Dù các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa phải chịu mức thuế suất mới, nhưng với 30% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam là thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt đã sớm lên kịch bản để ứng phó với các chính sách thuế mới dưới thời Donald Trump.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Mặc dù Mỹ chưa áp thuế đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu, song ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 nhận định, đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với ngành dệt may nói chung.

Ông Việt cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ là đang là xuất siêu, do đó với bất kể một quốc gia nào, Mỹ sẽ dựa vào cán cân thanh toán quốc tế để có thể áp thuế bổ sung để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Trước bối cảnh này, Tổng Công ty May 10 cũng đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025 ở mức trên 10% so với năm 2024 bằng nhiều giải pháp. “Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, May 10 vẫn tập trung sâu vào mở rộng các thị trường xuất khẩu, không phụ thuộc vào bất kể một thị trường nào.
Mỗi năm May 10 sản xuất gần 30 triệu sản phẩm chất lượng cao, đã và đang chinh phục khách hàng tại thị trường trong nước và quốc tế với hơn 80% sản phẩm được xuất khẩu. Trong nhiều năm qua luôn cân bằng giữa 3 thị trường là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Riêng thị trường Mỹ, mỗi năm May 10 xuất hàng trăm nghìn sản phẩm”, ông Việt chia sẻ.
Với ngành cà phê, năm 2024, ước tính Việt Nam xuất khẩu 1,32 triệu tấn cà phê với tổng kim ngạch đạt gần 5,48 tỷ USD. Cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italy, Bỉ, Anh…
Là một doanh nghiệp trong ngành hàng cà phê, để lựa chọn một lối an toàn trong hoạt động xuất khẩu ông Võ Tuấn Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Vàng Ban Mê cho biết, đang ưu tiên tập trung vào thị trường gần là các quốc gia trong ASEAN. Công ty đã đi kết nối làm việc với một số nhà thu mua, đối tác lớn trong khu vực và dự kiến sẽ mở showroom ở Thái Lan, Malaysia để phát triển thương hiệu.
Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam Hoàng Thị Liên cho biết, trong tháng 11, Việt Nam xuất khẩu được 15.948 tấn hồ tiêu các loại, với tổng kim ngạch đạt 106,5 triệu USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 67.802 tấn.
Để ứng phó với các chính sách mới của Tổng thống Mỹ, cùng với việc bám sát thông tin, cập nhật kịp thời tình hình chính sách từ các thị trường, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cũng đã khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các đối tác mới ở khu vực thị trường EU, Trung Đông, châu Á, đặc biệt là các thị trường Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Thực tế, thời gian qua, các FTA đã và đang mang lại cơ hội lớn cho hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm. Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Chế biến và
Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, Việt Nam được đánh giá nằm trong top 4 các nước có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất trước những chính sách mới của chính quyền Tổng thống Trump. Tuy nhiên, chưa thể đoán định được liệu thủy sản Việt Nam có bị áp mức thuế mới hay không và khi nào sẽ bị áp dụng, vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Để chủ động ứng phó với các chính sách thuế của Mỹ các doanh nghiệp thủy sản đã chủ động cập nhật và nắm bắt thông tin thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, thị trường linh hoạt trong bối cảnh mới như: Thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc, cân đối để có sản phẩm cạnh tranh tại ASEAN, mở rộng thị phần tại thị trường Trung Đông…
Luôn đảm bảo chất lượng thủy sản xuất khẩu, tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc hiệu quả để giữ uy tín và tăng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong năm 2025…
Cần tận dụng hết các FTA đã có
Nhận định về những thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu trước chính sách thuế của Mỹ, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, trước tiên, chúng ta không nên quá phụ thuộc vào một thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ, nơi hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
“Nếu bỏ hết trứng vào một giỏ sẽ là rủi ro lớn. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ tập trung vào thị trường Mỹ mà chưa tận dụng hết các FTA đã có. Trong khi đó, các thị trường như EU, Canada, Mexico vẫn còn dư địa rất lớn, nhưng thị phần hàng Việt Nam tại đây vẫn còn rất thấp, chỉ chiếm có vài phần trăm”, ông Khanh nhấn mạnh.
Do đó, theo ông Khanh, doanh nghiệp của chúng ta cần chủ động tận dụng các ưu đãi từ các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường ổn định và bền vững hơn; trong nguy có cơ. Chính chiến tranh thương mại sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng bấy lâu nay, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng từ các FTA mà chúng ta đã ký.
Góp ý “lời giải” cho “bài toán” này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính chia sẻ, Bộ Công Thương và các thương vụ, đại sứ quán, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, tích cực hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, từ đó đa dạng hóa hoạt động xuất nhập khẩu, tránh quá tập trung vào một số thị trường.
Việc này giúp doanh nghiệp đỡ được những “cú sốc” khi các thị trường lớn thay đổi trong chính sách hay trục trặc trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, phải tổ chức kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Làm sao để các đơn hàng có được nhiều hơn và thông suốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối các doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu xanh hơn, sạch hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, để ứng phó trước các thách thức, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, không quá phụ thuộc vào một đối tác duy nhất. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện tính minh bạch trong xuất xứ hàng hóa sẽ giúp giảm nguy cơ bị áp dụng biện pháp thương mại bất lợi.
Chính phủ đang tích cực thúc đẩy đa dạng hóa thị trường với 16 hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường mới. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa cần linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài Mỹ, EU và Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi.
Điều quan trọng nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm và chuỗi cung ứng.
Cũng theo ông Điền, muốn nâng cao giá trị gia tăng, doanh nghiệp Việt Nam phải chuyển từ mô hình sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thương hiệu riêng. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản vào nghiên cứu và phát triển (R&D), từ khâu thiết kế, công nghệ sản xuất cho đến tiếp thị thương hiệu. Ngoài ra, việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa cũng rất quan trọng.
Nếu doanh nghiệp chỉ nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi gia công, giá trị gia tăng sẽ rất thấp. Ngược lại, nếu tự chủ được nguyên liệu, áp dụng công nghệ tiên tiến, tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn nhiều.
Trước nguy cơ xung đột thương mại toàn cầu, Bộ Công Thương vừa đưa ra các chỉ đạo để chủ động thích ứng với những biến động, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Bộ yêu cầu các cơ quan thương mại và thương vụ Việt Nam ở nước ngoài liên tục theo dõi tình hình kinh tế, chính trị để kịp thời tham mưu cho Chính phủ, đồng thời xây dựng các phương án ứng phó với căng thẳng thương mại toàn cầu. Đối với doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị nâng cao năng lực cạnh tranh, kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu và thận trọng trong hợp tác với các quốc gia có tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư nước ngoài và sàng lọc nghiêm ngặt nguồn vốn đầu tư để tránh trường hợp Việt Nam trở thành điểm trung chuyển hàng hóa của nước thứ ba. Về quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, Bộ Công Thương khẳng định hai nền kinh tế có sự bổ sung lẫn nhau, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không đối đầu trực tiếp với sản phẩm Hoa Kỳ. |
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 20