Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Doanh nghiệp "kiệt sức" xin dừng “3 tại chỗ”

(Dân sinh) - Nhằm thực hiện "mục tiêu kép", không làm đứt gãy chuỗi sản xuất vì dịch Covid-19, nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất "3 tại chỗ" (sản xuất – ăn – nghỉ tại chỗ) và "1 cung đường, 2 điểm đến" (doanh nghiệp bố trí chỗ ăn nghỉ cho công nhân, người lao động ở cùng một địa điểm, tổ chức sản xuất tại một địa điểm và đưa đón họ trên một tuyến đường). Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, rất khó để áp dụng lâu dài, bởi thực tế triển khai phương án trên phát sinh nhiều bất cập.

Hiện nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang... cũng gặp khó khăn khi tổ chức lao động ăn nghỉ, làm việc tại nhà máy. Vướng mắc lớn nhất là thời gian thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài khiến cho tình hình sản xuất, đời sống và chi phí tăng cao. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp ở phía Nam xin dừng thực hiện "3 tại chỗ".

Nhà máy Công ty cổ phần dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) có 4.400 lao động. Theo yêu cầu của chính quyền thành phố, doanh nghiệp tổ chức cho 2.200 công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ, giảm quy mô sản xuất còn 50%.

Doanh nghiệp phía Nam kiệt sức xin dừng “3 tại chỗ” - Ảnh 1.

trong quá trình thực phương án "3 tại chỗ" xảy ra nhiều khó khăn và bất cập

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty nói nhà máy dự đoán lao động ở lâu sẽ mệt mỏi, tù túng nên cố gắng chăm sóc tốt nhất từ ăn uống, ngủ nghỉ. Thế nhưng sau 25 ngày hoạt động, số công nhân "rơi rụng dần", hiện còn khoảng 1.800 người bám trụ.

Cũng theo ông Tuấn, khi doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", kinh phí tăng cao nhưng năng suất chỉ đạt một nửa, nên không có lời. Riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc mầm bệnh tiêu tốn của nhà máy hơn 2 tỷ đồng. Trong 10 ngày đầu, công ty 3 lần xét nghiệm cho công nhân, chi phí mỗi mẫu test là 300.000 đồng, sau đó thực hiện định kỳ hàng tuần. Ngoài lương, lao động được trả thêm 80.000 đồng mỗi ngày. Công ty đầu tư hơn 1tỷ đồng mua chăn màn, chiếu gối, lắp các khu tắm giặt dã chiến, nhà vệ sinh, sân phơi đảm bảo sinh hoạt cho công nhân.

"95% đơn hàng của dệt may Thành Công đem đi xuất khẩu. Trong điều khoản hợp đồng, đối tác loại trừ lý do giao hàng chậm, trễ vì dịch bệnh, nên doanh nghiệp phải sản xuất đảm bảo tiến độ để không bị phạt số tiền rất lớn, chưa kể mất khách hàng. Hiện nhà máy tìm mọi cách động viên công nhân nhưng "cố lắm cũng chỉ đến được ngày 15/9 là buông", ông Tuấn cho hay.

Không gắng gượng được như dệt may Thành Công, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) đã xin dừng "3 tại chỗ" sau 2 tuần hoạt động dù trước đó phương án được Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM và ngành y tế đánh giá rất tốt. Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 600 triệu đồng cho công nhân ăn, ở và làm việc tại phân xưởng.

Không chỉ ở TP.HCM mà Bình Dương cũng không khả quan gì hơn, ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (TX. Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết: Sau gần 15 ngày thực hiện phương án sản xuất "3 tại chỗ", doanh nghiệp bắt đầu phát sinh nhiều khó khăn, rắc rối.

Doanh nghiệp phía Nam kiệt sức xin dừng “3 tại chỗ” - Ảnh 3.

Thường xuyên tổ chức xét nghiệm Covid cho công nhân theo định kỳ hàng tuần, đây là một trong những gánh nặng của doanh nghiệp

Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm, nhưng việc tiêu thụ gặp khó khăn. Đặc biệt, trong khâu chuyển giao, đi lắp đặt cho đối tác, khách hàng bị ngưng trệ do giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập về bị hạn chế do cảng Cát Lái bị quá tải; điều này khiến doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất.

Đánh giá về phương án sản xuất "3 tại chổ" bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương cho biết: Khi thực hiện phương án này doanh nghiệp phải cho công nhân, lao động cùng ăn, ở một chỗ và phải ý thức rất cao.

Việc cung cấp thức ăn ngày 3 bữa cũng không phải đơn giản khiến chi phí phát sinh, đồng thời phải thường xuyên tổ chức xét nghiệm Covid cho công nhân theo định kỳ hàng tuần, đây là một trong những gánh nặng của doanh nghiệp.

Tại TP.Biên Hòa, Công ty TNHH Schaeffler ở KCN Amata có 600 người lao động nhưng chỉ bố trí cho 100 lao động thực hiện phương án "3 tại chỗ"; Công ty TNHH Hossack Việt Nam  KCN Loteco có 850 công nhân nhưng chỉ có 286 người đăng ký lưu trú trong nhà máy; Công ty TNHH Quốc tế Fleming Việt Nam ở KCN Amata có 2 ngàn lao động nhưng chỉ gần 1,2 ngàn đăng ký ở lại….

Muốn tổ chức cho lao động tạm trú tại các nhà máy, doanh nghiệp phải có đủ nhà xưởng, bố trí nơi ăn, ở đảm bảo được khoảng cách an toàn để phòng tránh dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, khi phát sinh các tình huống xấu như xuất hiện ca F0 phải có nơi tạm cách ly F0, F1. Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho hay: "DN muốn thực hiện lưu trú cho người lao động tại công ty để tiếp tục sản xuất phải đăng ký với Ban Quản lý các KCN Đồng Nai để Ban Quản lý hướng dẫn, rà soát, nếu DN đảm bảo điều kiện mới chấp thuận cho triển khai phương án "3 tại chỗ" để tiếp tục sản xuất. Tuy nhiên, thời gian vận dụng kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp kiệt sức".

Doanh nghiệp phía Nam kiệt sức xin dừng “3 tại chỗ” - Ảnh 4.

CNLĐ Công ty Cổ phần Trần Đức (TP.Thuận An) ở khu lưu trú trong nhà máy.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA) Nguyễn Văn Bé, đến thời điểm này TP.HCM chỉ có gần 600 nhà máy ở thành phố hoạt động nhưng hầu hết gặp khó khăn về tài chính, không đủ cơ sở vật chất, tâm lý công nhân bất ổn muốn "bỏ trận địa". Tại Đồng Nai, hiện đã có 36 doanh nghiệp (DN) đang thực hiện phương án "3 tại chỗ" tại các huyện: Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất và TP.Biên Hòa xin tạm dừng sản xuất và đã được chấp thuận.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" hiện nay đang chịu "cú đấm bồi" từ dịch bệnh. Theo ông Thịnh, trong lúc này, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước về chính sách thuế, phí, lãi suất, gia hạn miễn giảm tiền thuê mặt bằng bên cạnh giảm giá điện, nước, xăng dầu trong phạm vi có thể. Điều này rất quan trọng để giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng sức "chiến đấu" trong bối cảnh chồng chất khó khăn.

Song song đó, ngành y tế cần có giải pháp hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 hoặc hướng dẫn doanh nghiệp mua bộ test với giá gốc để san sẻ gánh nặng chi phí.