Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo nghề tạo hình rồng từ trái cây

Trần Huyền
Trần Huyền

Từ lâu đời, ở miền Tây Nam bộ, trong các dịp lễ hội, đám cưới và nhất là dịp tết   cổ truyền, những mâm quả (ngũ quả) được tạo hình tứ linh “long - lân - quy - phụng” từ các loại trái cây, hoa, lá rất công phu và được đặt trên bàn thờ gia tiên, bàn thờ thần, phật trang trọng.

 

ANH NGHE TAO HINH TRAI CAY 4.jpg

1. Nghệ thuật chưng hoa kết trái (chưng kết), xưa gọi là chưng nghi là nghệ thuật tạo hình mang tính đặc trưng của xứ sở cây trái miền Tây Nam bộ có truyền thống lâu đời. Theo một số nghệ nhân ở tỉnh Vĩnh Long, đây là nghề “cha truyền con nối” của nhiều gia đình ở Vĩnh Long nói riêng, miền Tây Nam bộ nói chung.

Thời xưa, khi phương tiện trang trí nhà cửa chưa phát triển như bây giờ, nên mỗi khi có đám tiệc (đám cưới) hay lễ hội cúng đình, Tết Nguyên đán, người dân thường chưng hoa kết trái để tạo hình linh vật để làm đẹp cho ngôi nhà, tiệc, lễ và được đặt trang trọng trên bàn thờ tổ tiên, thờ thần, phật nên được gọi là chưng nghi.

Đây là nghi thức trang trí theo phong thủy “Đông bình, Tây quả”, nghĩa là bên tay phải là bình hoa (bông) và bên tay trái là trái cây (quả). Nguyên liệu để chưng kết được sử dụng cây trái sẵn có trong vùng và tạo hình theo mô típ truyền thống như tứ linh, tứ quý, tam đa…

Trong mô típ tứ linh: Long (rồng), lân (ly), quy (rùa), phụng (phượng hoàng), thì hình tượng long - phụng được thể hiện nhiều nhất trong tiệc cưới, trang trí từ cổng nhà đến bàn thờ tổ tiên. 

ANH NGHE TAO HINH TRAI CAY 5.jpg

Theo văn hóa truyền thống của người Việt, cặp đôi rồng - phượng song hành kết duyên quấn quýt là biểu tượng mang ý nghĩa hôn nhân hòa hợp, hạnh phúc lứa đôi, sang giàu.

Chính vì thế, cách chưng kết rồng - phượng đòi hỏi các nghệ nhân phải tạo nên tác phẩm nghệ thuật sinh động, rực rỡ sắc màu để không gian tiệc cưới thêm trang trọng.

Ngoài ra, còn chưng kết mâm ngũ quả: “Lý ngư vượt vũ môn” biểu tượng của sự đỗ đạt, thăng tiến, thường dùng trong lễ mừng thi cử đỗ đạt, tân gia.

Đặc biệt, chưng kết mâm ngũ quả: “Long hổ hội” đặt trên bàn thờ gia tiên dịp Tết Nguyên đán biểu tượng cho vương quyền, giúp cho chủ nhân thăng tiến sự nghiệp và cũng tượng trưng cho sự quần tụ của giới trí thức nho học thời xưa.  

ANH NGHE TAO HINH TRAI CAY 2 (2).jpg

2. Nghệ thuật chưng kết tạo hình từ trái cây là nghề đòi hỏi sự công phu, tỷ mỷ và phải có năng khiếu hội họa, điêu khắc. Một nghệ nhân trẻ cho biết, để có thể hành nghề một cách thuần thục, người học nhanh nhất cũng phải từ 5 năm trở lên.

Chưa có tư liệu nào nói cụ thể, chính xác ông tổ nghề  là ai, hầu hết nghệ nhân đều theo “cha truyền con nối”.

Tuy nhiên, khi xuất hiện những chiếc cổng trang trí cho các đám cưới cầu kỳ bằng khung sắt, kết hoa vải, hoa nhựa rực rỡ với giá thuê rẻ, thì cổng truyền thống “long - phụng” được chưng kết bằng cây trái, hoa, lá dần vắng khách.

Chính vì thế, nghề chưng kết tạo hình từ trái cây có nguy cơ bị mai một, do nhiều gia đình nghệ nhân chuyển qua nghề khác để mưu sinh. 

Theo một số nghệ nhân lâu năm trong nghề, giá một chiếc cổng cưới truyền thống từ vật tư đến công thực hiện từ 5 đến 15 triệu đồng, mâm chưng nghi “rồng - phượng hòa minh” cũng khoảng 5 triệu đồng (tùy kích cỡ lớn, nhỏ), nên thường gia đình khá giả mới dám đặt hàng.

Khi nghệ nhân thực hiện xong, đều phải xịt một loại hóa chất để giữ độ tươi, nên khi chưng xong đều phải bỏ. Trong khi đó, nếu thuê một bộ khung cổng cưới bằng sắt, kết hoa vải, hoa nhựa chỉ khoảng 1 triệu đồng, mâm trái cây chỉ vài trăm ngàn đồng. 

“Phú quý sinh lễ nghĩa”, những năm gần đây nhờ đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng miền Tây Nam bộ được nâng cao đáng kể, nên mỗi dịp tết đến xuân về, lễ hội cúng đình, chùa và đám cưới, người dân lại chưng kết tạo hình cổng, mâm trái cây theo truyền thống.

Tết năm 1996, khu du lịch Suối Tiên tổ chức lễ hội trái cây Nam bộ lần đầu tiên, đã mở cuộc thi chưng kết tạo hình tứ linh từ hoa lá, trái cây thu hút nhiều nghệ nhân tham gia.

Từ đó, hàng năm vào dịp lễ, tết trong các hội hoa xuân ở Đầm Sen, Tao Đàn, Suối Tiên… đều mở cuộc thi chưng kết tạo hình bằng hoa lá, trái cây và coi đây là nét đẹp văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, phát huy.

Nhờ đó nghề “cha truyền con nối” độc đáo dần hồi sinh và phát triển, nhiều gia đình nghệ nhân ở miền Tây Nam bộ quay lại hành nghề và sống được bằng nghề. 

ANH NGHE TAO HINH TRAI CAY 3.jpg

Điều đáng mừng là những năm gần đây, ở miền Tây Nam bộ có rất nhiều bạn trẻ tìm đến nhà nghệ nhân nổi tiếng trong vùng để “tầm sư học nghề”, trong số đó có không ít người trở thành nghệ nhân trẻ tài năng được giải thưởng qua các cuộc thi chưng kết tạo hình tứ linh từ hoa trái hàng năm.

Nhiều nghệ nhân tài năng tâm huyết với nghề được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân.  

3. Ngoài chưng kết tạo hình mâm ngũ quả, do nhu cầu trang trí cho không gian lễ cưới, từ lâu, các nghệ nhân đã thực hiện những chiếc cổng cưới theo mô típ “long - phụng hòa minh” hoàn toàn được tạo hình từ hoa trái rất công phu, độc đáo, lạ mắt.

Đây là mẫu cổng cưới được người dân miền Tây Nam bộ ưa chuộng và lựa chọn đặt hàng nhiều nhất từ trước tới nay. Nguyên liệu để chưng kết tạo hình cổng cưới “long - phụng hòa minh” gồm nhiều loại trái cây và hoa lá sẵn có trong vùng như hoa tươi, thân cây chuối, lá dừa, lá dứa, lá thiên tuế, trái cau, trái ớt, đậu bắp, đậu đũa, trái muối, sơ ri…

Theo các nghệ nhân, để tạo hình “rồng - phụng hòa minh”, tùy kích cỡ quy mô to, nhỏ phải mất ít nhất từ 5kg ớt đỏ, vài kg trái cau, lá khóm, hoa tươi và nhiều củ quả khác.

Theo quy trình, các nghệ nhân thường dùng thân cây chuối để gắn kết các loại trái cây vào những khoảng trống và quá trình trang trí thông qua các công đoạn gắn kết, sao cho càng giữ nguyên hình dáng trái cây càng tốt.

Lần lượt các công đoạn được thực hiện như thân rồng được kết ghép từ những trái cau nhỏ, trái đậu bún làm miệng rồng, vỏ trái cam, trái cóc làm vảy rồng, trái mận làm mắt rồng, trái ớt hiểm đỏ chót được tạo thành móng rồng, lá thiên tuế gắn kết thành đuôi rồng.

Đối với hình tượng phượng hoàng được xem là quốc mẫu của các loài chim là biểu tượng của đức hạnh, duyên dáng, thanh cao, biểu thị cho sự hòa hợp âm dương.

Để tạo hình phượng hoàng, với màu sắc sặc sỡ, các nghệ nhân chủ yếu sử dụng nguyên liệu là ớt đỏ được gắn kết thành mỏ và ớt đỏ xếp xen kẽ với trái sơ ri, bông vẹt tạo thành đuôi, đôi cánh xòe lớn nhờ sử dụng lá dứa…

ANH NGHE TAO HINH TRAI CAY 1.jpg

Đặc biệt, nếu gắn kết tạo hình mâm quả “long -phụng hòa minh” cho ngày cưới hỏi thì phần trang trí cho hình tượng phượng hoàng không thể thiếu trầu, cau.

Do sử dụng nguyên liệu 100% tự nhiên và cần đảm bảo độ tươi mới, vì thế khi nhận đơn đặt hàng (cổng cưới, mâm quả), nắm được lịch cưới hỏi thì các nghệ nhân căn đúng thời điểm để thực hiện, không làm sớm quá, hoặc chậm quá.

Theo họ, tùy kích cỡ tác phẩm, nhưng thời gian để hoàn thành lý tưởng nhất là trong 2 ngày. Qua đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, chăm chút tỷ mẩn công phu kết ghép, các nghệ nhân đã biến nguyên liệu dân dã ấy thành những tác phẩm tạo hình nghệ thuật tinh xảo, sinh động như “rồng bay, phượng múa” thật hấp dẫn và mang ý nghĩa phong thủy tâm linh sâu sắc. 

         Lương Định

Tin liên quan