Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Độc đáo tục ăn thịt vịt chiều 30 Tết của người Tày Cao Bằng

Thành Công
Thành Công

Tết của người Tày bắt đầu bằng bữa cơm “giải xúi” chiều 30. Tất cả các món ăn được chế biến từ thịt vịt. Nếu như người Kinh quan niệm rằng vịt là con vật xúi quẩy và tìm cách tránh thì người Tày chọn cách ăn thịt vịt để chấm dứt mọi rủi ro của năm cũ.

3.jpg
Bữa cơm “giải xúi” chiều 30 của  người Tày Cao Bằng với món chính là thịt vịt.

Tết Nguyên đán là lễ Tết quan trọng, lớn nhất trong năm của dân tộc Tày. Người Tày Cao Bằng quan niệm Tết (kin Chiêng) tập trung trong 4 ngày, từ ngày 30 tháng Chạp năm cũ đến hết mùng 3 tháng Giêng âm lịch của năm mới. Tết bắt đầu bằng bữa cơm “giải xúi” chiều 30 với món chính là thịt vịt.

Theo lời bà Nông Thị Hiên, một người dân tộc Tày sống tại xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang thì Tết của người Tày thực sự bắt đầu bằng bữa cơm giải xúi chiều 30 tháng Mười Hai âm lịch (nhiều nơi coi đây là lễ Tất niên như người Kinh). Món chính của bữa này là thịt vịt (con vật xúi quẩy).

Từ ngày 23 tháng Chạp, các thành viên trong gia đình người Tày thường phân công nhau lau dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, bài trí cành đào, câu đối trên bàn thờ tổ tiên; rửa lá bánh, chuẩn bị mổ lợn, thịt gà, gói bánh chưng, làm chè lam, khẩu sli, thúc théc; trang trí mâm ngũ quả, vàng mã...

Khi các công việc chuẩn bị đón tết đã cơ bản, đến ngày 30 tết, người phụ nữ trong gia đình người Tày thường dậy sớm đi chợ lựa chọn những con vịt lông mượt, mỏ to mềm, ức tròn, da cổ và da bụng dày về mổ. Những nhà không có thời gian thì có thể mua vịt chế biến sẵn chuẩn bị cho bữa cơm tối đêm 30.

Các món ăn được chế biến từ thịt vịt cũng khá cầu kỳ. Thông thường, chiều 30 Tết, sau khi dọn dẹp nhà cửa, mua sắm bánh kẹo, quần áo mới…thì người lớn thường tập trung lại và bắt đầu chế biến món ăn từ vịt.

Đầu tiên, họ chọn những con vịt béo không bệnh tật tiến hành chế biến. Chỉ sau vài giờ mâm cỗ thịt vịt của gia đình đã được bày biện khá đẹp mắt và ngon miệng với đầy đủ các món như hấp, nướng, xào lăn, tiết canh…

Cũng theo lời bà Hiên thì để các món ăn được hấp dẫn thì cũng không thể thiếu được các gia vị vốn đã có sẵn trong tủ bếp của mọi gia đình đó là hạt dổi, mắc khén, lá mắc mật, hành, sả, ớt….

Sau bữa cơm tất niên, những thức ăn thừa từ vịt được vứt bỏ hoàn toàn. Vì vậy mới có câu: Ngày Tết, người Tày làm các loại bánh và ăn thịt lợn, thịt gà… “Bươn Chiêng bấu kin nựa pết/Bươn Chất bấu kin nựa cáy” (dịch Tháng Giêng không ăn thịt vịt/Tháng Bảy không ăn thịt gà).

Cùng với tục ăn thịt vịt chiều 30 tết, người Tày còn có những việc kiêng kỵ trong ba ngày tết. Thường thì các bậc cao niên trong bản hoặc thầy Mo, thầy Then, người có uy tín trong cộng đồng sẽ nhắc nhở các gia đình về những điều kiêng kỵ từ đêm giao thừa, mùng 1, mùng 2 tết Nguyên đán.

Còn từ sáng mùng 3 trở đi được bỏ điều kiêng kỵ. Nếu ai vi phạm hoặc cố tình vi phạm điều kiêng kỵ sẽ không chỉ dông cả năm, mà còn làm liên lụy đến cộng đồng thôn bản, làng xã, cộng đồng người Tày.

Đúng giao thừa, mọi nhà đều thắp hương và mở toang cửa để lộc ùa vào. Hương thắp trên bàn thờ có bày quả, bánh và 2 cây vạn niên. Ngoài ra hương còn được thắp trong bếp, ngoài cửa. Nhưng khác với người Kinh, người Tày chỉ thắp hương mà không khấn. Đêm 30, đêm mồng Một không được đốt lửa ngoài đường và đây có thể coi là điều cấm kỵ.

Những ngày đầu năm mới, gặp nhau mọi người tươi cười trò chuyện niềm nở, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất; chúc thọ người già, mừng tuổi cho trẻ con; không đòi nợ nhau vào những ngày tết...

Tin liên quan