Những ngày cuối năm, khi nụ đào chuẩn bị khoe sắc cũng là lúc cựu chiến binh Vũ Đức Chiêu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lại bồi hồi nhớ về tết xưa, khi ông khoác trên mình màu xanh áo lính.

Ông Chiêu chia sẻ: “Cách đây hơn 40 năm, ngày còn trong quân ngũ, mỗi khi chuẩn bị đón tết, anh em trong đơn vị vào rừng lấy lá dong, chọn ống giang bánh tẻ, dài để chẻ lạt buộc, dùng gỗ bản làm khuôn để gói bánh chưng cho những ai không thạo.
Gạo nếp được ngâm từ 5 đến 7 tiếng, sau đó xóc khô, cho ít muối đảo đều; tiếp đến chẻ hành tươi, thái thịt lợn theo khổ có cả nạc và mỡ rồi tẩm ướp tiêu rang giã nhỏ; xát đỗ xanh, ngâm khoảng hơn 1 giờ đãi bỏ vỏ để ráo nước.
Về quy trình gói, mỗi chiếc bánh được gói với 6 lá dong, lá trong cùng bánh tẻ và đặt ngửa mặt lá, ngược với lá ngoài cùng rồi dùng bát ăn cơm đong đầy gạo đổ vào khuôn lá, ở giữa xếp thịt, hành, đỗ, sau đó đổ tiếp gạo lên sao cho phần “nhân” không tiếp xúc với lá mới giữ được chất.
Gói xong, bánh được xếp vào thùng phuy để luộc, đặt cuống lá dong dưới đáy thùng để chống cháy, sau đó xếp bánh sát chặt thành từng lớp; miệng thùng được tết nùn rơm xung quanh để khi nước sôi không bị trào ra ngoài. Bánh được luộc khoảng 8 đến 10 tiếng, khi vớt ra rửa nhanh bằng nước lạnh để bánh không bị nhớt. Tiếp đến, bánh được ép chèn để tạo vuông vức và ráo nước”.
Cùng với đó, anh em trong đơn vị hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, cùng Đoàn thanh niên và người dân địa phương tổng vệ sinh nhà sàn, đường vào thôn bản; đến từng gia đình chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để trao quà, bánh kẹo kẹo.
Rồi cùng già làng, trưởng bản trao tặng vở ô li cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập… “Anh em luôn sẵn sàng giúp dân bản dù nhiều hay ít, việc to hay nhỏ, chỉ mong bà con được đón tết ấm no, hạnh phúc.
Còn những món quà chúng tôi nhận được trong niềm vui xuân mới là sự yêu thương đùm bọc của người dân với những chiếc bánh hương vị tết, mang đậm nét văn hóa dân tộc”, ông Chiêu cho biết.



Với bà Trần Thị Lộc (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tết xưa đọng lại trong ký ức là bộ quần áo mới và tấm ảnh đen trắng. Bà Lộc kể: “Những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình tôi ở phố cổ Hàng Bè. Trẻ con hồi ấy thích tết lắm vì được ăn bánh chưng, thịt cá, mứt tết. Bởi, cả năm khi tết về mới được ăn những thứ ấy. Đặc biệt nhất là trẻ con được bố mẹ may cho một bộ quần áo mới.
Tôi còn nhớ, cách tết vài tuần, mấy chị em được mẹ đưa đến nhà ông thợ may ở phố Cầu Gỗ để may đo cho mỗi người một bộ quần áo mới. Nữ được may quần lụa màu trắng và áo hoa, mấy cậu em trai được may quần âu màu tím than, áo sơ mi trắng. Ngày mùng một tết, sau khi ăn sáng, chúng tôi diện quần áo mới cùng bố mẹ đi bộ đến nhà ông bà ở phố Mã Mây chúc tết.
Tôi vui lắm vì được diện quần áo mới suốt mấy ngày tết. Năm có thời tiết ấm áp thì không sao nhưng có năm trời rét 10 - 15 độ, tôi vẫn nhất định đòi mặc bộ quần áo mỏng ấy ra phố chơi cùng các bạn nên bị cảm lạnh, người run cầm cập.
Vậy là cả mấy ngày tết năm đó phải ở nhà do bị sốt, ho sù sụ và uống thuốc. Sau trận ốm đó, bố mẹ bắt chúng tôi mặc lõi áo bông bên trong rồi mới diện áo mới bên ngoài. Có lần tôi hỏi mẹ, tết thường trời lạnh mà sao may quần áo mỏng thì mẹ bảo, có quần áo mới cho nửa tá con là cố gắng rồi, nhiều nhà không có đâu.
Một sự háo hức nữa đối với tôi là tết được bố mẹ cho đi chụp ảnh ở hiệu Tam Anh trên phố Hàng Gai. Chụp ảnh cũng là một thứ gì đó rất xa xỉ dù chỉ là ảnh đen trắng. Ông thợ chụp ảnh bố trí bố mẹ tôi ngồi hai chiếc ghế ở giữa, mẹ ôm em bé nhất, các anh chị lớn đứng sau rồi nhắc nhở: “Cả nhà nhìn vào máy nào, cả nhà chú ý nào. Tách tách, xong rồi”.
Hồi ấy chả hiểu sao thợ ảnh không nhắc mọi người cười nên lên ảnh ai cũng nghiêm nghị, mắt nhìn thẳng, hai tay cũng để thẳng. Những bức ảnh ngày đó được rửa bằng giấy lụa hoặc giấy bóng, bố mẹ tôi cất giữ cẩn thận vào album, thi thoảng lại giở ra xem rồi nói, mỗi năm một già rồi”.
Dù đã bước vào tuổi xưa nay hiếm nhưng ký ức về tết xưa vất vả luôn in đậm trong tâm trí bà Phùng Thị Huê (Hạ Hòa, Phú Thọ). Bà Huê kể, ngày xưa các gia đình làm gì có tủ lạnh. Để có thịt lợn ăn mấy ngày tết, bố mẹ bà thường mua thịt lợn trước tết khoảng nửa tháng, rồi rửa sạch để ráo nước, sau đó cho vào vại sành ướp muối, riềng.
Quy trình ướp là cứ mỗi miếng thịt là một lớp muối, một lớp giềng rải đều, khi miếng thịt trong veo, có mùi thơm đặc trưng, mang ra thái rồi sử dụng luôn hoặc cho lên bếp chế biến theo khẩu vị mỗi người. Cách làm này giúp bảo quản thịt được cả tháng. Hoặc còn cách nữa là bọc kín thịt bằng rơm, lớp ngoài là lá dong, lá chuối sau đó cho lên gác bếp; miếng thịt sẽ khô dần, dai và thơm.
Khoảng hai tháng trước tết, mọi người phải thu gom gốc cây, gỗ mục, gốc tre, gốc muồng… đem về chất đống ở sân để đun nấu cũng như giữ cho bếp lửa luôn âm ỷ trong mấy ngày tết, vì các cụ quan niệm nếu bếp lửa bị tắt sẽ không may mắn trong cả năm.

Tết đến xuân về, bà Huê lại nhớ đến những gánh nước nặng trĩu vai ngày còn nhỏ. Chả là thời xưa người dân dùng chung giếng làng. Để có nước ăn đủ trong mấy ngày tết, các nhà đua nhau đi gánh nước về đổ đầy xô, bể. Nhà bà cách giếng khá xa nên việc gánh nước cũng rất vất vả, mỗi lần bị xô nước va vào ống đồng chân đau điếng, nước bắn tung tóe ướt hết quần áo.
“Trong mấy ngày tết, lương thực phải đủ. Để tích trữ, gần đến tết, tôi lại đảm nhiệm việc xay lúa, giã gạo đến mỏi nhừ cả tay, chân. Tết xưa dù thiếu thốn, phải làm lụng vất vả nhưng vui và ý nghĩa lắm.
Đêm giao thừa, mấy thế hệ trong gia đình quây quần bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi ùng ục thâu đêm đến sáng, đôi ba mẩu sắn vùi trong tro bếp thơm lừng lan tỏa không gian. Tôi và đám bạn hàng xóm quấn quýt với mấy dây pháo tép, đì đùng tiếng pháo hòa lẫn với tiếng đùa nghịch vang khắp xóm.
Những cái tết của mấy chục năm về trước không có bánh, mứt, kẹo ngon như bây giờ. Túi bột mì nhỏ được cất kỹ chỉ đến tết mới lôi ra để trộn nhào với đường, đem cán mỏng, tạo hình bánh từ mấy miếng khuôn nhôm tự chế. Cuối cùng, chị em chúng tôi đem bánh đi nướng nhờ lò đất nhà hàng xóm”,
Lắng nghe chuyện tết xưa từ những thế hệ lưng đã còng, tóc đã bạc, mắt mờ theo thời gian mới cảm nhận được tết xưa thật đáng trân trọng, trọn vẹn dù còn thiếu thốn và khó khăn.
Hòa Cù (ghi)
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ