Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đội săn bắt chuột ở làng nghề 100 tuổi

Cả làng làm nghề săn bắt chuột (SBC) để bán. Nghề “kiếm cơm” này có ở làng Tiền Liệt (Tân Phong, huyện Ninh Giang, Hải Dương) đã hơn 100 năm nay. Nhiều người được bà con trong làng phong là “nghệ nhân” bắt chuột...

 

Những “chiến binh” SBC làng Tiền Liệt

Ông Nguyễn Văn Chiêu là một trong những “nghệ nhân” bắt chuột của làng. 4 giờ sáng ông đã chuẩn bị xong “vũ khí” và lương thực thực phẩm, nước uống cho chuyến đi. Nhóm săn chuột của ông gồm 3 người, toàn những thợ săn lão luyện, có cả chục năm chinh chiến trên “chiến trường”. Hôm nay nhóm SBC của ông xuất quân sang Thái Bình, xa tới trên 60 cây số. Ông Chiêu cho biết, bên ấy cánh đồng rộng, chuột còn nhiều. Cánh đồng xung quanh huyện Ninh Giang chuột bị bắt vãn rồi, càng đi xa thì chuột càng nhiều. Bên ấy không có nghề SBC nên mới còn cơ cho người Tiền Liệt.

Đúng 5 giờ sáng, lệnh xuất phát, hai cái xe rồ máy lên đường. Nhiều nhóm săn chuột cũng xuất hành vào giờ này, giờ hên. 3 người tụ với nhau thành một nhóm là hợp lý nhất, đủ lực lượng xử lý mọi tình huống phát sinh. Mọi người thường nói đùa với nhau, chúng mình là đội SBC - săn bắt cướp. Nói thế nghe cũng phải, chuột thì có khác gì cướp đâu, thậm chí còn hơn cả cướp. Một sào ruộng lúa đỏ đuôi, chỉ một đêm mà lũ chuột phá nát.

Săn bắt chuột ở đồng

Thời gian bắt chuột sôi động nhất là vào vụ lúa mùa, từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Thời gian này chuột rất béo vì ăn toàn thóc mẩy. Sau một vụ gặt chuột đều béo mẫm, mỡ nhiều nên thịt chuột chế biến ăn rất ngon.

Sau 3 tiếng hành quân nhóm của ông Chiêu đã tới một cánh đồng mới gặt, gốc rạ còn trơ trên ruộng. Nhóm thợ săn đi theo bờ máng dò tìm hang chuột. Với kinh nghiệm tuyệt vời của mình, ông Chiêu lập tức phát hiện dấu chân chuột đi thành đường vào hang. Khi đã định vị đúng hang chuột rồi thì anh em bắt đầu vây lưới xung quanh, cắm chốt giữ lưới sát mặt đất, và đào bới vào hang. Hang chuột có cái rất sâu, chia làm mấy ngách, nên đào rất vất vả. Nếu hang nào sâu quá thì chỉ đào một đoạn thôi, sau đó đổ nước vào và dùng kích điện kích sâu vào trong hang.

Chuột bị điện giật nên không có phản ứng gì, anh em chỉ việc thò tay vào lôi chuột ra, dùng kìm cắt bỏ hết răng rồi cho vào bao. Có những cái hang lớn thợ săn bắt được cả mấy chục con chuột béo mẫm.

Ông Chiêu kể, một lần chúng tôi phát hiện cái hang chuột trên bờ máng, có rất nhiều vết chân đi vào. Theo phán đoán của tôi trong hang sẽ có khoảng trên dưới 30 con. Tuy nhiên khi đào vào thì chẳng thấy con chuột nào chạy ra, bên trong có một con rắn hổ mang nằm cuộn như cái rế. Anh em bình tĩnh bắt được con rắn, một ngày may mắn, con rắn bán được với giá cao ngất ngưởng. Những con rắn to thường tìm hang chuột chui vào ăn và nằm luôn trong đó. Anh em săn chuột thường xuyên bắt được rắn. Mới đây trong làng có một ông bắt được con cạp nong, bán ngâm rượu giá 2 triệu đồng.

Bị chuột cắn, thậm chí rắn cắn là chuyện thường tình đối với những thợ săn chuột. Con chuột rất nhanh, nếu không tóm trúng đầu sẽ dễ bị cắn. Chuột đồng hầu như không độc hại gì nên thợ săn chuột không sợ bị cắn.

Vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ mùa màng

Chợ chuột hình thành ngay tại làng vào đầu giờ chiều hàng ngày nên thợ săn  phải mang chuột về sớm mới kịp bán. Bán chuột cũng giống như bán gà, phải có nồi nước sôi thường trực, nếu ai yêu cầu làm sạch, thui, mổ liền thì phải xử lý ngay, ít ai mua nguyên con về nhà tự làm, trừ khi thợ buôn chuột chuyên chở đi xa. Ngày xưa chuột ở Tiền Liệt chỉ bán cho bà con trong vùng, còn bây giờ thì thợ buôn đã chở đi nhiều huyện trong tỉnh, đưa cả xuống Hải Phòng, Quảng Ninh...

Cụ Khoản, 75 tuổi nghệ nhân bắt chuột của làng Tiền Liệt.

Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tiền Liệt cho biết, nghề bắt chuột ở đây là một trong những phương cách kiếm tiền làm kinh tế gia đình có hiệu quả của bà con nhân dân. Vào thời vụ, cả làng có hàng trăm người đi săn chuột. Chuột to chừng 3 lạng một con, lại béo mượt có giá lên tới 100.000 đồng/kg đã sơ chế, chuột nhỏ hơn thì 70, 80.000 đồng/kg. Một người chịu khó đi xa có thể bắt được 10kg chuột trung bình mỗi ngày, thậm chí có người một ngày bắt được tới gần 30kg, thu nhập từ chuột không phải là nhỏ. Ông Chuyên chia sẻ, bản thân ông cũng đi bắt chuột từ năm mới 10 tuổi. Các cụ ở đây thường đưa con cháu ra đồng hướng dẫn kinh nghiệm săn chuột từ rất sớm, có cháu mới 6,7 tuổi đã theo bố ra đồng bắt chuột rồi. Ngày xưa chỉ có đàn ông làm nghề săn chuột, còn bây giờ đàn bà cũng làm nghề này vì thu nhập cao.

Cụ Đoàn Văn Khoản, 75 tuổi cho biết: Tôi theo cha đi săn chuột từ năm 9 tuổi. Thời đó chuột còn ít lắm, mỗi ngày đi bắt chỉ được dăm con là cùng, chỉ bắt để ăn chứ không bán. Không hiểu tại sao bây giờ chuột nhiều quá xá. Hiện nay vào mùa vụ, tại chợ này mỗi ngày bán trên dưới 1 tấn chuột mà vẫn hết.

Cụ Khoản còn nhớ vào những năm 60 thế kỷ trước, HTX cũng đã có phong trào vận động toàn dân diệt chuột rồi nhưng chuột vẫn phát triển. Một con chuột mẹ đẻ mỗi lứa cách nhau chỉ 40 ngày, mỗi lứa hàng chục con nên mới phát triển nhanh như vậy. Cả một đàn chuột mấy chục con nhưng chỉ có 1 con chuột đực thôi, còn lại là chuột cái. Cả một đàn chuột cái chẳng khác gì những cỗ máy đẻ nên bắt mãi vẫn không hết chuột là như vậy. Ở nhiều nơi, chuột đã kháng thuốc nên khó bẫy được chúng, đặt cạm cũng không được, chỉ còn cách bắt trực tiếp mà thôi.

Cụ Khoản là một trong những “siêu sao” bắt chuột trong làng. Ra cánh đồng chỉ cần nhìn cỏ cây xung quanh là cụ biết rõ có bao nhiêu con chuột đang hoạt động trong khu vực, và chúng đang ẩn nấp ở đâu. Cuối mùa vụ, đất ruộng được cày xới, vào ngày nắng nóng thì chuột chạy xuống ẩn dưới ao bèo, lòng máng chỗ có cỏ mọc um tùm. Thợ săn chỉ cần dùng lưới bao xung quanh đám bèo tây sau đó vớt bèo, kéo lưới túm lại rồi vơ chuột thôi. Cụ Kháng bảo chỉ cần nhìn xuống cây bèo tây là biết có bao nhiêu con chuột trú ở phía dưới. Chuột là món ăn ưa thích của nhân dân trong vùng. Có những làng làm cỗ cưới nhất thiết phải có món thịt chuột mới được coi là cỗ to. Khách sang tới chơi mới được đãi thịt chuột. Hiện ở Tiền Liệt thì thịt chuột đắt hơn thị gà. Thịt chuột chế biến giống thịt chó, chuột chiên giòn, chuột nấu giả cầy, chuột hấp ép lá chanh...

Sơ chế chuột.

Đội chiến binh săn chuột đã làm một công đôi việc, kiếm tiền và bảo vệ lúa cho bà con nhân dân. Theo chủ nhiệm HTX Nguyễn Hồng Chuyên thì cánh đồng lúa ở Tiền Liệt có năng suất cao vì không còn con chuột nào phá hại nữa. Hiện có nơi còn mời đội SBC từ Tiền Liệt về quê bắt giúp chuột nữa. Nghề săn chuột là một trong những nghề vất vả, thức khuya dậy sớm, đi xa hàng chục cây số, bù lại thì thu nhập cũng khấm khá. Chính vì thế mà một bộ phận lớn gia đình ở Tiền Liệt có điều kiện xây dựng kinh tế gia đình, có tiền nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Chúng tôi về làng Tiền Liệt vào một buổi trưa, tất cả các đội thợ săn vẫn đang trên cánh đồng, chưa mang chuột về. Chợ chiều vẫn chưa nhóm họp nhưng thợ buôn chuột ở Hải Phòng, Quảng Ninh... đã về chờ sẵn rồi. Những gia đình còn chuột từ hôm qua thì đã mang ra bán phục vụ người tiêu dùng.

Nghề săn chuột ở đây còn bao lâu nữa, điều này thì không thể biết được. Đã hơn 100 năm nay tồn tại mà nghề săn chuột vẫn không hề mai một, ngược lại ngày càng phát triển hơn...