Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo nhạc cụ Ðing Puốt của người Ê đê

(Dân sinh) - Âm thanh phát ra từ ống nứa như tiếng lòng ăn năn, hối hận của chàng trai trước cái chết của vợ. Nghe những âm thanh não nề ấy, buôn làng đã đến động viên và chia sẻ cho chàng nguôi ngoai. Từ đó, người Ê đê lấy ống le đục lỗ thổi để thể hiện những tâm tư tình cảm của mình khi không nói được bằng lời, nhạc cụ Đing Puốt ra đời từ đây.

Đing Puốt được đồng bào sử dụng mọi lúc, mọi nơi và sự ra đời của loại nhạc cụ này cũng hết sức thú vị. Chuyện kể rằng ngày xưa, có đôi vợ chồng trẻ người Ê đê chung sống với nhau rất hạnh phúc. Chồng là một chàng trai có sức mạnh phi thường còn cô vợ vừa xinh đẹp lại vừa siêng năng nhất vùng. Một đêm, người chồng đang ngủ say bỗng nghe tiếng động lạ bèn choàng dậy nhưng đi đến chỗ này thì tiếng động lại di chuyển sang chỗ khác.

Truyền thuyết ra đời nhạc cụ Ðing Puốt của người Ê đê - Ảnh 1.

Sử dụng nhạc cụ Đing Puốt trong những sự kiện quan trọng

Chàng trai nghĩ rằng đó là tiếng động của một con thú hoặc một tên trộm đột nhập nên chàng nhanh tay cầm cây lao đâm tới chỗ có tiếng động. Bỗng một dòng máu chảy theo cây lao xuống tay chàng, tiếng động im bặt, chàng vội vã chạy tới để xem mặt kẻ thù. Nhưng khi tới nơi, chàng chết lặng khi thấy người vợ yêu quý của mình đang nằm gục trên vũng máu. Thì ra, vợ của chàng đã tranh thủ lau dọn nhà cửa lúc đêm khuya và ngọn lao của chồng đã tạo nên cái chết oan nghiệt.

Đau khổ tột cùng, chàng trai chạy vào trong rừng sâu than khóc với các vị thần linh. Chàng ngất lịm và gục xuống bên gốc một bụi le. Bỗng nhiên chàng nghe thấy những âm thanh kỳ lạ lúc trầm lúc bổng lúc réo rắt như tiếng lòng của chàng lúc này. Chàng bèn đi tìm nơi phát ra âm thanh và thấy mấy ống le bị con kiến đục thủng lỗ, khi có gió thổi vào những cái lỗ đó đã tạo ra âm thanh kỳ lạ. Chàng chặt những ống le đem về nhà, thổi vào những cái lỗ thay cho làn gió và thổi suốt ngày đêm.

Âm thanh phát ra từ ống nứa như tiếng lòng ăn năn, hối hận của chàng trai trước cái chết của vợ. Nghe những âm thanh não nề ấy, buôn làng đã đến động viên và chia sẻ cho chàng nguôi ngoai. Từ đó, người Ê đê lấy ống le đục lỗ thổi để thể hiện những tâm tư tình cảm của mình khi không nói được bằng lời.

Đing Puốt là nhạc cụ của đồng bào Ê đê, còn gọi là sáo, gồm 2 loại: Đing Puốt thường thì phía dưới không vót nhọn và Đing Puốt chók (sáo khóc) phía dưới được vót nhọn như ngọn lao. Cấu tạo của loại nhạc cụ này khá đơn giản, được làm từ những ống nứa dài khoảng 30 cm, ở thân được khoét 4 lỗ và tạo thành 4 âm vực khác nhau. Ở phía trên miệng thổi được gắn cái lam để khi thổi tạo nên âm thanh trầm bổng.

Truyền thuyết ra đời nhạc cụ Ðing Puốt của người Ê đê - Ảnh 2.

Sử dụng nhạc cụ Đing Puốt trong những sự kiện quan trọng của người Êđê

Nếu như cây sáo của người Kinh khi thổi được cầm ngang thì cây Đing Puốt của người Ê đê được cầm dọc theo kiểu cây tiêu và cách thổi cũng khó hơn nhiều.

Do cấu tạo 4 lỗ nên kỹ thuật thổi lấy hơi để tạo ra âm thanh tùy thuộc vào kỹ năng của người sử dụng và thế bấm điều khiển hơi. Trong khi thổi, người sử dụng phải có sự kết hợp đồng bộ giữa tay bấm và hơi để tạo ra giai điệu phù hợp. Tùy theo thế bấm và cách điều tiết hơi thổi của người sử dụng mà tạo ra âm thanh tương xứng. 

Mới đây đoàn chuyên gia UNESCO cùng đông đảo người dân cảm thấy thích thú khi chứng kiến tiết mục biểu diễn Đing Puốt do nhạc sĩ Đức Tuấn và nghệ nhân Y Phôn K'sor thể hiện tại Lễ phát động cuộc thi chế tác nhạc cụ và quà lưu niệm do Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông vừa tổ chức. Trên nền nhạc đệm của Đinh Puốt, nghệ nhân Y Phôn K'Sor đã cất lên làn điệu Kuut của dân tộc mình. Âm thanh trầm bổng réo rắt đã đưa người hát và người nghe đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, khiến khung cảnh thêm thơ mộng. Dù không hiểu hết những ca từ nhưng ai nấy cũng gật gù, thưởng thức một cách trọn vẹn. Ông Y Jút ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cho biết: "Kuut là làn điệu dân ca của người Ê đê thường được hát khi buôn làng có việc vui, buồn và sáo Đing Puốt là loại nhạc cụ không thể thiếu. Bởi vì, thiếu một trong hai loại thì cuộc vui sẽ không có ý nghĩa gì".