gặp sao xấu sẵn sàng đến đình, đền, miếu, phủ làm mọi nghi thức thông qua lễ dâng sao để hóa giải như lập đàn, cắt tiễn sao, đốt hình nhân thế mạng, đốt vàng mã... tốn kém, gây lãng phí. Đây là việc làm đi ngược với giáo lý nhà Phật, bởi đạo Phật chỉ có chính tín chứ không lạc vào mê tín tà kiến.
TS Nguyễn Đức Hiển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Văn hóa truyền thống Việt Nam cho rằng, vận mệnh của mỗi người cũng không do sao chiếu mệnh, mà là do nghiệp chướng, được hình thành từ "thân, khẩu, ý" - tức là lời nói và hành động.
Điều tốt, xấu mà mỗi người nhận được là hệ quả của luật nhân quả. Hành động đúng và làm nhiều việc thiện sẽ hưởng phúc, ngược lại làm việc xấu sẽ gặp quả báo.
Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng tâm linh để trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan, bày vẽ lễ nghi xa hoa, lãng phí, làm sai lệch ý nghĩa ban đầu. Thậm chí có người coi việc chi tiền giải hạn giống như mua “bảo hiểm tâm linh” để tránh xui xẻo.
Việc này cũng giống như dâng cúng lễ vật để "mặc cả" với thần linh, khấn xin được điều này, điều kia. Thay vì chú trọng làm lễ dâng sao, giải hạn hay lo lắng vì vướng sao xấu, mọi người nên chủ động "tự giải hạn" cho chính mình, như: Cẩn trọng trong lời nói, giữ tâm thanh tịnh, giúp đỡ người nghèo khổ và không làm việc phi pháp để sống an bình, tránh xa vòng lao lý.
“Gieo nhân nào gặt quả đó”, thành công hay thất bại do chính chúng ta tạo ra từ tâm, khẩu và ý. Nhân duyên xấu sẽ mang lại quả xấu, nhân duyên tốt sẽ đem lại quả tốt.
PGS, TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, việc đi lễ đầu năm cầu may và tiễn điều xấu thể hiện niềm tin vào những điều linh thiêng nhưng cần thực hành một cách đúng đắn.
Nếu cúng lễ lớn có thể giải được vận hạn thì tai nạn giao thông, ly hôn, bạo lực gia đình, cướp bóc, thiên tai và những rủi ro khác đã không xảy ra. “Mỗi người tự tạo “nghiệp” của mình từ hành động đã làm, không phải từ sao chiếu mệnh tốt hay xấu.
Cũng không nên tin rằng khi làm xong lễ giải hạn, điều xui rủi sẽ không xảy đến và kỳ vọng vào phép màu từ "bề trên" để giải quyết mọi vấn đề. Quy luật tự nhiên của đời người có lúc thăng lúc trầm, không phải cúng dâng sao giải hạn có thể xua đuổi sao xấu và ngăn ngừa mọi điều không may," ông Trung khẳng định.
Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 18