Xem rối như tri kỷ
Bước sang tuổi 75, nhưng hàng ngày ông Dương Văn Học vẫn cần mẫn lặn lội đi khắp các vùng miền của tỉnh Khánh Hòa để nghiên cứu và sáng tạo thêm nhiều con rối, vở độc diễn múa rối mới. Ông khẳng định: Với nghệ sỹ đích thực thì tác phẩm hay luôn luôn là tác phẩm chưa làm ra. Tôi sáng tạo bằng trách nhiệm nên dù còn chút sức khỏe nào vẫn tiếp tục làm rối, diễn rối đồng thời cứ trung bình 2 năm tôi lại viết một cuốn sách nghiên cứu về sân khấu và nghệ thuật độc diễn múa rối”. Sinh ra ở Hà Nội nhưng rồi lại lăn lộn vào Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa cũ) sau bao năm trăn trở và thử nghiệm nhiều môn nghệ thuật khác ông Học chọn cho mình môn nghệ thuật độc diễn múa rối cạn-như cách lựa chọn một lối đi riêng. Những ngày đầu dấn thân vào nghề vẫn còn in đậm trong ký ức của ông đó là những vở diễn dành tặng riêng cho các trẻ em đường phố ở Khánh Hòa. Ông bảo: Những đứa trẻ thơ ngây vây quanh tôi, mắt sáng lên, hò reo, vỗ tay theo từng động tác ngộ nghĩnh của con rối làm tôi vỡ òa hạnh phúc vì chính bản thân tôi cũng có số phận bất hạnh, côi cút từ tấm bé”. Sau nhiều năm lăn lộn với đoàn ca múa nhạc Phú Khánh năm 1984, ông Học chuyển ra Hà Nội làm cho Nhà hát múa rối trung ương cho đến khi nghỉ hưi thì quay về sống ở Khánh Hòa.
Nghệ sỹ Văn Học giới thiệu rối với khách
Trong bảo tàng rộng hơn 20 m2 chất chưa hơn 100 con rối các loại mang đủ các màu sắc, tính cách đối lập. Ông Học giải thích: Cuộc sống như một bao tải khổng lồ chứa trong nó cả tính thiện, người thiện lẫn tính ác và người ác. Và bảo tàng rối cũng như vậy. Mỗi vở rối đều phải gửi gắm một triết lý về nhân sinh, cuộc sống nếu không thì chẳng có giá trị gì. Chính tính triết lý và hơi thở cuộc sống ấy đã khiến cho nhiều vở độc diễn rối cạn của Dương Văn Học gây tiếng vang cả trong nước lẫn quốc tế như: Thuyền trên sông, Cái chết của con thiên nga, Thằng hề, Keo vật cuộc đời, Cô gái hay nhện, Những con rối, Phía sau ánh mắt…Tính đến nay, nghệ sỹ Dương Văn Học bằng tài năng của mình đã lưu diễn trên 50 quốc trên thế giới. Nhiều vở độc diễn được các quốc gia lớn như: Pháp, Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Hy Lạp đón nhận nồng nhiệt. Ông tâm sự: Nhớ gần 20 chục năm trước khi diễn vở “Thuyền trên sông” nói về sự tranh giành của hai đội quân chèo thuyền trên cùng một con thuyền. Cuối cùng chiếc thuyền rùng rằng và không thể cập bến được, có nguy cơ sẽ bị sóng dữ đánh chìm…Ngay khi vở diễn hạ màn nhiều khám giả Hàn Quốc lao lên sân khấu xúc động cảm ơn ông vì họ thấy trong vở rối đó tình cảnh đất nước phân chia Bắc-Nam của họ.
Tái hiện hơi thở cuộc sống
Sau 30 năm gắn bó với rối ông Học đúc rút ra triết lý: Cuộc đời như một sân khấu rối và mỗi người như một con rối. Con rối đó có thể thiện cũng có thể ác hoặc ác thiện lẫn lộn. Cuộc đời cũng giống như một keo vật triền miền. Chúng ta vật lộn với chính mình với người xung quanh, với kẻ thù…ở đâu cũng có những con rối”. Nghệ thuật độc diễn rối cạn điều khó nhất là kết hợp nhuần nhuyễn giữa: bàn tay, cánh tay, dây rối, các mặt nạ...
Ông Học nhập vai trên sân khấu
Khi tiến hàng biểu diễn, trên sân khấu sẽ độc nhất chỉ có một nghệ sỹ biểu diễn cùng những con rối. Điều ấn tượng nhất cho bất kể ai khi vừa đặt chân vào bảo tàng độc diễn múa rối cạn của ông Học đó là con rối khổng lồ tái hiện hình ông tam quan. Từ khuôn mặt đến bàn chân rối là những gam màu đối lập nhau (tượng trưng cho thiện và ác). Ấn tượng nhất với ông Học có lẽ là vở diễn “Những con rối”. Ông đã tái hiện được một tập thể rối trên một sân khấu rối. Rối với ông như là tri kỷ nên trong bảo tàng có những con rối nhỏ bé được người khác trả giá hàng chục triệu đồng nhưng nhất định ông không bán. Xứ Trầm Hương Khánh Hòa là nơi cho ông nhiều khát vọng, nhiều kỷ niệm nên ngay khi vừa quay lại Nha Trang để sống và sáng tạo nốt quảng đời còn lại ông đã cho ra đời ngay vở rối “Thánh nữ xứ trầm”. Vở diễn tái hiện các mặt bi hài- thiện ác của thánh nữ Y Ana.
Sau mấy chục năm hoạt động nghệ thuật độc diễn múa rối, nghệ sỹ Dương Văn Học đã nhận được nhiều Bằng khen của các tổ chức quốc tế, Huy chương vàng tại Liên hoan múa rối toàn quốc năm 1994; Giải thưởng Sân khấu các năm 1994, 2000, 2001 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Giải thưởng của Quỹ phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển; Giải thưởng sân khấu múa rồi Châu Á, Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và hàng chục bằng khen tại các sân khấu múa rối trong nước và quốc tế…Nhưng lời tâm sự thật tình nhất ông Học vẫn luôn khẳng định: danh hiệu quý nhất, giải thưởng lớn nhất là những con rối do mình làm ra.