Thay vì học bài trong lớp của lớp học truyền thống, một tiết học về tự nhiên xã hội của trường Tiểu học số 1 Thanh An, các em được học ngay tại khu nông trại của nhà trường.
Tại đây, học sinh có thể quan sát cây cối ở vườn cây, trực tiếp tìm hiểu và rút ra các kiến thức cần thiết về bài học, phân biệt được đâu là cây thân cứng, thân mềm, cây rau, cây bóng mát… Qua tiết học này, các em hứng thú và say mê hơn với môn học, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng thực hành cũng thành thạo hơn.
Không chỉ với môn Tự nhiên Xã hội, mà đối với môn Mĩ thuật, giáo viên cũng đã tổ chức cho học sinh làm sản phẩm từ các phế liệu, rác thải. Từ những ống hút, vỏ chai, miếng xốp, qua bàn tay khéo léo và tỉ mỉ của mình, với sự hướng dẫn của cô giáo, các em tạo thành những bông hoa, con vật, hộp quà xinh xắn… vừa có tác dụng để trang trí lớp học vừa giảm lượng rác thải ra môi trường, tạo môi trường cảnh quan xung quanh luôn xanh, sạch, đẹp.
Một trong những hoạt động trải nghiệm thu hút được sự tham gia của đông đảo học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh là "Ngày hội nông trại". Đây là dịp để trưng bày, mua bán, giao lưu các sản phẩm do tự tay các em học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh tự làm. Toàn bộ khu vực sân trường được bố trí thành nhiều gian hàng để các khối lớp trưng bày các mặt hàng nông sản, bánh trái, và các nghề truyền thống của địa phương.
Một số gian hàng bày bán các sản phẩm do chính cô giáo và học sinh cùng làm như chậu hoa, đồ mỹ nghệ, dụng cụ tái chế... cho đến những quả bầu, quả bí, quả cam, bó rau thu hoạch ở vườn trường hay các món bánh đặc trung vùng miền do phụ huynh hỗ trợ.… Từ các hoạt động này, giúp các em có thêm những kĩ năng trong việc xây dựng kế hoạch, kĩ năng làm việc nhóm và có những trải nghiệm đáng nhớ khi trực tiếp bán hàng, tạo nguồn quỹ cho lớp, cho trường để giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, để mang thiên nhiên, đưa thực tiễn cuộc sống đến gần hơn với các hoạt động giáo dục, các trường học trên địa bàn huyện Cam Lộ đã xây dựng những mô hình sáng tạo bằng nhiều hoạt động giáo dục trong và ngoài khuôn viên trường học, giúp học sinh có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và truyền thống tốt đẹp của quê hương. Qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, yêu lao động và có ý thức vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng đạo đức, lối sống, kỉ năng sống phù hợp với lứa tuổi, tạo cho học sinh sự say mê, hứng thú, sáng tạo trong học tập và hoạt động.
Có thể thấy, mô hình giáo dục giàu tính thực tiễn tại trường Tiểu học số 1 Thanh An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là sự cụ thể hóa phương châm “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội".
Hiệu quả từ mô hình này đã góp phần tạo lên môi trường sư phạm thân thiện, gẫn gũi, giúp học sinh có điều kiện phát triển về cả nhận thức, kiến thức và kĩ năng. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường theo tinh thần về đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục và đào tạo.