Quay lại Dân trí
Dân Sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Du lịch sinh thái rừng: Hướng đi bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập

LĐXH
LĐXH

(LĐXH) - Rừng chỉ thực sự là “vàng” khi được quản lý, bảo tồn và khai thác các giá trị một cách bền vững, đúng quy định.

Du lịch sinh thái rừng là hướng đi bền vững, giúp tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho khoảng 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng.

Tiềm năng du lịch từ những sản phẩm tour độc lạ

Du lịch sinh thái rừng: Hướng đi bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập - 1
Khám phá Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà.

Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) là một trong những điểm đến lý tưởng dành cho du khách thích khám phá. Các kiểu rừng đặc trưng của vườn quốc gia là rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng hỗn giao lá rộng lá kim, rừng tre nứa và khu vực trảng cỏ. Nơi đây được đánh giá là một trong những khu rừng có sự đa dạng về nấm hàng đầu châu Á. 

Đây cũng là lý do Viện Công nghệ sinh học ứng dụng (ABI) đã phối hợp với Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường (VQG Bidoup Núi Bà) tổ chức triển khai tour tìm hiểu các loài nấm. Những cán bộ kiểm lâm ở đây đã được nâng cao trình độ để quản lý, để làm du lịch và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Theo đó, du khách sẽ được học cách nhận biết một số loại nấm ăn được như: Nấm sữa, nấm dẻ, nấm thuẫn, nấm mào gà, nấm sò, nấm hương, nấm gan bò, nấm kaki... các loại nấm dược liệu: Linh chi, hầu thủ, một số loại nấm ký sinh côn trùng; nhóm nấm độc như: Nấm vôi, nấm tán, nấm dẻ đen...

Chỉ một khu vực đồi thông trong khu hành chính nhưng đã có hơn 20 loại nấm khác nhau trong 400 loại nấm sinh ra ở VQG Bidoup Núi Bà. 

Ông Đinh Văn Tý, Phó giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường bộc bạch: "Chúng tôi tổ chức các hoạt động để du khách được trải nghiệm và học hỏi kiến thức chuyên sâu về nấm. Những tour như thế sẽ thu hút các đối tượng từ học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi quan tâm đến chủ đề này".

Tại VQG Pù Mát (Nghệ An), các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã xây dựng nhiều điểm tổ chức du lịch sinh thái dựa vào rừng, tạo việc làm cho khoảng 200 - 300 lao động địa phương mỗi năm.

Những năm gần đây, huyện Con Cuông (một trong 3 huyện có VQG Pù Mát nằm trên địa bàn) đã trở thành điểm đến của khách du lịch cả nước. Bên cạnh các thắng cảnh thu hút đông du khách như: Đập Phà Lài, khe nước Mọc, thác Kèm… Con Cuông hấp dẫn bởi nét văn hóa đặc sắc, du lịch cộng đồng, chợ phiên Mường Quạ, Mường Chon. 

Hay VQG Cúc Phương có tuyến du lịch xuyên rừng ngủ bản Mường tại bản Khanh, Ân Nghĩa, Hòa Bình thu hút nhiều du khách và trở thành điểm đến thường xuyên. Tại đây, khách du lịch được trải nghiệm, tìm hiểu đời sống, văn hóa, tri thức bản địa của cộng đồng, đi bộ, tắm và chèo mảng trên sông, hoạt động giao lưu văn nghệ buổi tối, tham gia các lễ hội...

Bên cạnh đó, nhiều VQG, khu bảo tồn thiên nhiên khác như: Phong Nha - Kẻ Bàng, U Minh Thượng, Ba Vì, Bạch Mã, Cát Tiên, Cát Bà, Hoàng Liên, Tam Đảo, Bà Nà - Núi Chúa… và hơn 60 khu bảo tồn thiên nhiên đang tích cực đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với rừng.

Vừa làm du lịch, vừa nâng cao ý thức bảo vệ rừng

kể từ năm 2018 trở lại đây, nhờ du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, ý thức của người dân được nâng cao nên tình trạng vi phạm rừng không còn xảy ra.

Hoạt động du lịch cộng đồng đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng; nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, xác định rõ hơn vai trò của người dân trong hoạt động của VQG; giúp cộng đồng giữ gìn được một số nét văn hóa và nghề truyền thống; nâng cao dân trí thông qua việc giao tiếp với khách du lịch.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế rừng đi đôi với quản lý, bảo vệ rừng bền vững, các VQG, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan… đã và đang làm tốt các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm trong rừng.

Thu nhập từ dịch vụ du lịch rừng của các VQG đạt hơn 2.000 tỷ đồng mỗi năm, mang lại nguồn thu đáng kể cho công tác tái đầu tư bảo vệ quản lý rừng và nâng cao thu nhập cho người dân sống gần rừng. Nhiều VQG như: Cúc Phương, Phú Quốc, Cát Tiên, Núi Chúa, Cát Bà, Ba Bể, Yok Don, Côn Ðảo, Pù Mát… đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. 

Thời gian qua, các địa phương cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành đã có những chương trình, tour mang “màu sắc” của du lịch sinh thái. Tuy nhiên, hiệu quả du lịch sinh thái chưa cao so với tiềm năng.

Nguyên nhân chính là do các địa phương chưa xác định phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Du lịch dựa vào rừng mang đặc thù: Khai thác tiềm năng mà không phá hoại, sử dụng không gian mà không ảnh hưởng môi trường, đi chơi, trải nghiệm để hiểu biết nhằm tuyên truyền, vận động cộng đồng cùng chung tay giữ rừng, bảo vệ môi trường rừng. 

Đức Thọ

Báo Lao động và Xã hội số 24

Tin liên quan