Nỗ lực tái thiết, ổn định đời sống người dân
Quảng Ninh là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 với 25 người thiệt mạng, 1.609 người bị thương; 99% mạng phụ tải điện bị mất điện, hạ tầng mạng viễn thông hư hại... tổng thiệt hại ước tính sơ bộ là 23.770 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa số thiệt hại của toàn quốc.
Ngay khi bão đi qua, Quảng Ninh đã tập trung tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; huy động sự vào cuộc của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức để hỗ trợ người dân thu dọn, vệ sinh môi trường. Đến nay đã cứu hộ thành công 111 người bị trôi dạt ở vùng biển, trục vớt 165 phương tiện tàu thuyền bị đắm chìm, trong đó có nhiều tàu nuôi cá, tàu vận tải…
Đến thời điểm này, tỉnh đã tạm cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 khoảng 180 tỷ đồng cho các địa phương, đồng thời UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác xây dựng chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả bão số 3.
Song song việc khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh cũng đã khôi phục lại kinh tế - xã hội. Hiện 100% cơ sở ngành than, tất cả khu công nghiệp, nhà máy đã hoạt động trở lại. Trong 2 ngày (12, 13/9), tỉnh Quảng Ninh đã đón gần 10.000 khách du lịch, trong đó khoảng 7.000 khách quốc tế.
Tỉnh cũng đang xây dựng kịch bản phát triển kinh tế. Dự báo, GDP năm 2024 sẽ giảm khoảng 0,5 - 0,6% do ảnh hưởng bão số 3, nhưng tỉnh cam kết sẽ điều hành, điều chỉnh kinh tế để tốc độ tăng trưởng vẫn đạt 2 con số.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Hải Phòng, tổng thiệt hại do bão gây ra ước tính khoảng 11.000 tỷ đồng. Để tái thiết kinh tế, ổn định đời sống người dân, ngay sau bão, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang và người dân… đã khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả; đồng thời, triển khai sửa chữa nhà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Hoàn lưu bão số 3 gây thiệt hại nặng nề tại tỉnh Lào Cai với số người chết và mất tích nhiều nhất cả nước. Cơ sở hạ tầng, giao thông, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, tổng giá trị thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Tỉnh đang rà soát, thống kê thiệt hại để đề xuất khắc phục kịp thời; nỗ lực kết nối lại thông tin liên lạc, quyết tâm cấp điện lại cho các trung tâm xã trong ngày 16/9, đến ngày 30/9 cấp điện trở lại tại tất cả các thôn.
Sớm kết nối lại giao thông đến các xã, thôn để thực hiện công tác cứu trợ; sử dụng, phân bổ hợp lý nguồn lực hỗ trợ địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai.
Ngày 15/9, chính quyền huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng đã bắt đầu công cuộc tái thiết thôn Làng Nủ bằng việc xây dựng một khu tạm định cư cho người dân ổn định cuộc sống trước khi khu tái định cư được hoàn thành.
Doanh nghiệp nỗ lực phục hồi sản xuất
Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp tại các tỉnh phía Bắc ngay sau bão đã bắt tay dọn dẹp và khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, ngay sau bão, chính quyền thành phố đã huy động mọi nguồn lực để khôi phục sớm nhất việc giải tỏa giao thông, cấp điện, nước sạch trở lại…
Trong đó, các khu công nghiệp, doanh nghiệp là một trong những đối tượng được thành phố quan tâm tập trung khắc phục. Nhờ vậy mà từ ngày 9/9, hầu hết khu công nghiệp được cấp điện và hơn 95% số doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã sản xuất bình thường.
Công ty xi măng Vicem Hải Phòng cho biết, bão số 3 gây thiệt hại cho Công ty khoảng 15 - 16 tỷ đồng. Nhưng với tinh thần khẩn trương nhất, toàn bộ cán bộ, công nhân lao động đã được huy động làm cả thứ bảy, chủ nhật để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.
Ngày 11/9, công ty đã xuất những lô xi măng đầu tiên sau bão, mỗi ngày xuất 6.000 tấn hàng hóa cung ứng cho thị trường. Cùng với đó, công ty khẩn trương khắc phục thiết bị hư hỏng, nhà xưởng, tổ chức sấy lò, bắt tay ngay vào sản xuất và ngày 15/9 bắt nhịp tiến độ sản xuất kịp thời.
Ngoài Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… là những địa phương có các nhà máy sản xuất lớn và có nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, việc duy trì sản xuất liên tục có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ người lao động, doanh nghiệp, mà còn của nền kinh tế.
Theo Ban quản lý các khu kinh tế khu vực bị bão, về thiệt hại chung, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đều có cây xanh bị gãy đổ, nơi thiệt hại cao nhất lên tới 90%, thấp nhất là 30%, may mắn không thiệt hại về người. Ngay sau bão, các địa phương và doanh nghiệp đã huy động mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất để khắc phục hậu quả. Đến nay, khoảng 95% số doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.
Ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trước những thiệt hại của khách hàng, doanh nghiệp do bão Yagi và hoàn lưu bão gây ra, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.
Tới đây, ngân hàng này sẽ đánh giá tổng thiệt hại của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Đối với khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng, sẽ đẩy nhanh công tác đền bù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Một ngân hàng khác cũng cho biết, sẽ không chỉ giảm và ưu đãi lãi suất mà đang chỉ đạo Công ty Bảo hiểm khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với khách hàng, đảm bảo kịp thời; thành lập các đoàn công tác đi thực địa, đánh giá tổng thể mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn, giảm lãi suất các khoản vay cũ, cho vay mới… nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, ổn định hoạt động kinh doanh.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa. Bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương. Bão gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhà nước. Ước tính sơ bộ, thiệt hại về tài sản khoảng 40.000 tỷ đồng. Đến nay, Chính phủ đã hỗ trợ cho các địa phương khoảng 350 tỷ đồng và đang tiếp tục thống kê thiệt hại; cấp gần 300 tấn gạo. Tính đến 18 giờ ngày 15/9, Ban An toàn Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã khôi phục cấp điện trở lại cho 95,23% khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước đã ủng hộ thông qua Ban vận động Cứu trợ Trung ương. Tính đến 17 giờ ngày 15/9, số tiền ủng hộ đồng bào bị thiệt hại là 1.094 tỷ đồng. |
Châu Anh - Khánh Vân
Báo Lao động và Xã hội số 112