- Thưa TS Bùi Văn Hưng, ý tưởng nào HVCT lại mở ra chương trình đào tạo bảo vệ - trình độ trung cấp cho các cơ quan ban ngành?
+ Về cơ sở pháp lý, mở ra cho nhà trường là ngày 04/04/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 – 2019" (sau đây gọi tắt là Quyết định 538/QĐ-TTg). Thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg, Trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính và các quyền, nghĩa vụ khác quy định tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập và các văn bản khác có liên quan.
Do vậy, việc đổi mới đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương để tăng nguồn thu nhà trường là rất cần thiết, tạo sự lan tỏa thương hiệu của trường trong công tác tuyển sinh, gắn đào tạo theo đặt hàng từ các địa phương cho nhà trường.
- Tại sao ông lại không đề xuất chọn một ngành nghề khác mà lại chọn đào tạo ngành bảo vệ cho các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp... ?
+ Qua nghiên cứu Nghị định số 68/ 2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11năm 2000 về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tôi nhận thấy nhiều việc như: Sửa chữa bảo trì đối với hệ thống điện, cấp thoát nước ở công sở, xe ôtô và các máy móc thiết bị khác đang được sử dụng trong cơ quan, sự nghiệp đơn vị do các vị trí như nhân viên Lái xe, nhân viên Bảo vệ, nhân viên Vệ sinh… đảm trách.
Đa số họ chưa được đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên, những người làm công tác bảo vệ phần lớn chưa được trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ thuật phòng cháy, kỹ năng lập biên bản, kỹ năng tự vệ, trang bị văn hóa ứng xử chuyên nghiệp … Nên để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp trong bối cảnh mới cần chuẩn hóa đội ngũ quan trọng này.
Từ đó tôi mạnh dạn đề xuất lãnh đạo nhà trường phải mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho những đối tượng này. Thực tế vị trí bảo vệ ít cơ quan để ý để đào tạo bồi dưỡng, mà vị trí bảo vệ hết sức cần thiết trong các cơ quan đơn vị sự nghiệp. Vì mọi ấn tượng đầu tiên khi đến làm việc lại nằm ngay ở cửa bảo vệ cơ quan.
-Xin ông chia sẻ vì sao lại mở đầu bằng việc chọn Phú Yên, để triển khai việc đào tạo vị trí trung cấp bảo vệ cho các cơ quan thuộc tỉnh này?
+ Sau khi đề xuất ý tưởng, khảo sát một vài địa phương. Tôi nhận thấy việc đào tạo đội ngũ bảo vệ là cần thiết trong nhiệm vụ mới, nghề bảo vệ không có Trường nào trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ trung cấp. Do vậy, tôi chọn Phú Yên, một địa phương hiện hợp tác rất chặt chẽ về đào tạo nghề với nhà trường..
Về lý, Quyết định mở các nghề đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng phù hợp với quy định và điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo về chương trình. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo của Trường, đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc tổ chức tuyển sinh theo đúng quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch". Trường đã báo cáo toàn bộ hồ sơ cho tổng cục giáo dục nghề nghiệp để triển khai thực hiện.
Như vậy, việc triển khai đảm bảo sự cân bằng tính "hợp lý – hợp pháp". Hợp pháp là đầy đủ hồ sơ theo quy định. Hợp lý là báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước trước khi thực hiện theo phân cấp quyết định số 538/ QĐ-TTg.
- Qua thời gian vất vả thực hiện, vì có cả những ý kiến trái chiều về đào tạo nghề bảo vệ trình độ trung cấp, vậy kết quả có được như mong đợi không, thưa TS?
+ Chúng tôi đã hoàn thành đào tạo, đã cấp bằng trung cấp bảo vệ cho 287 học sinh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh đặt ra; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho tỉnh Phú Yên, mang lại lợi ích kinh tế cho nhà trường, hình thành một nghề mới trong đào tạo Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II. Khẳng định được giá trị và thương hiệu nhà trường. Hiện nay, các trường trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, duy nhất chỉ có Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đào tạo nghề bảo vệ trình độ trung cấp.
Từ thành công này HVCT còn mạnh dạn triển khai Đào tạo bồi dưỡng nhiều cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho các tỉnh như Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bến Tre, Hậu Giang, Cà Mau.
- Thưa TS Bùi Văn Hưng, khi bắt tay xây dựng một ngành đào tạo mới mẻ, thất bại cũng là lẽ thường, nhưng HVCT lại thành công vào những ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội như, xử lý nước thải công nghiệp, bảo vệ… Vậy câu hỏi bí quyết thành công từ ý tưởng đến thực tiễn là gì?
+ Câu trả lời chắc chắn sẽ là: Sự đoàn kết, quyết đoán và thống nhất cao. Tuy nhiên, thiếu sự kiên quyết, dũng cảm, sẽ khó đưa ra những ý tưởng mang lại lợi ích cho chính HVCT và cho học sinh như hiện nay. Đồng thời, nếu đổi mới mà luôn mang tâm lý "e ngại" cũng sẽ làm mất đi các cơ hội tốt. Song, dũng cảm hay kiên quyết thế nào cũng luôn cân bằng tính "hợp lý và hợp pháp".
- Năm mới Tân Sửu 2021, Tiến sĩ mong muốn điều gì ở lĩnh vực đào tạo nghề ?
+ Theo tôi cần có cơ chế bảo vệ những người lao động, cán bộ lãnh đạo có tư tưởng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Và phải khuyến khích, khen thưởng những ý tưởng mới, đột phá trong quá trình thực hiện đảm bảo tạo động lực trong quá trình thực hiện. Và quan trọng nữa là cần có hành lang pháp lý để triển khai các ý tưởng đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm mang lại hiệu quả cho đơn vị, xã hội.
- Trân trọng cảm ơn TS Bùi Văn Hưng1