Thông tin này được Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết tại tờ trình đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.
1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư
Ngày 1/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Phi Thường đã trình bày tờ trình của UBND thành phố về đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Theo đó, Đề án được lập trên quan điểm thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị (metro), là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng GTVT của thành phố.
Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của thành phố trong thời gian tới.
Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng Thủ đô.
Về đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, mục tiêu là phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 đạt 50-55%; sau năm 2035 đạt 65 - 70%.
Giám đốc Sở GTVT cho biết, để hoàn thành mục tiêu đó, Hà Nội đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ đầu tư".
Phân kỳ 2024-2030:
Hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km (gồm các tuyến số 22, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh).
Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỷ USD.
Phân kỳ 2031-2035:
Hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km. Sơ bộ nhu cầu vốn, cần khoảng 22,572 tỷ USD.
Về năng lực vận tải, đến sau 2030, đường sắt đô thị đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỷ USD.
Phân kỳ 2036-2045:
Hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7 km đường sắt đô thị các tuyến đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt. Sơ bộ nhu cầu vốn là khoảng 18,252 tỷ USD.
Về phương án huy động của Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,600 tỷ USD trong hai kỳ trung hạn 2026-2030 và 2031-2035.
Giai đoạn sau năm 2035, thành phố Hà Nội chủ động được nguồn vốn để đầu tư các tuyến đường sắt đô thị bổ sung.
Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô đưa ra dự báo tình hình và 5 nhóm giải pháp với 13 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Giai đoạn năm 2026-2030, vận động 100% nhà ở riêng lẻ trang bị thiết bị báo cháy, khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động. Bên cạnh đó, xử lý dứt điểm các công trình không đảm bảo an toàn PCCC đã đưa vào hoạt động; 100% các ngõ nhỏ, ngõ sâu sẽ được rà soát, đầu tư, bổ sung họng nước phục vụ chữa cháy. |