Hãy thường xuyên nói lời yêu thương con vì tình yêu chính là liều thuốc tinh thần tốt nhất giúp trẻ mạnh mẽ và hướng thiện. Ảnh minh họa
Vì sao con hư hỏng?
Chị Phan H. nhớ lại ngày con trai 16 tuổi. Nó ngỗ ngược, không ai bảo được, thầy cô giáo nào cũng tỏ ra khó chịu khi nhắc đến nó. Vợ chồng chị muối mặt không biết bao nhiêu lần khi bị mời lên gặp Ban giám hiệu nhà trường vì các vụ gây rối của con. Những lần như thế, chị H. đau lòng đến độ không nói lên lời; còn chồng chị - người đàn ông cục tính đã không thể giữ bình tĩnh, ông quật đứa con trai duy nhất lên bờ xuống ruộng, kèm đó là tổng sỉ vả không thương tiếc. Nhưng con trai chị chẳng hề thay đổi tâm tính, thậm chí, càng ngày nó càng ngang tàng, thách thức tất thảy mọi người.
18 tuổi, nó không đỗ bất cứ trường đại học hay cao đẳng nào. Bảo nó thi lại, nó cự tuyệt, bảo có thi lại cũng vẫn trượt thôi, nó học không vào. Không thể để con ở nhà lêu lổng, không công ăn việc làm, chị H. quyết định gửi con vào Nam theo ông chú họ lái xe đường dài. Thật đen đủi, người chú đó vốn lông bông chả khác gì con chị. Sau một năm theo ông chú vô Nam, lúc ra Bắc, cậu con trai chị nhìn như già thêm 5 tuổi, trên môi thường trực điếu thuốc lá, nói chuyện như kẻ giang hồ, thất học. Mỗi lời nói nó đều đệm thêm câu chửi đổng. Dường như, chị H. đã sai lầm khi để con ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ.
Năm đầu vào Nam, con trai chị còn quay về nhà thăm bố mẹ, sau, các chuyến thăm thưa dần. Cha mẹ gọi điện, con trai hiếm khi nghe máy, nếu có nghe chỉ ậm ừ, qua quýt. Đứa con trai chị H. đặt bao niềm tin và hy vọng sẽ có một tương lai tươi sáng, giàu có, hạnh phúc hơn cha mẹ, giờ lưu lạc nơi phương xa, với cuộc sống vô định. Và rồi, một ngày, chị nhận được tin sét đánh, con chị bị sốc ma túy, đột tử. Cái chết của đứa con trai mới 20 tuổi khiến chị H. gần như rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu, buồn bã suốt ngày. Chị luôn tự dằn vặt mình về cái chết của con và luôn cảm thấy mình có lỗi, đến độ có lần chị đã muốn tự vẫn.
Tuy nhiên, chị đã cố vùng vẫy ra khỏi vùng tăm tối, chị ăn chay, niệm Phật, chăm đi chùa, làm từ thiện, mong được cứu rỗi. Trong một lần đi nấu cơm từ thiện, chị vô tình gặp một nhà tâm lý học. Cô gái này còn khá trẻ nhưng đã chia sẻ với chị nhiều điều bổ ích.
Vợ chồng chị chỉ có duy nhất một đứa con và rất yêu con nhưng đã bao giờ nói lời yêu thương con mỗi ngày?
Khi con phạm sai lầm, chị rất đau lòng, nhưng đã khi nào vợ chồng chị ngồi xuống nói chuyện nghiêm túc với con, cho con biết cảm xúc của cha mẹ và mong mỏi con sẽ thay đổi, rằng cha mẹ luôn là điểm tựa, sẵn sàng giang rộng vòng tay để đón con trở về.
Tại sao chưa bao giờ vợ chồng chị hỏi con, tại sao con lại làm thế, con làm như thế để làm gì? Đôi khi, trẻ quậy phá, gây ra lỗi lầm chỉ để được cha mẹ chú ý đến mình, vì chúng quá cô đơn, điều này các bậc phụ huynh có biết?!
Nhiều bậc cha mẹ luôn cho rằng, con cái hư hỏng là do bị bạn xấu lôi kéo. Đúng, tuổi trẻ rất dễ bị cái xấu dụ dỗ, nhưng chúng hoàn toàn có thể quay đầu nếu được cha mẹ định hướng, động viên kịp thời. Nhiều khi chúng ta không chia sẻ, chuyện trò với con, không động viên, khích lệ con kịp thời - đó chính là lúc chúng ta đẩy con ra xa.
Khi con mắc sai lầm, đừng chỉ trách mắng hay trừng trị, hãy cho con cơ hội giãi bày và nói cho con biết, bạn sẵn sàng mở lòng giúp con sửa chữa lỗi lầm. Ảnh minh họa
Cha mẹ phải làm gì để con trẻ nghe lời và lớn lên trở thành một người tốt?
Theo các chuyên gia tâm lý học, cha mẹ hãy thường xuyên nói lời yêu thương con. Tất thảy trẻ em trên thế giới này đều thích được nghe những lời yêu thương. Tình yêu có thể khiến đứa trẻ trở nên mạnh mẽ và hướng thiện.
Duy trì mối quan hệ tích cực với trẻ cứng đầu, điều này nghe có vẻ không dễ dàng chút nào, tuy nhiên, bạn đừng vì một sai lầm của trẻ mà phá hỏng mối quan hệ bền chặt giữa cha mẹ và con cái. Hãy ngồi lại cùng nhau, cho trẻ có cơ hội được trình bày lý do tại sao mình hành xử như thế, nói cho trẻ hiểu rõ hậu quả của hành động sai trái và cùng con tìm giải pháp khắc phục, cũng như lên một chương trình, thậm chí một kế hoạch hành động cụ thể để giúp con sửa chữa lỗi lầm.
Tuy nhiên, trước lỗi lầm của con, không phải cha mẹ nào cũng thống nhất được cách ứng xử. Một số bà mẹ bao che cho con, ngược lại, các ông bố thường nghiêm khắc trừng trị. Bao che hay trừng phạt đều không phải là biện pháp tốt nhất cho trẻ. Bạn cần áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực. Cần thống nhất cách dạy con bằng các trao đổi từ trước, đừng để trẻ cảm thấy lúng túng khi cha mẹ không cư xử nhất quán. Nếu thấy việc thống nhất ý kiến quá khó khăn, cha mẹ có thể tham khảo ý kiến một người có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ, hoặc các chuyên gia tư vấn tâm lý. Dù bằng cách này hay cách khác, song tất cả các bậc cha mẹ đều có một điểm chung là mong điều tốt nhất cho con, hãy căn cứ vào điểm chung này để tìm tiếng nói chung trong việc dạy bảo con cái.
Nếu gia đình bạn là một gia đình không trọn vẹn, bố hoặc mẹ đơn thân, gia đình tái hôn, có con chung, con riêng, việc nuôi dạy một đứa trẻ cứng đầu, phá phách sẽ khó khăn hơn gấp bội, bởi đôi khi, chính lý do cha mẹ không đủ đầy, gia đình không hạnh phúc trọn vẹn là điều kiện thúc đẩy trẻ sa ngã. Trong hoàn cảnh này, tình yêu thương, trách nhiệm và sự cảm thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sẽ rất khó khăn, nhưng nếu đủ yêu thương và bản lĩnh, bạn hoàn toàn có thể cùng con (con của chính mình hay con của bạn đời) vượt qua mọi thử thách.
Đừng đầu hàng. Nhiều cha mẹ khi thấy con bất trị đã buông tay và đầu hàng, họ mặc cho đứa trẻ xoay sở với cuộc sống, điều này vô cùng sai lầm. Số ít trẻ bản lĩnh, cộng thêm chút may mắn, gặp được bạn tốt, được ai đó cứu giúp, chúng có thể thay đổi tích cực và quay đầu đúng lúc. Nhưng đa phần, số còn lại sẽ càng trượt dài và ngày càng hư hỏng. Đừng buông tay, nếu bạn không muốn mất con!
Hãy luôn lắng nghe và hết sức kiên nhẫn với một đứa trẻ cứng đầu, bất trị.
Bình Yên/TC GĐ&TE