![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/SmD1qI8NNq6vXJo3wbAZQssSjgI=/thumb_w/680/2024/01/31/img8557-1706690373788.jpg)
Hoa đào mùa xuân.
Thời tiết và hoa – “Sản phẩm du lịch” độc đáo của Hà Nội
Việt Nam có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông và Hà Nội là nơi thể hiện rõ nhất điều này. Hơn thế nữa, mỗi mùa của Thủ đô Hà Nội lại gắn với những loài hoa đẹp quyến rũ. Chính các loài hoa đã góp phần phân định 4 mùa rõ ràng ở Hà Nội.
Mùa xuân là hoa đào. Hoa đào xuân Hà Nội với những làng hoa nổi tiếng quanh Hồ Tây và trên bờ sông Hồng như Nhật Tân, Quảng Bá, Phú Thượng, Tứ Liên… đã ghi dấu ấn trong lịch sử ngàn năm văn hiến. Vẫn còn hồng thắm đâu đây sắc hoa đào trong chiến thắng Đống Đa của Hoàng đế Quang Trung. Hoa đào là một loại đặc sản mùa xuân của Hà Nội. Sau hoa đào, mùa xuân Hà Nội được tô điểm bằng hoa sưa, hoa xoan và gần đây là hoa ban.
Chớm hè là tiếng ve và hoa loa kèn len vào các phố. Điều này khiến nhiều người ngây ngất, nhất là cánh học trò. Sau đó là bừng lên sắc phượng đỏ rực rỡ, rồi tím trắng bằng lăng. Lúc này, đến giới sinh viên xốn xang trong khuôn viên các trường đại học. Họ rủ nhau đi dưới những hàng cây đầy hoa và không cần biết là sớm hay tối. Người ta “hưởng” hương sen trước khi được nhìn thấy những cánh hồng, cánh trắng tươi thắm một góc Hồ Tây. Ít người để ý đến hoa sấu, nhưng quả sấu thì không mấy người bỏ qua. Từ lâu, sấu Hà Nội đã là một loại đặc sản khiến nhiều người ngây ngất.
![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/cEvRIuuOnnjYx37hdJqoHpBoz7U=/thumb_w/680/2024/01/31/img8582-1706690373792.jpg)
Hoa cải mùa đông.
Mùa thu Hà Nội bắt đầu bằng sắc nắng đã dịu đi. Có người đã viết: “…sang tháng Chín đi làm, em không đội nón/ Con gái làm duyên với mùa thu đang đến/ Anh có nói gì đâu? Chẳng nhẽ lại ghen với bầu trời?”. Chà! Người Hà Nội “tán” nhau mãnh liệt một cách kín đáo. Cái duyên của trí tuệ có lẽ nằm ở đây?! Nhưng dẫu sao, mùa thu Hà Nội vẫn được đánh dấu bằng nhiều loài hoa, nổi bật nhất là hoa cúc vàng và cúc vạn thọ. Hoa thạch thảo góp thêm màu tím thủy chung cho Hà Nội lộng lẫy, cao sang nhưng vẫn mang hồn quê bình dị. Cây cơm nguội và cây bàng lúc này “lên tiếng” đóng góp bằng sắc màu của lá. Màu vàng pha đỏ khiến mùa thu Hà Nội nổi bật trong cái nền nã, thanh tao…
Mùi ngát nồng của hoa sữa báo hiệu mùa đông đã sang. Chẳng nhớ tên một nhà thơ nào đó đã viết những câu thơ bình dị nhưng làm cho giới trẻ của bao thế hệ bị lay động: “Mùa này Hà Nội mùa hoa sữa/Anh chờ em ở phố Nguyễn Du…”. Nhưng màu vàng hoa cải trên các bờ bãi sông Hồng mới tô đậm cái chất đích thực của mùa đông Hà Nội. Trong cái se lạnh của gió heo may, nam thanh, nữ tú Hà Nội diện những bộ quần áo đẹp nhất để dạo phố. Nhiều người ở miền Trung, miền Nam mơ ước có cơ hội được chạm tay vào cái lạnh của Thủ đô.
![](https://cdnphoto.dantri.com.vn/Sm3hY-80YSVC8G-W4j9ukm2fedI=/thumb_w/680/2024/01/31/112-1706690373794.jpg)
Hoa ban – Loài hoa mới của Hà Nội.
Tạo và khai thác “sản phẩm du lịch phi vật thể”
Với vị trí địa lý, truyền thống văn hóa, lịch sử đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ hoạt động trong tất cả các loại hình nghệ thuật, từ văn chương đến điện ảnh. Với đông đảo quần chúng nhân dân, âm nhạc là loại hình nghệ thuật phổ biến nhất, gần gũi nhất, dễ hiểu, dễ cảm nhất. Chính vì thế mà hầu hết các nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam đều có những tác phẩm để đời về Hà Nội; từ tác giả Quốc ca Văn Cao, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi, “vua” nhạc trữ tình Trịnh Công Sơn, “người mê đắm Hà Nội bỏ đi không đành” Phú Quang, đến các nhạc sĩ Trọng Đài, Trương Quý Hải, Giáng Son… Những sáng tác của họ đã làm cho Hà Nội đẹp, sang trọng, thiêng liêng hơn. Đây chính là những “sản phẩm du lịch phi vật thể” quý giá của Thủ đô Hà Nội.
Hàng chục năm nay, hàng ngày, nhân dân cả nước say sưa nghe những ca khúc “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Em ơi Hà Nội phố” của Phú Quang, “Hà Nội đêm trở gió” của Trọng Đài, “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” của Trương Quý Hải và hàng chục ca khúc nổi tiếng khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng được thưởng thức những ca khúc này ngay tại Thủ đô ngàn năm văn hiến. Do vậy, việc biến những tác phẩm âm nhạc về Hà Nội thành “sản phẩm du lịch phi vật thể” của Thủ đô là việc rất nên làm.
Để làm được điều này, đương nhiên là cần phải đầu tư tiền bạc, công sức, trí tuệ… Nhưng người Hà Nội vốn có thế mạnh trong lĩnh vực này. Những đêm nhạc với nhiều chủ đề khác nhau, khai thác những vẻ đẹp sâu lắng của Hà Nội sẽ thu hút du khách. Cần làm sống lại và nhân rộng những tụ điểm âm nhạc của Thủ đô.
Những người làm du lịch cũng rất cần có đầu óc tưởng tượng. Dựa vào các loài hoa ở Hà Nội và các tác phẩm âm nhạc về Thủ đô, du lịch Hà Nội có thể tạo ra những sản phẩm du lịch mới, độc đáo và hấp dẫn. Đây mới chỉ là một gợi ý nho nhỏ cho những người làm du lịch ở Thủ đô và mong rằng trong tương lai không xa, Hà Nội sẽ có sản phẩm du lịch từ hoa và nhạc.
Nguyên Hồ/TC GĐ&TE