Du lịch Quảng Ninh giữ mục tiêu về lượng khách
Dù thiệt hại nặng nề vì bão số 3 (Yagi), ngành du lịch vẫn sẽ là một trong những trụ cột tăng trưởng của tỉnh Quảng Ninh. Địa phương này quyết tâm giữ kịch bản đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024, trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch dự kiến đạt 46.460 tỷ đồng; tỉnh Quảng Ninh phấn đấu năm 2024 đạt mức tăng trưởng trên 10%, nối tiếp 10 năm liền tăng trưởng hàng năm đạt 2 con số.

Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh khẳng định đã sẵn sàng phục vụ khách du lịch. Tại TP Hạ Long, trong tổng số 8.572 buồng phòng, có 5.196 phòng sẵn sàng đón khách (chiếm 60% tổng số phòng).
Khối cơ sở lưu trú du lịch từ 1 - 3 sao và đạt tiêu chuẩn vẫn sẵn sàng đón khách (khoảng 580 khách sạn với 8.540 phòng). Hệ thống các nhà hàng lớn, kiên cố tại khu vực Bãi Cháy và khu vực Hòn Gai hoạt động bình thường và đã đón khách.
Nhiều cửa hàng lưu niệm, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch mở cửa trở lại; nhiều quán cà phê, ăn đêm hoạt động bình thường. Cảng Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã khắc phục và đảm bảo để đón khách. Tổng số tàu du lịch sẵn sàng hoạt động tại 2 cảng này, đến 13/9 là 315 tàu (chiếm 88%).
Ngoài ra để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch nói riêng và hệ thống doanh nghiệp nói chung bị thiệt hại sau bão, Sở Du lịch Quảng Ninh đã đề xuất nhiều giải pháp như cơ cấu lại thời gian vay, nợ; xem xét miễn, giảm lãi vay hoặc được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước cho vay ưu đãi đối với các khách hàng bị thiệt hại;
Xem xét phương án giảm tiền thuê đất/thuế đất, mặt nước; giãn thuế dịch vụ; tạm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, phí vệ sinh môi trường hoặc xem xét phương án gia hạn thời gian cho việc quyết toán các loại thuế.
Xem xét giảm giá điện, nước cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đang chịu thiệt hại do ảnh hưởng của bão; xem xét hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, bị ảnh hưởng do bão; hỗ trợ cho các cơ sở dịch vụ không có khả năng phục hồi phải chuyển đổi ngành nghề hoặc đóng cửa...
Lào Cai xây dựng các sản phẩm du lịch thiện nguyện sau bão số 3
Là địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại do hoàn lưu bão số 3, ngành “công nghiệp không khói” của Lào Cai chịu những tổn thất nặng nề. Để giữ vững mục tiêu tăng trưởng du lịch trong năm 2024, thời gian này, các doanh nghiệp, ban ngành và chính quyền địa phương đang dốc sức khắc phục hậu quả của bão, sớm đưa ngành du lịch trở lại trạng thái bình thường.
Ngày 13/9, UBND thị xã Sa Pa đã mở lại các điểm du lịch sau khi tiến hành rà soát và đánh giá kỹ lưỡng về độ an toàn. Các điểm du lịch tiêu biểu như khu du lịch cáp treo Sun World Fansipan Legend, Thác Bạc, vườn đá Tả Phìn, Thung lũng Xanh, vườn Hồng Mộng Mơ, suối Vàng - thác Tình Yêu, Hàm Rồng và Cát Cát đã lần lượt được mở cửa đón khách trở lại.
Bên cạnh việc nỗ lực mở cửa lại các điểm du lịch, Sở Du lịch Lào Cai cũng đã lên phương án với nhiều giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch mới; đẩy mạnh xúc tiến liên kết hợp tác du lịch; đồng thời tuyên truyền vận động cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp đoàn kết khắc phục, làm mới cảnh quan bản làng.
Sở đang nghiên cứu xây dựng tour du lịch thiện nguyện. Đây là hình thức trải nghiệm và kết hợp hỗ trợ các bản làng bị thiệt hại nặng nề bởi thiên tai; du lịch gắn với tham quan các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ.
Việc tham gia du lịch thiện nguyện mang lại nhiều lợi ích cho du khách và cộng đồng bản địa, ý nghĩa nhân văn cao đẹp, khi du khách phương xa cùng đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, địa phương và môi trường.
Khi tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, du khách có cơ hội gặp gỡ và làm việc với cộng đồng bản địa, đóng góp vào việc cải thiện cuộc sống của người dân như tặng quà, giúp xây dựng nhà ở, cải tạo trường học, khám chữa bệnh, tái thiết sau thảm họa...
Du khách cũng có cơ hội hiểu hơn về các vấn đề xã hội và khó khăn mà cộng đồng địa phương đang phải đối mặt. Thông qua việc tham gia các hoạt động cộng đồng, du khách có cơ hội trải nghiệm và học hỏi về văn hóa, truyền thống, lịch sử địa phương.
Bên cạnh đó, du lịch thiện nguyện cung cấp một môi trường mà ở đó du khách được gặp gỡ, tạo mối quan hệ với những người có chung niềm đam mê, ý thức về việc giúp đỡ cộng đồng.
Hợp tác xã du lịch nhanh chóng tái phục hồi
Một trong những Hợp tác xã (HTX) du lịch chịu thiệt hại nặng sau bão ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) là HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn. Vốn nổi tiếng với những ngôi nhà sàn truyền thống, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo, HTX đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bão lũ ập đến. Mưa lớn gây sạt lở đất và hủy hoại nhiều công trình, nhà sàn của HTX.
Đặc biệt, hệ thống đường giao thông đến các bản làng bị chia cắt, khiến việc đón khách du lịch gặp nhiều khó khăn.
Ngay sau khi bão tan, HTX Tả Phìn đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục. Các thành viên HTX phối hợp cùng chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để dọn dẹp đường sá, sửa chữa lại những khu vực bị sạt lở và tái xây dựng những ngôi nhà sàn bị hư hại.
Đồng thời, HTX cũng tận dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ để mua lại trang thiết bị mới thay thế cho những gì đã mất. Nhờ những nỗ lực không ngừng, ngày 16/9, HTX đã mở cửa trở lại và sẵn sàng đón du khách quay lại trải nghiệm cuộc sống yên bình và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Còn với HTX dịch vụ du lịch Vạn Chài Hạ Long (Quảng Ninh) sau khi bão qua cũng đang điều chỉnh chiến lược phát triển theo hướng hiện đại hơn.
Hệ thống vườn chim và các tuyến du lịch sinh thái bị hư hỏng nặng, HTX đã tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và quảng bá du lịch, triển khai các ứng dụng đặt phòng trực tuyến, giới thiệu các tour du lịch qua mạng xã hội,
Đồng thời áp dụng công nghệ thực tế ảo (VR) để du khách có thể khám phá các địa điểm trước khi quyết định đặt tour. Đây là một chiến lược mới, giúp HTX tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn và mở rộng thị trường du lịch quốc tế....
Các chuyên gia cho rằng, việc thúc đẩy các chương trình liên kết giữa các HTX với nhau, cũng như giữa HTX với các doanh nghiệp du lịch lớn sẽ giúp họ có thêm nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch mới và thu hút khách trở lại, tận dụng cơ hội để vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Đại diện Bộ VH - TT&DL khuyến cáo, mặc dù thời tiết hiện tại đã ổn định và không có hạn chế nào đối với các hoạt động du lịch, nhưng người dân và du khách cần thận trọng khi di chuyển. Đặc biệt, các khu vực từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, sụt lún, nhất là ở vùng núi cao và ven sông suối. Du khách nên tránh tiếp cận những địa điểm này cho đến khi có xác nhận từ cơ quan chức năng rằng khu vực đã an toàn.
Siêu bão Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ. Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Theo thống kê sơ bộ đến ngày 17/9, đã có 329 người chết và mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; hơn 234.000 căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ… Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%. Các chuyên gia nhận định, tác động của bão lũ sẽ ảnh hưởng tới khách du lịch trong nước và khách quốc tế trong vòng 1 - 2 tháng tới, khiến cho lượng khách tới Việt Nam bị sụt giảm. Các tỉnh phía Bắc cần khoảng 1 - 2 tháng để có thể đón khách trở lại nhưng để khôi phục hoàn toàn cần sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. |
Phương Anh
Báo Lao động và Xã hội số 113