Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng vì giá cước tàu

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Với cước vận tải hàng hóa bằng đường biển tăng 120% trong nửa đầu năm và chưa có dấu hiệu dừng lại, doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.

“Cơn ác mộng” cước vận tải biển

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, hạt điều và các loại gia vị khác sang thị trường Trung Đông, châu Âu, châu Mỹ, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, công ty gặp nhiều khó khăn vì giá cước vận tải biển tăng cao.

Chỉ trong 2 tháng, từ tháng 4 đến 6, cước vận tải biển từ cảng ở TPHCM đi thị trường châu Âu đã tăng 3 lần, từ 2.950 lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet.

cuoc tau.jpg
Giá cước tàu biển tăng cao khiến doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.

Công ty Phúc Sinh bán hàng theo hình thức CIF - tức bên bán chịu chi phí vận chuyển - nên cứ mỗi container Phúc Sinh phải trả thêm 5.000 USD, có tháng xuất khẩu 100 container đồng nghĩa phải trả thêm gần 13 tỷ đồng. “Dù chấp nhận tự bù thêm chi phí vận chuyển để giữ uy tín với khách hàng nhưng để có tàu xuất hàng đi vào thời điểm này cũng không dễ”, ông Thông cho biết.

Cùng chung nỗi niềm, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh xuất khẩu gạo đi Malaysia và Philippines cho hay: “Giá cước vận tải biển bắt đầu tăng từ đầu năm 2024 khi xảy ra khủng hoảng hàng hải ở vùng biển Đỏ, đến nay đã tăng hơn 3 lần so với năm trước và chưa có dấu hiệu ngừng tăng.

Giá cước vận chuyển tăng cao khiến doanh nghiệp phải gánh một khoản phí vận chuyển rất lớn, trong khi với các hợp đồng xuất khẩu đã ký từ trước thì giá sản phẩm không thể tăng nên doanh nghiệp chấp nhận phải chịu lỗ. Không chỉ vậy, sản lượng xuất khẩu cũng bị giảm mạnh”.

Trên bản tin ngày 1/7 của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) dẫn thông tin từ trang Drewry (Trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập), dự kiến giá cước vận chuyển từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do các vấn đề tắc nghẽn tại các cảng châu Á.

Hồi tháng 6, giá cước tàu quốc tế đã tăng 100% so với 3 tháng trước. Trong đó, giá cước tàu đi Mỹ tăng hơn gấp đôi. Giá cước container 40 feet hồi tháng 3 là 2.950 USD nhưng đến nay tăng lên tới 7.350 USD.

Vì vậy để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại trong nửa cuối năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tìm phương án giảm bớt chi phí cước tàu, trong đó có phương án tìm nhà cung cấp thay thế tạm thời, nhằm tránh gánh chi phí lớn về cước.

Theo chỉ số World Container Index (WCI) do Drewry vừa công bố, giá cước trung bình cho 1 container 40 feet trên 8 tuyến hàng hải chính của thế giới đã tăng từ 2.670 lên 5.868 USD từ đầu năm đến nay, tương đương với mức tăng 120%. Sự gia tăng này đang khiến chi phí xuất khẩu tăng mạnh, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp chuyển hướng khai phá thị trường gần

Trước tình hình giá cước tàu biển tăng cao chưa có điểm dừng, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định.

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C chia sẻ: “Công ty đã tạm dừng những đơn hàng xuất khẩu đến thị trường Trung Đông và chuyển hướng sang những thị trường thuận lợi hơn là Trung Quốc, Nhật Bản”.

Tương tự, Công ty TNHH May mặc Dony (TPHCM) đã chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á với các nước như: Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia. 

“Đây là những thị trường có biên độ cạnh tranh rất dữ dội nhưng lại thuận lợi về logistics. Chi phí và thời gian vận chuyển rất phù hợp, thậm chí có nơi còn rẻ hơn trong nước. Đây là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh hiện nay”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Dony nhận định.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang tăng cường khai thác xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đồng thời tìm hiểu để mở rộng kết nối xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.

Đây là 2 thị trường rất tiềm năng với quy mô dân số gần 3 tỷ người và nhu cầu tiêu dùng rất đa dạng từ phân khúc trung bình đến cao cấp. 

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp đã sớm linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, trong đó tập trung vào các thị trường gần như: ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… trong khi đơn hàng của các thị trường truyền thống đang sụt giảm mạnh, giá cước vận tải tăng cao. Nhờ đó, xuất khẩu 6 tháng đầu năm của tỉnh đang dần phục hồi và tăng trưởng tích cực.

Bà Mai Thị Nhân, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Tùng nhìn nhận, những khó khăn ít nhiều tác động tới hoạt động kinh doanh của công ty. “Trước mắt, công ty chuyển đổi thị trường, đi vào những thị trường bán lẻ và thị trường khác gần hơn, áp lực cũng sẽ giảm”.

Trước tình trạng trên, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá).

Việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển thực hiện  theo quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Châu Anh

Báo Lao động và Xã hội số 83