Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo lễ hội làng Xuân Hy

Để thể hiện sự biết ơn với các tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp cách đây hơn 600 năm, cứ vào ngày 19 - 21/8 âm lịch( năm lẻ) người dân làng Xuân Hy (xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) ở mọi miền tổ quốc lại hồ hởi trở về quê hương tham dự lễ hội làng Xuân Hy.

Dấu ấn một thời khai hoang lập ấp

Làng Xuân Hy, thuộc xã Xuân Thủy, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là một ngôi làng thuần Việt với nghề trồng lúa nước có truyền thống. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, làng Xuân Hy được hình thành từ những năm 1393 đến 1397 (cuối đời nhà Trần), do Đức Thánh Tổ - Tướng công Ngô Miễn (1371-1407) (đỗ tiến sỹ thời nhà Trần, làm quan thời nhà Hồ) sau khi đi kinh lý vùng đất Sơn Nam được nhà Vua cho phép đã đưa 10 dòng họ từ thôn Xuân Mai, xã Xuân Hy, tổng Kim Hoa, phủ Bắc Hà, xứ Kinh Bắc (nay là phường Phúc Thắng, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) xuống khai hóa vùng đất ven biển lập ấp Nhà Thi (sau đổi thành làng Thi, Nhật Thi, Nhật Hy...) nay là Làng Xuân Hy.

Phần lễ rước kiệu độc đáo của hội làng Xuân Hy

Sau khi Tướng Công Ngô Miễn mất, đến năm đầu Thế kỷ 17, Phúc thần Trần Quận Công (Đỗ Thuận Đoan), Đỗ Quận Công (Đỗ Nhân Tăng 1654 - 1729) là những người cùng quê với Tướng Công Ngô Miễn, đều làm quan Triều đình đã bỏ tiền của, đưa thêm dân từ quê hương xuống để tiếp tục sự nghiệp của Tướng Công Ngô Miễn, xây dựng Tân Ấp Xuân Hy ngày một phát triển. Phúc Thần Đỗ Quận Công là người đã bỏ tiền của ra để xây dựng Đền Thượng thờ Ngô Tướng Công, Chùa thờ Phật ở phía đầu làng, xây sinh từ Ngài ở phía cuối làng (là Đền Hạ, nay là Đền Xuân Hy).

Đền Xuân Hy thờ Đức Thánh Tổ Tướng công Ngô Miễn (1371-1407), Phúc thần Trần Quận Công, Đỗ Quận Công (1664-1729), các phu nhân là những người có công với nước, tạo lập, gây dựng làng Xuân Hy. Đền Xuân Hy đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ngày 17/02/1990. Đền được xây dựng với kiến trúc theo phong cách Phương Đông, gồm 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường, 1 lâu hậu cung.

Độc đáo lễ hội làng Xuân Hy - Ảnh 2.

Trai tráng trong làng chuẩn bị thi kéo lửa nấu cơm thi

Ông Nguyễn Công Chiến làm Chủ Lễ hội làng Xuân Hy năm 2019 cho biết, lễ hội làng Xuân Hy có truyền thống gần 600 năm, gắn bó chặt chẽ với quá trình khai hoang lập ấp, hình thành và phát triển làng hiện nay.Trong thời kỳ chiến tranh lễ hội làng bị gián đoạn, đến năm 1992 cán bộ, nhân dân làng Xuân Hy quyết tâm khôi phục lại Lễ Hội với các phần lễ, phần Hội truyền thống cơ bản được phục hồi, từ năm 1997 đến năm 2007 tổ chức hàng năm, từ 2009 đến nay 2 năm tổ chức một lần.

Lễ hội làng Xuân Hy gồm 2 phần: Phần lễ: Tế, Lễ, dâng hương tại Đền, Chùa; Rước kiệu, rước mót.Phần hội: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của làng và giao lưu văn nghệ với các làng, xã bạn... Thi đấu bơi chải đồng đội nam, nữ; Thi kéo tre lấy lửa, nấu cơm cần;Thi đấu cờ tướng; Các trò chơi dân gian, hiện đại; Thi đấu các môn thể thao, bóng chuyền, cầu lông...

Độc đáo lễ hội làng Xuân Hy - Ảnh 3.

Đền Xuân Hy đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia

Theo ông Chiến, các tiết mục trong lễ hội làng Xuân Hy đều có những ý nghĩa riêng, mang đậm những nét truyền thống văn hóa lâu đời của làng như: Tiết mục thổi cơm thi - kéo tre lấy lửa thể hiện sự tài tình mưu trí của Ngô tướng công năm xưa khi đánh giặc không có lửa đã dùng hai thanh tre cọ vào nhau để lấy lửa sử dụng. Tiết mục nấu cơm gợi nhớ cho người xem hình tượng về một nền văn minh lúa nước phát triển rực rỡ. Trong khi đó tiết mục bơi chải, ghi nhớ lại không khí sinh hoạt cuộc sống của cha ông trước đây hơn 600 năm đi lại chủ yếu bằng thuyền mùng, lênh đênh sông nước.

Ngày hội đoàn kết

Là một người con đã xa quê từ lâu, nhưng mỗi năm khi lễ hội diễn ra Ông Đặng Trung Thành hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh lại cố gắng thu xếp công việc về tham dự lễ hội quê hương mình. Chia sẻ cảm xúc của mình trong ngày này ông cho biết: "Năm nào cũng vậy, mỗi dịp như vậy tôi lại được về quê để sống trong bầu không khí ấm áp của tình làng nghĩa xóm và tình cảm anh em bạn bè. Được xem các trò chơi dân gian, làm cho tôi được đắm chìm trong những cảm xúc về ký ức tuổi thơ với những trò chơi dân gian đầy ý nghĩa. Ngày nay tuy cuộc sống có đầy đủ, tiện nghi hơn nhưng thế hệ trẻ sẽ không có những năm tháng tuổi thơ ngọt ngào, ý nghĩa như chúng tôi ngày xưa. Chính vì vậy, tranh thủ dịp này những năm trước tôi vẫn thường đưa vợ con về thăm quê và dự lễ hội. Đây cũng là cách để mình giáo dục con cháu về truyền thống quê hương và cội nguồn của bọn trẻ".

Phần thi kéo lửa thổi cơm thu hút sự quan tâm của người dân và du khách

Theo chị Huyền Trang(tại xóm 9 quê hương Xuân Hy), hiện đang sinh sống ở Hà Nội về tham dự hội làng cho biết: "Hội làng truyền thống là dịp con em xã Xuân Thủy làm ăn nơi xa về lại quê hương đóng góp tham gia, cổ vũ. Hội làng em có nhiều hoạt động như: rước kiệu, kéo tre lấy lửa thổi cơm cần, bắt vịt, leo cầu tre,… Nhưng có lẽ nội dung bơi chải là 1 hoạt động trong nhiều hoạt động hội của làng em thu hút được nhiều đối tượng và thành phần tham dự nhất. Những đôi tay chải là của các bác các anh các chị vô cùng mạnh mẽ và vững chãi. Thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của các xóm".

Còn đối với ông Phạm Văn Kiểm (sinh sống ở thành phố Nam Định) khi đến với hội làng Xuân Hy đặc biệt ấn tượng với thi kéo mót nấu cơm đây là trò chơi độc đáo có hàng trăm năm của hội làng Xuân Hy, xã Xuân Thuỷ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Theo ông Kiểm: "Người chơi kéo mót lấy lửa nấu cơm, vừa đi quanh hồ vừa nấu. Khán giả ùa theo đông nghịt để cổ vũ. Đây là một trong những trò chơi hấp dẫn nhất của lễ hội làng được lưu truyền cho đến ngày nay. Đây cũng là trò chơi độc đáo của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Hồng mà ít nơi có".

Phần thi bơi chải tại hội Làng Xuân Hy

Theo ông Phạm Thanh Lưu - Quyền Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy, Trưởng ban tổ chức lễ hội Xuân Hy cho biết, trong những năm qua nhờ công tác tổ chức chặt chẽ mà lễ hội làng đã có sự đổi thay rõ rệt từ quy mô đến chất lượng, góp phần thỏa mãn đời sống văn hóa tâm linh của người dân, thu hút được nhiều nguồn lực từ nhưng người con Xuân Hy đi là ăn trong vào ngoài nước để xây dựng và phát triển quê hương.

Để bảo vệ Đền, lễ hội làng Xuân Hy (một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia) UBND xã Xuân Thủy chủ trì thành lập Ban bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa (theo quy định của Nhà nước) do Chủ tịch (Phó Chủ tịch) làm trưởng ban, các Phó trưởng ban và các thành viên do nhân dân làng Xuân Hy đề xuất. Ban này vừa có nhiệm vụ bảo vệ cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa của Đền, tổ chức Lễ hội theo quy ước của cán bộ, nhân dân làng Xuân Hy. Nhiệm kỳ của Ban là 5 năm (năm 2019 đã bầu Ban mới nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm 18 người), ông Phạm Thanh Lưu cho biết thêm.