Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đốt pháo hoa Tết như thế nào để không bị phạt?

Thành Công
Thành Công

Theo quy định của pháp luật thì vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ.

2.jpg
Người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ. (Ảnh minh họa)

Việc sử dụng pháo hoa vào dịp Tết Nguyên đáng hằng năm là nhu cầu của rất nhiều người nhưng đốt pháo thế nào để không vi phạm pháp luật là một trong những vấn đề mọi người cần đặc biệt quan tâm.

Pháo nổ và pháo hoa nổ không được phép sử dụng

Vào dịp Tết nguyên đán hằng năm các lực lượng chức năng phải tăng cường công tác kiểm soát các hành vi vi phạm về việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, đốt pháo.

Nghị định số 137 ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021 (thay thế Nghị định số 36/2009 của Chính phủ), cho phép người dân được quyền sử dụng pháo hoa trong một số sự kiện như: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. 

Chỉ mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh pháo hoa.

Cũng theo nghị định này, nghiêm cấm các hành vi Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ;

Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này và các hành vi khác quy định tại Điều 5 nghị của nghị định.

Hiện nay pháo có hai loại: pháo nổ và pháo hoa. Loại pháo không được phép sử dụng gồm pháo nổ và pháo hoa nổ.

Pháo nổ là loại pháo khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian;

Pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc pháo, thuốc pháo hoa, khi sử dụng gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Loại pháo được phép sử dụng là pháo hoa. Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và không gây ra tiếng nổ.

Theo quy định trên, pháo hoa và pháo nổ đều là sản phẩm tạo ra hiệu ứng ánh sáng, màu sắc trong không gian.

Điểm khác nhau cơ bản là pháo nổ sẽ gây ra tiếng nổ, tiếng rít còn pháo hoa thì không gây ra tiếng nổ mà chỉ tạo ra các hiệu ứng âm thanh.

Theo đó, các loại pháo hoa nổ thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn như tết Nguyên đán, Giỗ Tổ Hùng Vương... theo kế hoạch của Nhà nước.

Đốt pháo hoa nổ trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người đốt pháo hoa nổ trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015:

Căn cứ Mục II Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, người nào đốt pháo nổ thuộc các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015:

- Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội "gây rối trật tự công cộng" theo Khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

+ Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;

+ Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy;

+ Đốt pháo nổ gây thiệt hại sức khỏe, tài sản của người khác nhưng mức độ thiệt hại chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội khác;

+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 1kg đến dưới 5 kg đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,1 kg đến dưới 0,5 kg đối với thuốc pháo;

+ Đốt pháo nổ với số lượng dưới 1 kg pháo thành phẩm hoặc dưới 0,1 kg đối với thuốc pháo và đã bị xử lý hành chính về hành vi đốt pháo nổ hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Đã bị kết án về tội "gây rối trật tự công cộng";

+ Lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo;

+ Cản trở, hành hung người can ngăn (gồm người thi hành công vụ, người bảo vệ trật tự công cộng hoặc người khác ngăn chặn không cho đốt pháo nổ);

+ Đốt pháo nổ với số lượng tương đương từ 5kg trở lên đối với pháo thành phẩm hoặc tương đương từ 0,5 kg thuốc pháo trở lên.

Lưu ý: Người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác.

Tuỳ vào hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ, hành vi mà người đốt pháo nổ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

 

Đốt pháo trái phép, mức phạt hành chính được quy định thế nào?

Căn cứ Điểm i, Khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, Khoản 7, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Khoản 2, Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền như sau:

Người đối pháo hoa nổ trái phép có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền là gấp đôi.

.

.