Với những nhà sưu tầm lớn, việc sưu tầm báo xuân vô cùng quan trọng bởi đó là cách để giữ gìn những ký ức về nét đẹp ngày tết cổ truyền cũng như sự vận động của xã hội. Nhà sưu tầm Tạ Thu Phong (Hà Nội) sở hữu khoảng 400 tờ báo xuân quý hiếm thuộc nhiều giai đoạn của báo chí Việt Nam.
Đó là những tờ Xuân 1938 của Ngày Nay, Xuân 1941 của Đời Nay; các tờ báo Xuân chiến khu, Xuân Độc lập đầu tiên vào năm 1946; các tờ báo Xuân thời tạm chiếm của Hà Nội trước 1954, của miền Bắc - miền Nam trước 1975 hay các tờ báo xuân, báo tết thời bao cấp…

Đến nay, anh vẫn không ngừng sưu tầm các số báo xuân. Mỗi số báo vẫn được coi là giai phẩm, được các tòa soạn dành nhiều tâm huyết, đặt bài chuyên gia để có nhiều bài viết chất lượng. Báo được trình bày đẹp, giấy in đẹp, bắt mắt, xứng đáng là món ăn tinh thần trong dịp tết.
Ở Nam Định, ông Nguyễn Phi Dũng (SN 1961) là người sưu tầm báo nhiều nhất Việt Nam. Kho tàng của ông có rất nhiều số báo tết được lưu giữ cẩn thận. Tổng số tiền ông mua báo có lẽ ngang với giá trị một căn nhà mặt đường ở Nam Định.
Ban đầu, vợ con ông không ủng hộ việc sưu tầm vì thấy… mang tiền đi tiêu nhiều quá, lại “tha” hàng tấn báo chí về chất đầy nhà. Nhưng lâu dần, thấy kho báu của ông có ý nghĩa với xã hội, vợ con cũng thay đổi quan điểm.
Với các nhà văn, nhà thơ và nhiều nhà báo, việc viết báo xuân là một cái thú. Qua việc viết, ngoài được xuất hiện trên giai phẩm, họ còn có cơ hội gìn giữ các số báo để đọc trong dịp xuân, tặng bạn bè, đồng thời lưu giữ cho đời sau. Vậy nên, mùa báo tết là thời điểm khá bận bịu của những người yêu báo, yêu xuân.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Văn Công Hùng, Vương Tâm, các nhà văn Sương Nguyệt Minh, Y Ban, Lê Minh Quốc, Tống Phước Bảo… mỗi năm viết vài chục bài, cộng tác với nhiều báo, tạp chí trên cả nước.
Nhà thơ Vương Tâm chia sẻ: “Báo tết là nơi những người viết có thể giãi bày được nhiều tâm sự nhất, đặt vấn đề về những sự kiện văn hóa, xã hội có nhiều chất xuân; qua đó gửi gắm kỳ vọng vào năm mới tươi đẹp, phồn vinh, phát triển”.

Với tôi, tết là dịp để sưu tầm báo tết, những ấn phẩm xuân được chuẩn bị công phu, trình bày đẹp mắt. Đó là cách đón tết của tôi, cũng là cách khơi gợi ký ức trong lòng, để đọc và gặp lại những cái tết xa xưa. Bởi, trong mỗi tờ báo tết đều có những bài viết về tết xưa, có cách kéo ngăn ký ức ra, giúp bạn đọc tái hiện những cái tết trong ký ức.
Ngay từ những ngày đầu “bén duyên” nghề báo cách đây hơn 20 năm, khi mới chỉ là cộng tác viên, tôi đã có thú sưu tầm, mua và đọc báo xuân, báo tết của các tòa soạn báo từ Nam ra Bắc. Khoảng 40 ấn phẩm báo chí được bày bán trên thị trường được chọn mua về, tôi bày ở phòng khách như một “mâm cỗ”.
Ngày xuân ngoài nhấn nhá, thưởng thức khí xuân, bên cạnh mâm cao cỗ đầy thì có một “mâm cỗ” mà khách đến nhà rất ấn tượng, muốn “xơi” cùng chủ nhà - đó là mâm báo tết. Giữ gìn báo tết cũng là cách chúng ta có thể lật giở để biết cách đây 30, 20 năm hay ngắn hơn là 10 năm, chúng ta đã đón tết thế nào, chúng ta làm báo tết và bạn đọc thưởng thức ra sao.
Tôi thích cách trình bày của báo tết bởi nó phá cách so với báo thường ngày. Nhiều bài vở, tranh ảnh hấp dẫn. Thậm chí có báo còn chuẩn bị kỳ công một vài chủ đề để làm điểm nhấn, như: Khởi nghiệp, cống hiến, tết sum họp, bữa cơm gia đình; hay thời sự hơn như: Nông nghiệp sạch, cách mạng công nghiệp 4.0, vị thế Việt Nam, thương hiệu Việt…
Tôi nhớ số báo Tết Tân Mão 2011 của báo Nông thôn ngày nay với chủ đề là Những dòng sông Việt. Đây là số báo tôi yêu thích và thi thoảng vẫn lật giở đọc lại để thêm yêu những dòng sông đất nước, đã dưỡng nuôi biết bao cánh đồng, con người.
Trong đó là những bài viết sâu, phân tích về sông, thân phận sông, đời sống của sông. Để sau này, người đọc vẫn có thể hình dung được cách con người ứng xử, phụ thuộc vào sông ngòi ra sao. Và thực tế có một dòng văn hóa sông nước trong mạch nguồn nước Việt.
Đến nay, tôi vẫn giữ được khá nhiều giai phẩm xuân của báo Văn nghệ với nhiều truyện ngắn chọn lọc, bìa được các họa sĩ Thành Chương, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi đầu tư công phu, bắt mắt và đầy tính nghệ thuật. Các tác phẩm in trên báo Văn nghệ xuân quy tụ những cây bút khắp mọi miền, có chất lượng, đầy tính văn chương.
Mỗi giai phẩm xuân có một chủ đề riêng, tạo nên sự đặc sắc của làng báo. Trong đó, đa số báo đăng trang thơ xuân, truyện ngắn xuân rất trang trọng, kèm theo minh họa đẹp và in trên nền giấy tốt.
Tôi ấn tượng với báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh có cách trình bày hiện đại mà năm nào tôi cũng khoe với bạn bè: “Đó là tờ báo mà năm nào tôi cũng mua đầu tiên. Vì nó đẹp. Vì các chủ đề của mỗi năm đều được thực hiện công phu, nền nã, đi vào lòng người.
Hơn nữa, mỗi trang báo được trình bày như một bức tranh. Có những trang thơ chỉ in có một bài nhưng làm nền cho bài thơ là bức ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Điều đó tạo nên ấn tượng thị giác rất mạnh với người xem. Ở một khía cạnh nào đó, các số báo tết mà tôi sưu tầm, gìn giữ gần 20 năm qua là một gia tài.
Tôi tự hào là vì được sở hữu những bài viết hay, đặc sắc, do các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà khoa học có tên tuổi viết. Họ viết đúng nghĩa với việc bày mâm cỗ cho tờ báo. Đến nay, tôi đã có hàng trăm “mâm cỗ” báo tết”.

Có lẽ ít nước nào có nhiều báo tết như Việt Nam. Bao nhiêu báo là bấy nhiêu ấn phẩm tết. Nhiều tạp chí ngành, địa phương cũng in số tết. Và mỗi tờ báo tết đều có thể đọc cả năm, lật ra lúc nào cũng thấy mới.
Dẫu thế tôi cũng có chút băn khoăn. Bây giờ rất ít người chơi báo tết. Đã qua rồi cái thời đi chúc tết thấy nhiều gia đình tự hào vì có những ấn phẩm báo tết trong nhà.
Kể cả thói quen đọc sách cũng đã phôi phai. Bây giờ người ta gặp gỡ nhau chớp nhoáng, uống rượu và chúc tụng chứ ít người tặng nhau sách, tặng báo tết để cùng đọc và thưởng thức.
Trong lòng thấp thỏm về thời gian, về nhiều chuyện đổi thay của cuộc sống, tôi vẫn cố gắng giữ cách đón tết của riêng mình. Đó là cho mình được sở hữu những ấn phẩm báo tết, để trưng bày trong nhà cùng với hoa tươi, quả ngọt làm giàu có tâm hồn.
Hằng Vũ
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ