Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chủ trì buổi làm việc (Ảnh trong bài: Mạnh Dũng)
Đánh giá cao đóng góp của ngành LĐ-TB&XH, đặc biệt 3 năm qua
Chiều 6/3, đoàn nghiên cứu khảo sát của Hội đồng Lý luận Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư T.Ư Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về việc Tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước về an sinh xã hội, việc làm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các Thứ trưởng: Doãn Mậu Diệp, Lê Quân, Nguyễn Thị Hà và đại diện các đơn vị thuộc Bộ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thời gian qua, ngành đã kiên trì bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, xây dựng và đổi mới chính sách trong những lĩnh vực ngành được phân công.
Kết quả, cơ cấu lao động đã chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp chung luôn duy trì ở mức thấp. Thu nhập của người lao động dần được cải thiện, quan hệ lao động từng bước được phát triển.
Công tác đền ơn đáp nghĩa được thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng và gia đình của họ. Lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, chăm sóc và bảo vệ trẻ em đạt kết quả đáng ghi nhận…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao những đóng góp của ngành lao động - thương binh và xã hội trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước thời gian qua, đặc biệt trong 3 năm gần đây.
Theo đó, các chính sách an sinh xã hội đã thể hiện được tinh thần đổi mới, hướng đến những chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Song thực tế triển khai các chính sách cho thấy còn những vấn đề cần làm sâu sắc hơn. Trong đó, chính sách lao động việc làm là vấn đề lớn, gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, “ngành cần làm thế nào để giải phóng lao động ở khu vực nông thôn qua triển khai các giải pháp đồng bộ”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Thắng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần đánh giá toàn diện để có chính sách việc làm phù hợp nhất trên cơ sở khai thác tối đa nguồn lực của xã hội, các thành phần kinh tế; đánh giá thực tiễn, những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực người có công, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội trong tình hình mới...
Đạt nhiều thành tựu lĩnh vực lao động, NCC và xã hội
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quân đã Báo cáo tóm tắt tổng kết 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó trọng tâm là 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Bộ LĐ-TB&XH, tập trung đánh giá 3 nhóm chính sách thuộc ngành quản lý gồm: Lao động, việc làm, quan hệ lao động, tiền lương, giáo dục nghề nghiệp, quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, an toàn lao động; chính sách đối với người có công; bảo hiểm xã hội, giảm nghèo, trợ giúp xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo đánh giá, trong những năm qua, dù đất nước có nhiều lúc khó khăn nhưng tình hình an sinh xã hội được đảm bảo, người nghèo không bị bỏ lại phía sau, người có công có mức sống bằng và khá hơn so với mức sống trung bình. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn 5,7%, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm.
Trong giai đoạn 2021- 2026, sẽ ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh như giảm nghèo, hướng đến bảo hiểm xã hội toàn dân, hình thành thị trường lao động hướng tới việc làm tốt hơn, thu nhập của người lao động tốt hơn.
Tham góp ý kiến tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh phân tích, trong bối cảnh mới, tình hình mới, giai đoạn tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phải giải quyết các chính sách lao động việc làm, xã hội… đối diện nhiều xu hướng lớn tác động đến chính sách của ngành.
Ông đơn cử làn sóng CMCN 4.0 đang được bàn đến rất nhiều, xu hướng về công nghệ sẽ xuất hiện nhiều hình thức việc làm mới, như vậy đòi hỏi sẽ phải điều chỉnh chính sách việc làm hiện có như thế nào, cũng là vấn đề lý luận được đặt ra.
Hay những tác động của kỹ thuật số, khiến rất nhiều ngành nghề thay đổi, nhiều dự báo cho rằng một số ngành sử dụng nhiều lao động sẽ bị quá trình tự động hóa, các thiết bị công nghệ mới làm giảm số lao động, dẫn đến nguy cơ sa thải lao động hàng lọat, xử lý lao động thất nghiệp sẽ ra sao… là những thực tế đặt ra trong thời gian tới.
Ở góc độ giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh cho biết, lĩnh vực này thời gian qua đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hiện đã và đang hướng tới làm sao cả xã hội, nhất là nhận thức của các bậc cha mẹ, người học, dần dần tiếp cận vấn đề, coi việc học nghề là một xu hướng tất yếu, là sự cần thiết thực sự trong xu thế thị trường.
Đảm bảo mọi người dân có quyền an sinh
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng lý luận trung ương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trong bối cảnh mới, tình hình mới, nhất là hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những vấn đề mới đang đặt ra cả về lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Đòi hỏi phải đổi mới tư duy ngay từ khâu xây dựng chính sách để đảm bảo mọi người dân có quyền được an sinh. Để làm được điều đó, phải phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế và xã hội.
“Đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để mọi người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của tăng trưởng kinh tế. Cần coi các chính sách xã hội là một bộ phận của chính sách kinh tế-xã hội, được thảo luận, xây dựng và triển khai đồng thời với các chính sách kinh tế. Cần coi chi tiêu cho các chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, đặt con người ở vị trí trung tâm. Cần đề cao con người, thừa nhận con người là nguồn lực vô tận, là nhân tố quyết định, là mục tiêu của sự phát triển. Mọi chính sách kinh tế-xã hội phải hướng vào vì con người và do con người và coi đầu tư vào con người là đầu tư cho phát triển nên cần được đặc biệt ưu tiên để “tăng cường khả năng và mở rộng cơ hội lựa chọn cho con người”.
Cùng với đó, đảm bảo công bằng xã hội trong tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững; Các mục tiêu, chỉ tiêu về lao động-việc làm phải gắn trực tiếp với mục tiêu phát triển kinh tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt. Cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hướng tới các giải pháp duy trì, bảo đảm việc làm cho người lao động, hạn chế thất nghiệp. Xây dựng và hoàn thiện các thiết chế cơ bản của QHLĐ và các tiêu chuẩn lao động…
Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian tới, chuyển sang phát triển theo chiều sâu, hội nhập quốc tế với các tiêu chí cao hơn, để phù hợp phát triển chung.
Được biết, kết quả khảo sát sẽ được dùng để xây dựng chiến lược về an sinh xã hội trong giai đoạn 2021- 2026, trên cơ sở đó đề xuất, bổ sung, phát triển những vấn đề lý luận thực tiễn vào Dự thảo Văn kiện chuẩn bị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng.